5 bài học từ chủ nghĩa khắc kỷ

Đã hơn một năm kể từ khi mình viết bài viết đầu tiên về Chủ nghĩa khắc kỷ, đó cũng là khoảng thời gian mình thực hành lối sống này và có cho bản thân những bài học, dù không mới, nhưng ở một tầng sâu hơn. Bài viết này mình chia sẻ 5 bài học đã giúp mình hạnh phúc và bình an hơn nhé!

1. Ngừng lo lắng về những thứ KHÔNG THỂ kiểm soát

“Chỉ có một cách để hạnh phúc và đó là ngừng lo lắng về những điều nằm ngoài khả năng kiểm soát của chúng ta.” – Epictetus

Nếu bạn có tìm hiểu chủ nghĩa khắc kỷ, chắc hẳn bạn đã biết, chủ nghĩa này khái quát cuộc sống thành 3 phần:

  • Những thứ chúng ta không thể kiểm soát được
  • Những thứ chúng ta kiểm soát một phần
  • Những thứ chúng ta có thể kiểm soát được

Theo chủ nghĩa khắc kỷ, cách duy nhất để chúng ta có được sự bình yên trong cuộc sống là chấp nhận rằng có những thứ chúng ta không thể kiểm soát được và học cách từ bỏ chúng.

Khi hiểu được điều này, mỗi khi có vấn đề xảy đến, việc đầu tiên mình là chính là tự vấn bản thân: Mình có thể kiểm soát/ thay đổi được sự việc này không?

Nếu câu trả lời là không. Mình chọn dừng phản ứng, và quay vào bên trong để kiểm soát chính cơn giận, sự khó chịu của bản thân. Bởi mình hiểu, khi cố gắng thay đổi một điều không thể thay đổi, kiểm soát một điều không thể kiểm soát, cũng là lúc mình tự làm khổ bản thân, khi phản kháng với những gì xảy ra xung quanh, một cách vô ích.

man face covered with white tape

Dần dần mình cũng hạn chế được những cảm xúc tiêu cực như tức giận, khó chịu, hằn học vì những thứ không thể kiểm soát như trời quá nóng, đèn đỏ quá lâu, kẹt xe, ảnh hưởng của dịch bệnh, cách cư xử của người khác,… Và nhờ đó, khả năng chấp nhận của mình cũng tăng lên.

2. TẬP TRUNG vào những thứ có thể kiểm soát

Chủ nghĩa Khắc kỷ cũng giúp mình hiểu rằng, chỉ có 02 thứ mình có quyền kiểm soát tuyệt đối là suy nghĩ và hành động của chính mình. Mình không thể kiểm soát thế giới xung quanh, nhưng mình có thể kiểm soát phản ứng của bản thân. Chính nhận thức của mình về các vấn đề xảy ra bên ngoài mới là nguyên nhân khiến những sự việc này trở nên tốt hay xấu.

Mình không thể thay đổi quá khứ, không thể thay đổi cách người khác nhìn mình, nhưng mình có thể thay đổi bản thân, lựa chọn phát triển bản thân và hoàn thiện hơn mỗi ngày. Mình không thể kiểm soát việc người khác tranh cãi, tiêu cực trên mạng xã hội, nhưng mình có thể chọn trang để thích, chọn người để theo dõi, chọn nội dung để xem và không quan tâm đến vấn đề của người khác. Mình không thể làm tình hình dịch bệnh khá hơn, nhưng mình hoàn toàn có thể bảo vệ bản thân và giữ cho mình suy nghĩ tích cực.

Khi tập trung vào bản thân, gỡ bỏ mọi dính mắc với bên ngoài, mình không còn cố gắng thay đổi ai hay vấn đề xảy ra xung quanh nữa. Và thôi không còn đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho người khác hay những thứ không thể kiểm soát, mình biết lựa chọn tập trung vào điều quan trọng và sống trọn vẹn hơn.

3. Nghiêm túc nghĩ về CÁI CHẾT

Những ngày thế giới đứng yên vì đại dịch, chúng ta được nghe nhiều hơn về cái chết. Tất cả chúng ta đều biết mình sẽ chết vào một lúc nào đó, nhưng chúng ta vẫn sống như thể cuộc sống sẽ tồn tại mãi mãi. Chúng ta lãng phí rất nhiều thời gian để làm những việc không quan trọng, quan tâm đến những gì người khác nghĩ về mình, cố gắng để làm hài lòng ai đó,… và rồi phàn nàn rằng chúng ta không có đủ. Nhưng trớ trêu thay, trong suốt thời gian đó, cái chết luôn đeo bám chúng ta từng phút, từng giây.

Cũng như nhiều người từng nói, cuộc sống vô thường, chủ nghĩa khắc kỷ có một thông điệp tương tự: Memento Mori -Nhớ rằng chúng ta sẽ chết. Để nhắc nhớ rằng, chúng ta không có nhiều thời gian để lãng phí, đừng sử dụng chúng cho những điều vô nghĩa. Hãy nghĩ về thời gian có hạn bạn đang có và cái chết sẽ đến bất cứ lúc nào để nỗ lực trở thành người bạn muốn trở thành, trước khi quá muộn. Bởi chỉ khi ý thức rằng một ngày nào đó cuộc sống của chúng ta sẽ kết thúc, chúng ta mới có thể học cách thật sự sống.


“Bạn có thể rời bỏ cuộc sống ngay bây giờ. Hãy để điều đó quyết định những gì bạn làm và nói và nghĩ ” – Marcus Aurelius

Khi ngẫm nghĩ về cái chết, về thời gian có hạn, mình luôn cố gắng để có thể hiện diện và trân trọng khoảnh khắc hiện tại. Để không phải hối hận vì chưa thể sống trọn vẹn cuộc của của mình. Và biết ơn những ai đã hiện diện, và vẫn đang hiện diện cùng mình, trong hành trình chờ hết của mỗi người.

4. Muốn ÍT lại

Trong suốt qua trình lớn lên, mình vẫn thường nghe mẹ nhắc rất nhiều về tiền. Mẹ bỏ bê sức khoẻ, không quan tâm bản thân và đôi khi quên luôn việc chăm sóc gia đình, chỉ để cố gắng kiếm tiền. Đến tận bây giờ, mẹ vẫn như thế, vì mẹ tin có tiền và giàu có sẽ “sướng” hơn. Nhưng với mình, mẹ là người có nhiều nỗi khổ, khi tự ràng buộc mình với tiền và vật chất. Mẹ quên mất rằng, giây phút hiện tại này mẹ vẫn có quyền hạnh phúc, mà không cần đợi có “đủ”.

text

Hầu hết mọi người đều tin rằng hạnh phúc có được khi đạt được nhiều thứ hơn, chúng ta nỗ lực để có được thành công, danh tiếng, giàu có,… Chúng ta nghĩ khi có được những điều này, các vấn đề sẽ biến mất và chúng ta có thể hạnh phúc hơn. Nhưng sự thật là khi muốn nhiều hơn cũng là lúc chúng ta khổ hơn. Bởi chúng ta đang trở thành nô lệ cho những ham muốn của chính mình.


“The richest man in the world is not the one who has the most, it’s the one who needs the least”

Theo chủ nghĩa khắc kỷ, sống một cuộc sống tốt không liên quan tới việc sở hữu nhiều thứ hơn. Trên thực tế, ngay cả khi chúng ta có được tất cả những thứ mình muốn, thì vẫn chưa bao giờ là đủ. Nếu chúng ta gắn hạnh phúc của mình với những thứ chúng ta không có, chúng ta sẽ càng bất hạnh hơn. Thay vào đó, hãy học cách trân trọng và biết ơn những gì chúng ta đã và đang có.

Điều đó không có nghĩa là từ bỏ những khát vọng và mục tiêu, chúng ta vẫn luôn nỗ lực để cải thiện bản thân và xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn, muốn những thứ thật sự cần thiết và biết cách tận dụng tối đa những thứ đó. Đừng chạy theo chủ nghĩa tiêu dùng, đừng cố khoác lên mình một lớp áo đẹp hay một chức danh cao, để rồi quên đi giá trị thật sự nằm ở bên trong chính mình.

5. ĐƠN GIẢN HOÁ cuộc sống

Ai cũng có những nhu cầu thiết yếu để tồn tại, nhưng hầu hết chúng ta đã xáo trộn cuộc sống của mình vì những thứ chúng ta không thật sự cần. Chủ nghĩa khắc kỷ hướng đến việc mọi người nên cắt giảm những thứ không cần thiết, về cả vật chất lẫn suy nghĩ và hành động của chúng ta.

“Very little is needed to make a happy life; it is all within yourself.” –Marcus Aurelius

Để đơn giản hoá cuộc sống, mình đã liệt kê ra những thứ mình thực sự cần để có được hạnh phúc. Và thường xuyên tự vấn bản thân, những suy nghĩ và hành động này có giúp mình tốt lên hay không? Có cải thiện cuộc sống của mình hay khiến mình hạnh phúc hơn không? Nếu không, mình sẽ tìm cách để gạt bỏ chúng.

Nhờ đó mà mình biết tập trung vào những gì quan trọng nhất không để bản thân dính mắc vật chất hay những thứ bóng bẩy bên ngoài – những thứ không khiến mình hạnh phúc và đủ đầy hơn.


Cuối cùng, chủ nghĩa khắc kỷ không né tránh thực tế rằng cuộc sống có nhiều khó khăn. Nhưng thay vì chống lại điều này, chạy trốn khỏi nó hoặc cố gắng đạt được hạnh phúc, chủ nghĩa khắc kỷ hướng chúng ta chấp nhận thực tế, đón nhận nó và tự rút ra cho mình những bài học. Và hạnh phúc không phải là đích đến, mà là một hành trình song song với việc hoàn thiện bản thân: suy nghĩ thấu đáo hơn, học cách đón nhận mọi thứ, lựa chọn phản ứng với vấn đề một cách tích cực và sống trọn vẹn hơn.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!