Ai cũng phải tự giải quyết vấn đề của riêng mình, ai cũng phải tự học cách yêu mình, có cả trăm ngàn bài viết nói về chủ đề self-love. Nhưng chẳng ai có thể giúp ai cả, bạn vẫn phải tự học cách yêu thương chính mình!
/5 bước để bắt đầu yêu chính mình là bài học của cá nhân mình. Mong mỗi người đều học được cách yêu thương bản thân đúng nghĩa/
Bước 1: Nhận diện
Có lần một người bạn nói với mình, nó có một đứa bạn “rất yêu bản thân”. Cụ thể, bạn ấy muốn gì làm đó, thích ăn gì thì ăn, thích ngủ nghỉ lúc nào thì ngủ nghỉ, thích học thì học không thích học thì chơi,… chẳng quan trọng ai nói gì, bạn kệ hết, bạn sống cho cuộc đời của riêng bạn. OK, ai cũng sống cho chính mình, không sai. Nhưng liệu có là yêu bản thân, khi bạn để mình tự do đến mức không có một nguyên tắc nào? Đó không phải là yêu, mà là nuông chiều!
Mình thì từng cho rằng, yêu bản thân là cố gắng sống lành mạnh, chăm sóc sức khỏe, ngủ đủ giấc, ăn đủ bữa, tập thể dục thể thao, trao dồi kiến thức,… Đúng, nhưng chưa đủ.
Làm sao để biết được mình đang không (hoặc chưa) yêu bản thân?
- Bạn luôn thấy mình không đủ tốt
- Bạn luôn tự trách chính mình
- Bạn hay phán xét khuyết điểm của chính mình
- Bạn luôn luôn nói CÓ
- Bạn quan tâm quá nhiều đến cái nhìn của người khác
- Bạn luôn cố gắng làm hài lòng người khác
- Bạn không thấy tự do trong các mối quan hệ xung quanh
- Bạn không tôn trọng thời gian của mình
- Bạn thường xuyên đổ lỗi cho chính mình và người khác
- Bạn dễ tức giận và phản ứng
- Bạn không hiểu giá trị của mình
Bạn có một hoặc nhiều hơn một trong những điều này? Vậy thì, bạn chưa yêu bản thân mình đâu. Nhưng đừng lo, mình từng có TẤT CẢ những điều này, luôn thấy mình không đủ tốt, luôn cố gắng làm hài lòng người khác, luôn thấy mình không xứng đáng với những lời khen, luôn phát xét khuyết điểm của mình, luôn cảm thấy có lỗi và không thấy được bản thân có giá trị gì! Nhưng may mắn, mình nhận thức được điều đó. Và bước đầu tiên để có thể yêu mình, chính là biết mình đang không yêu mình như mình vẫn nghĩ.

Bước 2: Chấp nhận
Ở độ tuổi mới lớn, mình thường xuyên được nghe rất nhiều những thành kiến tiêu cực về bản thân (mặt mày hay nhăn nhó, tính tình khó ưa, chiếc mũi to và tẹt hay cả bộ ngực lép của mình ). Mình quan tâm đến những lời đó nhiều đến nỗi “ám ảnh”, mỗi lần soi gương, mỗi lần mắc phải sai lầm nào đó, mỗi lần bị tổn thương hoặc bị xúc phạm là mỗi lần mình tự chì chiết và phán xét chính mình.
Phần lớn chúng ta ít nhìn nhận vào những điểm tốt của mình mà chỉ tập trung vào các điểm yếu và bị ám ảnh liên tục bởi chúng.
Sau khi nhận diện được những phán xét là biểu hiện của việc chưa yêu bản thân, mình bước đến bước thứ 2 – chấp nhận.
Mình ngồi liệt kê những khuyết điểm mình có, những điều khiến mình chưa tự tin (cả bên trong lẫn bên ngoài), những lời nhận xét, chê bai của người khác vẫn còn khiến mình quan tâm, những điều mình vẫn đang cố gắng thể hiện ra bên ngoài mà không phải đến từ chính bên trong,… Những thứ có thể cải thiện và thay đổi được, mình tìm cách để làm tốt hơn. Những thứ không thay đổi được, mình chấp nhận. Chấp nhận bản thân không hoàn hảo và còn nhiều khuyết điểm, những khuyết điểm đó biến mình trở thành duy nhất. Chấp nhận những sai lầm và lấy đó làm bài học. Chấp nhận những nỗi đau, những cảm xúc tiêu cực và biết ơn chúng đã đến, giúp mình lớn lên.
Chẳng ai hoàn hảo cả, chúng ta biết rõ điều đó nhưng cũng chính chúng ta luôn đem sự hoàn hảo ra để làm thước đo của mình. Nỗ lực theo đuổi sự hoàn hảo không sai, nhưng để sự hoàn hảo trở thành nỗi lo lắng, dằn vặt, đau khổ thậm chí là ganh ghét, đố kỵ, hận thù trong lòng thì có đáng không?
Học cách chấp nhận, để NGỪNG phán xét mình, NGỪNG cảm thấy mình không đủ tốt, NGỪNG tự trách chính mình, NGỪNG theo đuổi sự hoàn hảo và bắt đầu đến bước 3.
Bước 3: Đừng nghe nữa!
Thật sự, “con nhà người ta” là danh từ mình được nghe nhiều nhất trong suốt quá trình lớn lên.
Những so sánh hơn thua, những ý kiến, nhận xét người khác dành cho bạn, những lời khuyên được cho là “muốn tốt cho bạn”,… Mỗi ngày chúng ta phải tiếp nhận quá nhiều thông tin như thế. Nhưng liệu, chúng có thật sự quan trọng để chúng ta phải nghe và ghi nhớ không? Chúng có khiến bạn khá hơn không? Chúng có giúp ích gì cho bạn không? Chúng có ý nghĩa gì với bạn không? Nếu không, sao bạn vẫn nghe?
Toàn bộ cuộc sống của chúng ta được định hình thông qua sự tương tác của bạn với thế giới và những người xung quanh, suy nghĩ của bạn và cách bạn nhìn nhận những vấn đề xã hội, những mối quan hệ, những hành động và lời nói. Mỗi người có một thế giới quan khác nhau, tạo nên những suy nghĩ và hạnh động khác nhau. Vậy nên, không phải những gì bạn nghe được đều đúng và phù hợp. Kể cả những lời đó đến từ những người giỏi nhất, thành công nhất.
Bạn có quyền lựa chọn những gì mình sẽ nghe. Nhưng trước khi nghe bất cứ âm thành nào từ bên ngoài, hãy lắng nghe tiếng nói bên trong bạn.

Hiểu mình để nghe đúng, để NGỪNG quan tâm đến những gì người khác nói, NGỪNG cố gắng làm hài lòng họ, NGỪNG nói CÓ, NGỪNG dành thời gian cho những điều vô ích và đến bước 4.
Bước 4: Đón nhận
Sau khi chấp nhận được khuyết điểm của mình, chấp nhận được những sai lầm và nỗi đau của mình. Hãy chuyển hóa chấp nhận thành đón nhận. Để dù bất cứ chuyện gì xảy đến, mình cũng ở trong một tâm thế sẵn sàng nhận lấy nó với sự biết ơn và trân trọng. Để dù cho những điều đẹp đẽ có qua đi, ta biết chúng đã đến lúc cần đi, một cách nhẹ nhàng và bình an nhất. Để không mang theo những mong cầu, ham muốn, không bị ràng buộc bởi chúng và có thể có được sự tự do từ chính bên trong mình.
Hôm trước mình trò chuyện cùng đứa bạn, nó kể về việc nó được khen nhưng không cảm thấy đó là lời khen dành cho mình mà chỉ là một câu nói nịnh bợ ngớ ngẩn. Mình hỏi lại rằng, mày thấy người khen mày không đáng tin hay mày nghĩ mình không xứng đáng được nhận lời khen đó?
Những người chưa yêu bản thân không thực sự hiểu giá trị của mình ở đâu. Họ cho rằng giá trị bản thân được đo bằng số người yêu mến ta, số thành tựu ta đạt được, số tiền ta kiếm ra,… Chính vì không hiểu rõ giá trị của mình, họ không biết cách nhận những gì mình xứng đáng được nhận. Và không biết cách nhận.
Yêu mình để hiểu giá trị của mình, để nhận những gì xứng đáng được nhận, để dù khó khăn hay niềm vui đến, trái tim mình vẫn được bình an và tự do.
Bước 5: Bắt đầu “yêu”
Bạn đã làm được bên 4 bước trên chưa? Nếu rồi thì chúc mừng bạn, bạn đã vượt qua những bước đệm đầu tiên trên hành trình học yêu chính mình
Chúng ta còn rất nhiều điều phải học và thực hành để có thể yêu mình đúng nghĩa. Hẹn mọi người ở bài sau để nói chi tiết hơn về bước này nhé!
Chỉ cần mọi người luôn nhớ
“how you love yourself is how you teach others to love you”
Leave a Reply