Bỏ Phố Về Đà Lạt Làm Freelance: Đời Có Tự Do Như Người Trẻ Nghĩ?

Là người trẻ, với vô số những áp lực tại cuộc sống thành thị, hẳn là bạn từng mơ mộng một ngày ‘được nghỉ làm, lên Đà Lạt trồng rau’. Mình cũng vậy.

Cuối tháng 2/2022, mình rời Sài Gòn một cách đột ngột vì chuyện gia đình, kết thúc 6 năm sinh sống vừa học vừa làm tại thành phố hoa lệ nhất Việt Nam. Những tưởng sẽ trở lại Sài Gòn một ngày nào đó, nhưng không, mình quyết định bỏ phố và “di cư” lên Đà Lạt làm freelance. Nhiều người nghe đến đây sẽ nghĩ “cuộc sống trong mơ đây rồi”, “sống và làm việc tại Đà Lạt thì sướng phải biết”, “chẳng phải chen chúc ngoài đường, đến công ty chấm công mỗi ngày”,…

Nhưng thực tế bỏ phố về rừng làm freelance có tự do như người trẻ vẫn nghĩ? Để trở thành freelancer và xây dựng sự nghiệp bền vững, chúng ta cần đánh đổi những gì? Dưới đây là những bài học mình đúc rút được sau 4 tháng làm freelance tại Đà Lạt. 

1. Tự do đấy, nhưng bạn phải tự lo!

Thoát khỏi công việc văn phòng 9 – 5, mình không phải dậy sớm mỗi sáng, chuẩn bị quần áo và lao ra đường để đến công ty kịp giờ, không phải làm việc 8 tiếng trong văn phòng, không còn gặp tình trạng kẹt xe hay chen nhau khi về nhà. Mình không còn bị gò bó về thời gian và không gian, mà có thể chủ động sắp xếp thời gian để làm việc bất cứ khi nào, ở bất kỳ đâu, miễn tâm lý thoải mái. Làm freelance đã cho mình sự tự do nhất định để được làm những việc mình thích, đi đến nơi mình muốn mà không cần phải xem hôm nay là ngày thường hay cuối tuần, phải xin phép ai để được nghỉ việc,… 

Thế nhưng, bên cạnh sự tự do “trong mơ” ấy, mình phải đối diện với hàng tá quyết định mỗi ngày. Từ những việc nhỏ như hôm nay nên mặc đồ ngủ hay thay một bộ đồ chỉnh trang hơn, ngồi nhà làm việc hay ra quán cà phê, tự nấu ăn hay đặt đồ ăn về phòng,… đến những việc lớn như giải quyết việc của khách hàng nào trước, có nên nhận công việc này hay không, phương án nào mang lại hiệu quả công việc tốt hơn,… Điều này có nghĩa là khi làm freelance, mình phải tự chịu trách nhiệm hoàn toàn cho mỗi quyết định được đưa ra. 

Đi kèm với sự tự do chính là vấn đề tự lo. Khi không còn bị tổ chức nào gò bó tức là bạn cũng không có phụ cấp và phải tự lo hoàn toàn vấn đề bảo hiểm cũng như các đãi ngộ khác. Giờ giấc linh hoạt tức là có thể sẽ phải thường xuyên thức khuya, dậy sớm, trao đổi và làm việc với khách hàng 24/7. Và trước khi có nguồn thu nhập tốt hơn mức lương full-time, bạn sẽ phải trải qua cảm giác bấp bênh vô định, thậm chí là nản lòng khi thấy bạn bè xung quanh ai cũng ổn định và ngày càng thăng tiến trong sự nghiệp. 

Làm freelance đồng nghĩa với việc bạn phải học cách tự lo, tự chịu trách nhiệm hoàn toàn cho mỗi quyết định của mình 

2. Chuẩn bị tài chính thôi chưa đủ, hãy vượt qua nổi sợ “ổn định” trước khi làm freelance

Từ trước đến nay, chúng ta vẫn thường nghĩ “ổn định” là được nhận lương hàng tháng, vào một ngày cố định từ công việc văn phòng. Chúng ta luôn bị cái gọi là ổn định, tương lai sau này như thế nào chi phối nên rất sợ phải thay đổi và đánh đổi. Mình cũng từng như thế, vậy nên đã có lúc mình cảm thấy sợ hãi và không dám bắt đầu hành trình tự do của bản thân. Vì khi còn làm việc ở công ty cũ, mình nhận mức lương khá tốt mà không phải lo lắng đến một ngày nào đó mình sẽ bị đuổi việc, hay công ty đột ngột phá sản. 

Nhưng đến một lúc mình tự nhận thức được rằng, không có bất cứ điều gì là ổn định và chắc chắn cả, đặc biệt là lương tháng. Mặc dù khi nghỉ việc để trở thành freelancer, mình mang theo nhiều nỗi sợ như thu nhập không ổn định, bị khách quỵt lương, không tìm được công việc phù hợp… Nhưng sau khi đã đối diện với bản thân và sẵn sàng chấp nhận thất bại, mình hiểu rằng sự nghiệp freelance của bản thân sẽ không bấp bênh nếu mình có đủ năng lực. 

Nhiều người đi trước đã khuyên chúng ta cần chuẩn bị một khoản tài chính dự phòng bằng từ 3 – 6 tháng lương trước khi nghỉ việc làm freelance. Mình đồng ý, nhưng như vậy là chưa đủ. Mình nghĩ bạn còn cần dành thời gian để ngồi xuống, lắng nghe những nỗi sợ bên trong bạn và đối diện với chúng. Hãy tái định nghĩa sự “ổn định” chúng ta vẫn thường lầm tưởng và vượt qua nỗi sợ đó. Hãy tự hỏi, liệu bạn đã đủ khả năng vượt qua sự bấp bênh hay chưa? Bạn đã sẵn sàng đối diện với những thách thức mới hay tự lo mọi thứ khi làm freelance chưa? Vì “tự do” là điều mà hầu hết chúng ta đều hướng đến, nhưng không phải ai cũng đủ khả năng gánh vác tất cả trách nhiệm mà hai chữ ấy đem lại.

3. Dù làm công việc nào, cũng đừng quên mục đích ban đầu 

Tại sao bạn muốn làm freelance? Để sống một cuộc đời tự do “về quê nuôi cá, trồng rau” như bạn mơ ước? Vì quá chán nản với công việc văn phòng? Hay vì người khác làm freeelance “sướng” quá, bạn cũng muốn được như thế? Dù là gì, hãy chắc chắn quyết định trở thành freelancer xuất phát từ bên trong bạn và đừng bao giờ quên mục đích ban đầu. Có như vậy, chúng ta mới ngày càng vững vàng trên hành trình tự do. 

Mục đích ban đầu của mình rất đơn giản, được sống ở một nơi xanh – sạch như Đà Lạt và trở thành một người tự do trong hành động, suy nghĩ và lối sống. Mình muốn được sống một ngày thật trọn vẹn và làm những công việc mình yêu thích, để mỗi cuối ngày khi nhìn lại đều cảm thấy hạnh phúc. Và freelancer là bước khởi đầu cho hành trình ấy. Thế nhưng, trong hơn một tháng đầu tiên làm freelance mình bị mất “tự do” hoàn toàn vì phải làm quá nhiều việc trong ngày. Tâm trí mình luôn nghĩ đến công việc và lo lắng bị khách hàng phàn nàn, mình không có thời gian nghỉ ngơi cũng như học tập, phát triển bản thân. Thậm chí, mình còn bị áp lực đồng trang lứa, sợ thua kém bạn bè ở thành phố và không đủ năng lực cạnh tranh với những freelancer khác. Sau một tháng nhìn lại, mình nhận ra bản thân đã đi lệch hướng so với mục đích ban đầu của bản thân. 

Mình quyết định từ bỏ một số đầu việc không đúng chuyên môn và có mức thù lao thấp, chấp nhận giảm thu nhập để tập trung vào những mục tiêu quan trọng hơn như: chăm sóc bản thân, học thêm kỹ năng mới, sống trọn vẹn hơn,… Mình tự nhắc nhở bản thân rằng: “Đừng so sánh mình với ai cả, quan trọng là mình của hôm nay tốt hơn mình của ngày mai. Mỗi người có một cuộc sống và lựa chọn riêng, mình phải can đảm làm những gì mình muốn, trước khi quá muộn”. 

Mục đích của bạn khi quyết định trở thành freelancer là gì? Đừng làm freelance chỉ vì nghĩ nó tự do! 

Hiện tại, mình đã sắp xếp được công việc để mỗi tuần chỉ làm việc 4 ngày, 3 ngày còn lại sẽ dành cho dự án cá nhân và nghỉ ngơi. Cứ mỗi cuối tuần, mình lại xách xe đi dạo quanh Đà Lạt để khám phá hết mọi ngóc ngách nơi đây. Đà Lạt đẹp và thơ mộng lắm, dù mọi người thường nói nơi này buồn hay chỉ thích hợp để du lịch ngắn ngày, mình vẫn cảm thấy đây là nơi cực kỳ đáng sống. Nhờ có Đà Lạt, mình cảm thấy hài lòng hơn với cuộc sống và ngày càng “giàu” trải nghiệm sống  – điều mà dù có bao nhiêu tiền cũng không thể mua được.

4. Chẳng ai làm freelance cả đời đâu! 

Bạn nghĩ mình sẽ làm freelance trong bao lâu? Hoặc đến một lúc nào đó khi không còn làm freelance nữa, bạn sẽ làm gì? 

Mình nghĩ đây là những câu hỏi bạn cần nghiêm túc trả lời, trước khi nghĩ đến một cuộc sống tự do. Bởi khi làm freelance, bạn có thể tiến nhanh trong thời gian đầu, nhưng để tiến xa và phát triển hơn nữa trong sự nghiệp thì vô cùng khó khăn, vì bạn chỉ đang đi một mình, không có lộ trình thăng tiến cụ thể hay đội nhóm đồng hành như khi làm việc tại công sở. Chưa kể, khi thị trường lao động phát triển, ngày càng nhiều freelancer trẻ tài năng xuất hiện, bạn có thể sẽ bị thụt lùi và bị đào thải. Khi đó, hoặc bạn cần tự tạo một “doanh nghiệp” cho riêng mình, hoặc phải tìm kiếm một nơi sẵn sàng đón bạn quay trở lại với công việc văn phòng.

Cá nhân mình không đặt mục tiêu sẽ không quay lại văn phòng vào một ngày nào đó, vì như đã chia sẻ lúc đầu, mình theo đuổi cuộc sống tự do đích thực. Vậy nên, sau giai đoạn 1 – 3 năm đầu tiên, mình đặt mục tiêu sẽ không gọi bản thân là “freelancer” nữa, mà sẽ phát triển thành một “chuyên gia” trong lĩnh vực của mình. Vì thế, ngoài không ngừng trau dồi kiến thức và nâng cao kỹ năng làm việc, mình cũng dành thời gian để đi khắp nơi trải nghiệm cuộc sống và xây dựng thương hiệu cá nhân qua blog, các trang mạng xã hội. Mình tin, đây là một trong những hành trang để mình xây dựng sự nghiệp freelance bền vững.

Kết 

Bạn có thể “bỏ phố về rừng” làm freelance một thời gian để xem mình có phù hợp với công việc và cuộc sống như vậy hay không, nhưng khi đã quyết định trở thành freelancer thực thụ, hãy chuẩn bị thật kỹ lưỡng và xác định cụ thể mục tiêu ngắn hạn – dài hạn của bản thân. 

Cuối cùng, ai cũng có quyền chọn lựa của riêng mình và thật khó khẳng định việc chọn môi trường công sở hay làm freelance là tốt hay không tốt. Song có một điều chắc chắn là, dù bạn làm việc ở vai trò nào, tính kỷ luật và ý thức tự học hỏi, bồi đắp các kỹ năng, kiến thức và xây dựng mạng lưới quan hệ xã hội cho bản thân là vô cùng cần thiết. Hoàn cảnh như thế nào cũng không thể quyết định bạn sẽ trở thành ai, tất cả là do bạn có chịu thích nghi hay không mà thôi! 

be freedom,

Tâm Thương.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!