Ngay từ bé, mỗi khi đau và khóc nhè, chúng ta được dạy bảo/ la mắng là, nín đi, có gì đau đâu mà khóc? Chúng ta luôn được dạy hãy cắn răng chịu đau đi, ai cũng có vấn đề của riêng mình, bạn phải tự lo cho mình đi, cứ uất ức và chửi mắng cuộc đời đi, cứ hành hạ và làm đau bản thân đi. Nhưng chẳng ai nói rằng, hãy tìm sự giúp đỡ đi. Chúng ta đau, nhưng không biết cách hỏi, ai đó có thể giúp tôi không?
Bạn lớn lên và luôn cố gồng mình lên chứng minh với thế giới rằng mình mạnh mẽ, bạn không dám nhờ vả ai vì sợ phiền, thà rằng cứ ngồi đó chịu khó khăn, gánh lấy mọi việc còn hơn lên tiếng nhờ giúp đỡ.
Nhưng đó chỉ là lớp vỏ bọc bên ngoài của sự yếu đuối và bất lực. Vì bạn luôn cho rằng mình mạnh mẽ, nên không biết cách nhận.
Bạn biết không? Rằng biết-nhận cũng là một loại can đảm.
Mình từng là người không biết nhận. Mỗi lần lên tiếng nhờ sự giúp đỡ là một lần mình thấy phiền. Mình đã luôn cho rằng mình tự lập, mình mạnh mẽ. Nếu được ai đó yêu cầu giúp đỡ, mình ngay lập tức từ chối, vì không muốn trở thành gánh nặng của họ. Mình còn từng mạnh miệng tuyên bố, mình có thể sống một mình cả đời mà chẳng cần ai cả.
Phải, chúng ta sinh ra một mình, chết đi cũng một mình. Ai cũng phải học cách sống một mình, phải chịu trách nhiệm hoàn toàn với cuộc đời của mình. Nhưng chúng ta luôn không thể nào tồn tại cả đời, nếu chỉ có một mình.
Bạn không phải tự nhiên được sinh ra, bạn có mặt nhờ sự kết nối của cha mẹ. Bạn không tự nhiên lớn lên, bạn phải ăn, phải uống, phải trò chuyện, phải học tập, phải hoạt động,… để lớn lên và trở thành một con-người. Bạn đã và đang nhận được rất nhiều thứ từ vũ trụ bao la. Dù muốn dù không, để tồn tại, tiến lên và sống một cuộc đời ý nghĩa, bạn buộc phải tiếp tục và luôn luôn ở giữa những mối quan hệ với người khác.
Chúng ta có thể đã hiểu điều đó. Nhưng bạn vẫn sống như thể mình chỉ có một mình?
Bạn sợ mình trở nên yếu đuối, ngu ngốc nếu nhận sự giúp đỡ từ người khác? Bạn không chấp nhận được bản thân sẽ không còn mạnh mẽ như những gì bạn đang cố chứng tỏ ra bên ngoài? Bạn tiếp tục ôm vào mình những nỗi đau, và rồi mang tâm lý nạn nhân để đổ lỗi cho cuộc đời, cho người khác? Nhưng đừng quên, bạn không đơn độc!
“Không dám hỏi sự giúp đỡ chính là mặt kia của lòng kiêu ngạo, kiêu ngạo rằng mình có thể làm được tất cả, kiêu ngạo rằng mình không cần ai khác trên đời và mình sẽ tự giải quyết tất cả.”
Nếu đủ can đảm, bạn sẽ bộc lộ mình như mình vốn-là, bạn cho phép người khác thấy mình đang yếu đuối, bạn đang tổn thương, bạn không mạnh mẽ như mình đang thể hiện. Nếu đủ can đảm, bạn sẵn lòng nhận sự giúp đỡ, sẵn lòng lên tiếng để nhờ sự giúp đỡ.
Đó là dấu hiệu của việc bạn hiểu mình, hiểu cảm xúc của mình để bước một bước xa hơn – chữa lành cho chính mình, và xa hơn nữa, giúp đỡ và chữa lành cho người khác. Để học được cách tin tưởng vào người khác, vào sự tử tế, vào tình yêu thương và năng lượng của vũ trụ. Từ đó, học được cách yêu thương bản thân và biết cho đi thật sự.
Bạn không thể cho, nếu chưa biết cách nhận. Và ngược lại.
Chúng ta tạo cơ hội để được người khác giúp đỡ và giúp đỡ người khác thông qua việc nhận và cho. Để con người kết nối với nhau sâu sắc hơn, để yêu thương được lan tỏa đúng mà không đến từ sự mong cầu hay ích kỷ.
Mình vẫn hay cảm ơn những người tin tưởng và chia sẻ câu chuyện của họ với mình, cảm ơn vì họ đã can đảm, cảm ơn vì đã cho mình cơ hội được giúp đỡ họ và giúp mình có cơ hội cho đi, dù nhỏ nhoi.
Nếu bạn đã cố gắng hết sức rồi, bạn mệt rồi, bạn cần sự giúp đỡ, hãy để mình được giúp bạn. Sau khi bạn được chữa lành và đủ đầy, mình tin bạn sẽ biết cách giúp đỡ người khác và cho đi đúng nghĩa. Đó là cách mà yêu thương vận hành, để thấy đời đáng sống hơn chúng mình nghĩ, rất nhiều.
Nếu bạn cần được lắng nghe, thì mình ở đây: bit.ly/minhlangngheban
Leave a Reply