Trong phim It’s okay to not be okay, bạn dễ dàng nhận ra mỗi khi nhìn thấy nữ chính, hầu hết mọi người đều cảm thấy “lạ” và nhanh chóng “dè bỉu” cô bởi phong cách ăn mặc và tính cách khác thường. Quan điểm về sự “bình thường” từ trước tới nay là giống với đa số mọi người (ví dụ: là con gái phải dịu dàng, nhỏ nhẹ, cư xử đúng mực…). Nhưng với nữ chính thì khác, dù cho bao nhiêu người có nói cô ăn mặc “lồng lộn”, “diêm dúa” hay tính cách có phần ương ngạnh, sốc nổi, ồn ào,… cô vẫn cảm thấy mình “bình thường”. Cô vứt bỏ sự bình thường chung của xã hội để trở thành một người khác biệt với đám đông, nhưng là bình thường theo cách của riêng mình, đầy tự tin và sáng tạo.
Trên mạng xã hội, mình cũng bắt gặp nhiều cuộc tranh luận phải – trái, đúng – sai. Một người đưa ra ý kiến hoặc bức xúc về một vấn đề nào đó thường bắt người khác cũng phải đồng tình với mình. Chúng ta luôn cố gắng giành phần thắng vì nghĩa mình đúng.
Con người thường nhìn cuộc đời với những định kiến chủ quan, tâm lý chung ai cũng thích những người giống mình, từ ngoại hình, tính cách, sở thích và quan điểm, càng giống nhiều thì lại càng thích.
Nhưng thế giới có 7 tỷ người, được sinh ra và trưởng thành theo 7 tỷ cách khác nhau. Làm sao người ta có thể y hệt mình? Nếu cuộc sống mà ai cũng một giống ai, cùng tin vào một hệ giá trị và nói cùng một quan điểm thì thế giới có buồn chán không?
Những thứ không thể thay đổi đều vô nghĩa
Ngày trước mình thường cố thay đổi người khác (đặc biệt là những mối quan hệ thân thiết). Mình cho rằng abc sẽ tốt hơn cho họ, xyz sẽ khiến họ đẹp hơn,… Thông qua những trải nghiệm và góc nhìn cá nhân của mình. Nhưng có thể không? Câu trả lời là không. Mình không thể thay đổi bất kỳ ai, ngược lại mình còn tự trói buộc mình trong những khổ đau – khi cố gắng để thay đổi những thứ không thể thay đổi.
Người duy nhất mà bạn có thể thay đổi là chính bản thân bạn. Bạn không thể thay đổi người khác, nhưng bạn hoàn toàn có thể thay đổi phản ứng của mình trước những việc bạn không thích!
Dù thực tế, mỗi người đều xây riêng cho mình một triết lý sống, những niềm tin, hệ giá trị, cách suy nghĩ và hành động khác nhau. Nhưng chỉ khi biết tôn trọng, không cố gắng áp đặt hay sửa chữa mọi thứ theo ý mình, chấp nhận người khác như chính con người thật của họ, bạn mới có thể bước trên con đường hạnh phúc và tự do.
“Khác biệt” không phải là bất bình thường, mà là “sáng tạo”
Mỗi người là duy nhất với những đặc điểm cá nhân độc đáo riêng biệt, ai cũng phải trải qua hành trình của chính mình, nhưng thế giới lại vận hành theo cách mọi người cùng hợp tác và chia sẻ, không ai đi một mình để có thể làm nên điều gì đó. Bạn có quyền lựa chọn bảo vệ “cái tôi” của mình, hoặc học cách tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt.
Nhưng, khi bạn chia sẻ một góc nhìn, và có người chia sẻ một góc nhìn ngược lại. Thay vì khó chịu, bực dọc và ra sức bảo vệ góc nhìn của mình (tự làm mình khổ khi bắt người khác phải xỏ đôi giày chật chội của mình). Hãy thấy vui mừng, vì bạn được học thêm một điều gì đó mới từ góc nhìn của người khác. Đó là ý nghĩa thật sự của tranh luận (debate) – để mỗi người cùng tốt lên, và sáng tạo hơn khi có thêm những bài học, trải nghiệm, góc nhìn từ những người xung quanh.
Bản chất của chấp nhận sự khác biệt là phát triển sự tự nhận thức
“Người không ý thức được mình có đang làm gì sai không sẽ không muốn được sửa sai. Bạn phải tự thấy mình sai thì mới có thể cải thiện.” – Seneca
Nếu không có sự tự nhận thức chúng ta sẽ luôn giữ “cái tôi” của mình. Để thay vì nhìn nhận những gì đang diễn ra bên trong mình, nhìn những quan điểm khác nhau và rút kinh nghiệm từ những sai lầm, chúng ta nhanh chóng và dễ dàng đổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh.
Khi biết tự nhận thức, chúng ta có thể hiểu được đâu là những điểm mạnh, điểm yếu của mình; đâu là đều mình chọn tin và cho là đúng. Nhưng không phải để cố gắng thay đổi những gì mình cho là chưa đúng, mà là cho phép bản thân tự tin và sáng tạo hơn, có những quyết định đúng đắn hơn. Từ đó, ngày càng hoàn thiện khả năng nhìn nhận vấn đề của mình, hiểu được ảnh hưởng của mình lên người khác, nâng cao khả năng đồng cảm. Để đón nhận những điểm khác biệt của người khác và nhận ra giá trị của sự khác biệt.
Chấp nhận người khác như họ vốn-là, để mình cũng được như mình vốn-là
Theo tâm lý học Adler, tất cả mọi người đều cần cảm giác “thuộc về” (sense of belonging), chúng ta đi tìm cảm giác “thuộc về” để khẳng định sự tồn tại của mình. Chỉ tiếc là, chúng ta luôn cố gắng giống với người khác để có được cảm giác đó. Chúng ta dần trở thành người mà người khác MUỐN LÀ, chứ không phải chính bạn LÀ. Đó có thật sự là chúng ta không? Có thật sự con người mà chúng ta muốn trở thành hay nên trở thành?
Mình cũng từng là người đi tìm kiếm cảm giác thuộc về, mình lo sợ khi không thể hòa nhập được ở bất cứ nơi đâu, hoang mang khi bị từ chối, mình đã sống trong sự ám ảnh về bản thân suốt một thời gian dài, luôn cố gắng làm hài lòng người khác và thường thấy cô đơn lẫn cô độc.
Để khi quay về với bóng tối nội tâm của chính mình, nhìn thấy cái tôi vỡ vụn đang gào thét và cố tìm cách để sống theo ý người khác. Cái tôi “sai lầm” đó ở bên trong mình, khiến mình không nhận ra giá trị của bản thân, tự tách mình ra khỏi thế giới xung quanh và rồi không chấp nhận được chính mình.
Khi bạn học được cách chấp nhận người khác như chính con người họ, bạn sẽ có cơ hội để bạn chấp nhận chính mình nhiều hơn.
Chỉ khi dùng sự tự nhận thức để nhận diện được cái tôi đó, không để cái tôi ảnh hưởng đến cảm nhận, đánh giá của mình và từ bỏ nó thì sự khác biệt, phán xét bên trong mình mới không còn tồn tại. Và rồi mình học được cách cảm nhận nỗi đau của người khác một cách sâu sắc hơn, mình có thể nhìn thấy điều gì đó đặc biệt, thấy nét đẹp bên trong một người rất đỗi bình thường. Và dễ dàng chấp nhận họ như họ vốn-là.
Thay vì cố gắng để sống và tranh đấu với những “cái tôi” và tìm kiếm những sự kết nối vô hình. Mình tin, chúng ta chỉ thật sự chấp nhận sự khác biệt của người khác và chấp nhận được chính mình, khi biết từ bỏ “cái tôi”, khi hiểu bản chất của sự khác biệt và cho mình cơ hội để đến gần hơn với ánh sáng của trí tuệ, của bản chất bên trong chính mình và sự kết nối với vũ trụ bao la.
Leave a Reply