Không dưới 2 lần mình viết về Cô Đơn. Nhưng mình nghĩ mình vẫn có thể viết tiếp, lần này, là một bài viết chia sẻ buổi “self-talk” của mình về cô đơn.
1. Cô đơn là gì?
Cô đơn, theo mình là những buổi sáng thức dậy, bạn không biết tìm ai để nhắn với họ một câu. Là khi bạn vội vã đến chỗ làm, nở một nụ cười gượng gạo với đồng nghiệp và bắt đầu một ngày mới. Là buổi trưa, bạn ngồi cặm cụi ăn một mình giữa tiếng cười nói, tay vuốt điện thoại như thể mình bận rộn và không muốn nói chuyện cùng ai. Là buổi tối, vượt qua khỏi dòng xe tấp nập, bạn trở về nhà trong căn phòng tối tĩnh mịch, không ai tìm kiếm và cũng không biết tìm kiếm ai để hỏi rằng “Hôm nay bạn thế nào?”
Bạn tháo xuống chiếc mặt nạ đã mang suốt một ngày dài, nhìn thấy mình trần trụi trong gương, ánh mắt vô hồn và đôi môi không thể nở một nụ cười. Bạn tự nói với chính mình, hôm nay thế đủ rồi, mai lại là ngày mới. Bạn lên giường, lao vào tìm niềm vui trên chiếc smartphone rồi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Ngày mai, lại lặp lại.
2. Tại sao người trẻ bây giờ hay cô đơn?
Mình nghĩ, chúng mình là một thế hệ cô đơn. Vì có trong tay quá nhiều thứ: kiến thức, phương tiện giải trí, đồ ăn – thức uống, đi lại, sự kết nối “ảo”,… tất cả chỉ bằng một cú click. Nhưng chúng ta thiếu đi những kết nối thật, và không biết cách kết nối với chính mình.
Hình ảnh 10 người trẻ đã hết 9 người cuối đầu nhìn điện thoại đã quá quen thuộc. Quen đến mức, nếu bạn không lấy điện thoại ra bấm, người khác sẽ nghĩ là bạn rảnh, không có gì làm. Và cười, nếu bạn không biết cái gì đang hot, đang trend trên mạng xã hội. Bạn phải bấm, trong lúc ăn uống, lúc chờ đợi hay bất cứ khi nào đó rảnh tay.
Đó là cách mà chúng ta dần mất đi kết nối thật, bởi không một ai hiện diện cùng nhau. Chúng ta ở đó, nhưng cũng đồng thời không ở đó.
Và cũng là cách mà bạn đang đánh mất kết nối với chính mình, bạn chưa bao giờ ngồi lại để nghe chính mình nói, nghe tiếng hơi thở của mình đang dịu nhẹ hay hổn hển, nghe những tiếng nói bên trong đang gào thét được thoát ra,… Bạn chưa bao giờ ngồi lại trò chuyện với chính mình, mình đang cảm thấy như thế nào? mình muốn làm gì? v.v. Bởi bạn, cũng như bao người, đang “bận” kết nối với thế giới “ảo” của mình.
3. Càng trưởng thành, càng cô đơn?
Ai rồi cũng sẽ cô đơn, ở bất cứ thời điểm nào. Cảm giác cô đơn chưa và không bao giờ mất đi hoàn toàn. Bạn vẫn sẽ cô đơn, khi trưởng thành. Nhưng sự cô đơn khi đã trưởng thành và hiểu được mình rất khác với khi bạn còn đang tập tễnh học cách kết nối với chính mình.
Khi chưa hiểu mình, chúng ta cô đơn vì quan tâm quá nhiều đến thế giới bên ngoài, vì những sự hào nhoáng ta khao khát có được, vì những niềm tin giới hạn đang trói buộc ta, vì những kỳ vọng sai,… Chúng ta cố gắng để thôi cô đơn, bằng cách lấp đầy. Nhưng khi hiểu mình nhiều hơn, chúng ta cô đơn theo kiểu, chẳng có ngôn từ nào có thể diễn tả được sự trống rỗng bên trong ta, nhưng ta không còn cố gắng lấp đầy mình nữa. Chúng ta cho phép bản thân được cô đơn, vì hiểu đó là một phần con người mình.
4. Cô đơn là một cảm xúc tiêu cực?
Mình không nghĩ vậy. Mình tin, cô đơn đã ở đó, và sẽ luôn ở đó, để giúp mình hiểu bản thân hơn. Mời bạn đọc thêm: tamthuong.com/co-don-de-tim-minh
5. Khoảnh khắc cô đơn nhất?
Rất nhiều lúc, kéo hết list friend FB và danh bạ điện thoại, mình không thể tìm được một cái tên để có thể trò chuyện. Có lúc, mình nhắm mắt lại và không thể tìm thấy lý do để ngày mai thức dậy là gì, mình không tìm thấy động lực để bước ra ngoài đón lấy ánh bình minh. Có lúc, trên đường trở về nhà sau một ngày dài, mình cố đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “mục đích sống của mình là gì?”. Và vài lúc, mình đã tự hỏi, “tại sao mình được sinh ra?”
6. Làm thế nào để vượt qua cô đơn?
Mình không cố vượt qua. Nhưng đọc, viết, đi và yêu giúp mình không còn cảm thấy cô đơn ở đó.
Mình đã đọc, đôi khi để cố tìm một chữ “mình” khi vô tình thấy bản thân ở đâu đó trong những nhân vật mình bắt gặp, đôi khi để chạm đến những ngôn từ đẹp đẽ và cho phép mình được rung cảm. Mình đã viết, để nhận ra con-người của mình rõ hơn từng chút, dù đôi khi, viết khiến mình cô đơn hơn gấp bội. Mình đã đi, để được tận mắt nhìn thấy và tận tay chạm vào những điều đẹp đẽ. Được nghe, được nói, và thôi mang chiếc mặt nạ mình vẫn cố mang hàng ngày, là một phiên bản ngây ngô – nguyên sơ nhất trước thiên nhiên, và trước những người không biết mình là ai. Mình đã yêu, bóc từng lớp vỏ xấu xí của mình ra trước mặt người ấy, đối diện với sự trần trụi của cơ thể và tâm hồn, và lần nữa, từng chút một đi sâu vào con người mình.
Để rồi nhận ra, đời này đáng sống hơn mình nghĩ, rất nhiều. Và cô đơn, chẳng có gì đáng sợ cả.
Leave a Reply