Đối mặt và vượt qua writer’s block

15 ngày, là số ngày mình không có bài viết mới nào trên blog.

Kể từ ngày lập blog tamthuong.com, đây là lần đầu tiên mình dừng viết blog tận 15 ngày. Dù mỗi ngày mình vẫn viết điều đặn để phục vụ công việc, nhưng khi không thể viết cho bản thân một thời gian dài, mình thật sự cảm thấy “mắc kẹt”.

Nhiều người nghĩ, viết gì, viết cho ai mà chẳng là viết? Đúng, viết cho người khác thì vẫn là viết. Nhưng đôi lúc mình áp lực khi sáng tạo ra một bài viết cho người khác, áp lực đó “ăn mòn” sự sáng tạo của mình. Sau một ngày dài viết cho người khác, mình không còn cảm hứng để viết cho chính mình. Và cái “cảm hứng” đó lặn mất tăm suốt 15 ngày, mình đã và đang đối mặt với writer’s block – không thể viết/ sáng tạo tác phẩm cho riêng mình.

9 Ways to Overcome Writer's Block as a Musician

Với người làm sáng tạo nói chung và người viết nói riêng, “block” thật ra là một hiện tượng tâm lý bình thường. Mình hiểu writer’s block không có gì đáng sợ, nhưng để đối mặt và chấp nhận việc này không phải là việc dễ dàng. Mỗi ngày qua đi, nỗi sợ “không viết được”, “không biết viết gì”, “không viết đủ hay”… khiến mình loay hoay và tranh đấu rất nhiều. Phải mất một khoảng thời gian mình mới thoải mái để thật-sự-ngừng-viết và ngồi xuống “gọi tên” những nguyên nhân khiến mình không có cảm hứng. Đồng thời, tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề đó để sẵn sàng khởi động giai đoạn sáng tạo tiếp theo.

Thiếu trải nghiệm sống

2 năm đầu khi mới bắt đầu viết, mình có rất nhiều cảm hứng và ý tưởng. Đó là khi mình dùng chính trải nghiệm cá nhân để viết và chia sẻ về những thay đổi trong lối sống, những hành trình mình đã đi qua, những nơi mình đã đến, những bài học mình đúc kết được,… 88 bài viết tại blog cùng rất nhiều bài viết ngắn trên facebook cá nhân, tất cả đều dựa trên những trải nghiệm sống của mình. Mình từng khá tự tin về trải nghiệm sống của bản thân, cho đến khi writer’s block ập đến, mình buộc phải chấp nhận bản thân cần sống và trải nghiệm thêm thật nhiều và sâu, nếu muốn viết tiếp và viết hay.

Và thiếu trải nghiệm sống, thiếu những cảm xúc và câu chuyện mới mẻ khiến ý tưởng bị tắc nghẽn là chuyện hiển nhiên. Thời gian này dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, một chuyến du lịch ngắn ngày hay đơn giản là ra ngoài để dạo bộ ở Sài Gòn là không thể, nên mình chọn đọc sách, vẽ, học một kiến thức mới hoặc thỉnh thoảng xem một bộ phim để tìm thêm cảm hứng sáng tạo.

Áp lực phải hoàn thành một bài viết đủ-hay

Khi chợt nảy ra một ý tưởng nào đó, mình đã thử ngồi xuống để viết. Tuy nhiên, nhiều ý tưởng mình không có đủ trải nghiệm để viết một bài viết hoàn chỉnh. Mình ép bản thân phải tạo ra một bài viết đủ hay và ấn tượng, loay hoay tìm cách “sửa” bài mà không hoàn toàn tập trung để viết ra tất cả những gì đang có trong đầu. Ngoài ra, áp lực đó còn khiến mình cảm thấy bản thân kém cỏi và lo lắng ai đó sẽ đánh giá tác phẩm của mình. Kết quả là nhiều bài viết của mình bị bỏ dở và rất nhiều ý tưởng cũng bỏ xó.

Mình đã ngồi xuống để “đả thông” tư tưởng và xác định, blog là nơi mình phải được tự do là mình nhất – bởi việc viết cho khách hàng và nhận về những nhận xét, đánh giá từ họ đã làm cạn kiệt sự sáng tạo của người viết rồi. Thời gian viết cho chính mình lẽ ra phải là thời gian để mình khám phá sự sáng tạo của bản thân, chứ không phải tiếp tục áp lực. Điều quan trọng không phải là một bài viết hoàn hảo, mà là kiên trì rèn luyện và mài giũa kỹ năng viết. Và để làm được điều này, mình phải viết trước đã.

Viết mãi một chủ đề

Dù việc xác định niche (ngách) khi viết blog là khá quan trọng, nhưng việc giới hạn chủ đề đôi khi khiến mình cảm thấy nhàm chán. Hầu hết bài viết của mình chỉ xoay quanh 2 chủ đề chính là self-lovechữa lành, và hoàn toàn dựa vào trải nghiệm cá nhân. Sau khi viết hết những gì bản thân đã trải nghiệm, mình gần như không thể viết cái gì đó mới mẻ hơn về 2 chủ đề trên.

Mục tiêu sắp tới của mình là nghiêm túc tìm hiểu về tâm lý học (chủ đề mình quan tâm nhưng chưa thật sự đầu tư thời gian và công sức để tìm hiểu), và viết những nội dung về chủ đề này. Bên cạnh đó, mình cũng sẽ thực hành viết tự do (freewriting) và viết buổi sáng (morning-page) để giải phóng tâm trí và cảm xúc, đồng thời khám phá thêm về bản thân.

Mất cân bằng trong cuộc sống

Tính đến thời điểm này mình đã work from home được gần 1 tháng, khoảng thời gian không quá dài để có thể hoàn toàn làm quen với việc ở nhà, xung quanh là 4 bức tường trong cái thời tiết đỏng đảnh này. Việc làm ở nhà khiến đồng hồ sinh học của mình bị đảo lộn một chút, mình thức khuya và dậy muộn hơn, ăn uống không đúng giờ như trước,… Ngoài ra, nhiều vấn đề khiến mình nhạy cảm và dễ tức giận, mình gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Vì mất cân bằng nên việc duy nhất có thể làm là lấy lại cân bằng thôi ^^ May mắn là mình ý thức được điều đó để cải thiện tình hình, cuối tuần rồi mình đã dành thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn, sắp xếp lại một vài suy nghĩ còn lộn xộn trong tâm trí. Sau đó, lập kế hoạch làm việc rõ ràng, hiệu quả hơn để tránh làm việc quá sức và dành thời gian cho bản thân nhiều hơn.


Bài học từ writer’s block

Thật ra, không-viết cũng không có gì đáng sợ như mình từng nghĩ. Việc né tránh writer’s block hoặc cố gắng thoát ra thật nhanh không giúp mình viết tốt hơn, ngược lại chỉ khiến tâm trí bị mắc kẹt bởi những suy nghĩ, lo lắng và sợ hãi.

Writer’s block là cơ hội để mình nhận ra, bất kỳ dấu hiệu nào của cơ thể cũng là tín hiệu để quay về bên trong, quan sát và thấu hiểu nhu cầu, vấn đề của chính mình. Và thật ra, viết lách đơn giản chỉ là một hành trình quan sát cuộc sống và khám phá bản thân thôi. Nhỉ? ^^

be freedom,

Tâm Thương.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!