Quan sát nhiều, mình nhận ra con người ta có nhiều cách để tự làm mình khổ, mà chính họ cũng không nhận ra. Và như một lẽ tự nhiên, hạnh phúc với họ cũng khó tìm hơn hẳn.
1/ Phụ thuộc vào tiền, cho rằng có tiền là có tất cả. Tiền quan trọng, nhưng nếu cho tiền là tất cả, sẽ rất dễ rơi vào trường hợp đánh đổi tất cả để có tiền, thường quy đổi tất cả ra tiền. Làm mất sức khoẻ, trải nghiệm, thời gian dành cho bản thân và những mối quan hệ, bị ràng buộc và mất sự tự do. Tiền nên và chỉ nên là công cụ giúp chúng ta có cuộc sống tốt hơn, ý nghĩa hơn.
2/ Cố gắng thay đổi người khác theo ý mình. Điều này là không thể. Càng muốn người khác thay đổi, chúng ta càng dính mắc vào điều đó và càng khổ nhiều hơn. Muốn thay đổi điều gì đó, chỉ có một cách duy nhất là thay đổi chính mình – thay đổi hành động, suy nghĩ, thái độ, cách mình đón nhận mọi chuyện.
3/ Luôn nghĩ mình đúng. Ai cũng có ego riêng. Nhưng không phải ai cũng biết bỏ nó xuống. Để tôn trọng sự khác biệt, để học hỏi nhiều hơn từ người khác, để thôi cố gắng kiểm soát mọi chuyện xảy ra theo ý mình, để lắng nghe thật sự.
4/ Tham. Ai không biết quan sát sẽ rất dễ để tâm tham phát khởi, về lâu dài tham sẽ càng thêm tham. Cái tham thể hiện rõ nhất khi ăn uống/ ngủ nghỉ, sau là sở hữu vật chất, sau nữa là mong muốn chiếm hữu mãi mãi một thứ gì đó, ai đó cho riêng mình. Và vì thế, lòng tham luôn đi kèm với nỗi sợ.
5/ Sân. Không nhìn đâu xa, nhìn lại mình và tự hỏi, hôm nay mình đã có ý nghĩ/ lời nói nào đó phán xét/ chê bai ai đó chưa? Mình có tức giận/ nổi điên lên khi chuyện gì đó không vừa ý mình chưa?
6/ So sánh. So sánh được-mất, ích kỷ ôm khư khư một phần cho riêng mình, không dám cho đi. So sánh hơn-thua giữa bản thân với người khác – chưa và không bao giờ có thể khiến chúng ta tốt lên. Mỗi người có một hành trình riêng, khi bạn cố so sánh mình với người khác để thấy mình hơn – bạn vẫn đang còn thua chính mình. Khi bạn cố so sánh mình với người giỏi hơn để tìm động lực – bạn chưa đủ hiểu mình để biết mình đang ở đâu và nên đi thế nào..v..v.
7/ Kỳ vọng. Sự kỳ vọng đôi khi làm chúng ta nổi lòng tham hoặc cố gắng thay đổi mọi chuyện/ người khác theo ý mình hoặc sinh ra những mong cầu. Ta kỳ vọng nhưng khi mọi chuyện không xảy ra theo đúng kỳ vọng đó, chúng ta dễ dàng tức giận, khó chịu với người khác và với chính mình.
8/ Đổ lỗi. Một người bất hạnh là một người luôn thấy mình khổ và tìm cách đổ lỗi cho cái khổ của mình. Không ai chịu trách nhiệm cho cuộc sống của bạn ngoài chính bạn cả. Hạnh phúc cũng vậy, nó chỉ đến khi bạn thôi bám víu vào thứ gì đó/ ai đó để thấy mình hạnh phúc, nó chỉ có được khi bạn hiểu mình cần gì và thôi tìm kiếm nó ở bên ngoài.
9/ Sống ở quá khứ hoặc sống cho tương lai. Người ta biết hiện tại quan trọng, nhưng không tập trung. Nghĩ về quá khứ thì tiếc nuối, hụt hẫng. Nghĩ đến tương lai thì lo lắng, sợ hãi. Nhưng cuộc sống thì chỉ có 1 ở hiện tại mà thôi. Đọc thêm bài này nha: https://tamthuong.com/song-o-hien-tai/
10/ Sống cuộc đời của người khác. Quan tâm quá nhiều đến cách người khác nhìn mình, sống để làm vừa lòng họ. Sợ khác biệt, sợ bị chê cười, sợ thua thiệt, sợ không ai công nhận,… Nhưng who care? Bạn không sống cuộc đời của mình thì chẳng ai sống thay bạn cả!
Và còn nhiều nữa. Nhận ra điều này không phải để xét đoán, để chê trách. Mà để thấu hiểu người khác hơn, nhìn thấy cái khổ của họ để thương họ hơn, sống dễ chịu hơn – để mình không bám chấp vào những điều đó nữa và dĩ nhiên, không tự làm mình khổ thêm.
Cuối cùng, khổ không có gì ghê gớm cả. Có bùn mới có sen. Có khổ mới có hạnh phúc. Khổ là phước lành. Nhận ra cái khổ của mình, không đổ lỗi và học chữa lành, là được. Chúc mọi điều lành đến với mọi người ^^

Leave a Reply