Nhiều năm qua, nếu phải chọn ra một bài học đã học mãi nhưng vẫn chưa trọn vẹn, thì có lẽ đó là học để nghe trở thành lắng nghe.
Mình thích cảm giác được Thịnh, Vy Thảo, Phụt, hay bất kỳ ai trong đời nói cho mình nghe về những gì đã, đang xảy ra xung quanh họ. Dường như lúc ấy, tất cả đều không sợ mình phán xét. Mình thấy vui, vì được tìm đến mỗi khi người yêu hay bạn bè cần một ai đó để lắng nghe. Dù vậy, mình biết bản thân vẫn chưa lắng nghe giỏi. Đôi lúc mình cũng dễ tức giận và không đủ kiên nhẫn để nghe hết câu chuyện, mình vẫn hay đưa ra lời khuyên, thay vì chỉ yên lặng và nghe. Vậy nên, mình vẫn cần học rất nhiều, để lắng nghe.
Chúng ta chỉ nghe, chứ không thực sự lắng nghe
Cách giao tiếp thông thường của số đông là nghe để hồi đáp – thay vì tập trung nghe những gì đối phương nói, chúng ta thường nghĩ về những gì mình sẽ nói để đáp lại câu chuyện của họ. Và đôi khi, câu trả lời đó không phải là những gì đối phương muốn được nhận.
Chúng ta có thói quen nghĩ về những gì mình muốn nói, thay vì lắng nghe để thật sự hiểu những gì đối phương đang chia sẻ.
Trong hầu hết các cuộc trò chuyện, mình nhận ra một người tìm đến mình và chia sẻ không cần một lời khuyên, cái họ cần chỉ đơn giản là một người lắng nghe tâm tư và suy nghĩ của họ. Nhưng không phải ai cũng biết điều đó, để chú tâm lắng nghe một cách chủ động.
“Đôi khi, tất cả những gì mà kẻ đang đau mong muốn chỉ là được lắng nghe. Tôi nhấn mạnh chữ “lắng nghe”. Lắng nghe không yêu cầu bạn hồ hởi giải quyết bất cứ chuyện gì cả. Trước một người đang đau, cần rất nhiều kiên nhẫn”. – Thở Giữa Rừng Người
Lắng nghe cần rất nhiều kiên nhẫn
Một người đang đau chỉ nhớ đến vết thương của họ, và một người thực sự lắng nghe là người hiểu được vết thương đó. Nếu thật sự thương ai đó, chúng ta cần luyện tập để trở thành một người biết lắng nghe sâu.
Chúng ta có thói quen cảm nhận, lắng nghe về con người thông qua suy nghĩ của mình – những suy nghĩ được hình thành từ kiến thức, tư tưởng, niềm tin, thành kiến đã được dựng lên rất vững chãi. Điều này khiến việc lắng nghe người khác, đôi khi, bao gồm cả phán xét. Nhưng lắng nghe thực sự là khi biết trở về hiện tại và quan sát sự chuyển động thân tâm mà không nương tựa bất kỳ yếu tố nào ở bên ngoài – những thứ không thuộc về bạn hay người kia. Và muốn hiểu đối phương, chúng ta nên có một thái độ cởi mở, chân thành để không phán xét hoặc đưa ra bất cứ lời khuyên nào. Người khác chỉ cảm thấy được hiểu, khi bạn có mặt trọn vẹn cùng họ. Vậy nên, để lắng nghe, cần rất nhiều kiên nhẫn.
- Tập trung: Khi ai đó đang trò chuyện với bạn, hãy nhìn vào họ. Chú tâm đến cách họ giao tiếp bằng mắt và ngôn ngữ trên cơ thể họ. Ghi nhận biểu cảm, tông giọng và nội dung họ chia sẻ để hiểu được cảm xúc của họ.
- Lắng nghe bằng toàn bộ cơ thể: Hướng người về phía đối phương, nhìn vào mắt họ, mỉm cười, gật đầu,… và cho họ thấy bạn đang hiện diện để lắng nghe họ bằng những lời động viên như “mình vẫn đang nghe bạn nói đây”, “mình biết việc này thật khó khăn”,…
- Đừng ngắt lời: Đừng khẳng định rằng bạn biết họ đang muốn nói gì với bạn và ngắt lời hay nói chen ngang, hãy chú tâm nghe và đợi đến khi họ nói xong để đặt câu hỏi hay đưa ra lời phản hồi.
- Lặp lại những gì họ nói: Cho đối phương biết bạn đã lắng nghe bằng cách tóm tắt lại những gì bạn nghe được, để họ cảm thấy được thấu hiểu.
- Không phán xét: Luôn tôn trọng câu chuyện, trải nghiệm của đối phương. Không vội vàng đưa ra một giải pháp hoặc cố gắng sửa chữa bất cứ điều gì, trừ khi được hỏi.
Lắng nghe chính mình để lắng nghe cuộc đời
Lắng nghe người khác cũng là cách để chúng ta thực hành lắng nghe những tiếng nói thì thầm bên trong mình và ngược lại. Cũng như hiện diện để lắng nghe người khác, lắng nghe chính mình đơn giản là khoảnh khắc chúng ta tạm dừng mọi hoạt động, để bản thân “chìm đắm” trong sự tĩnh lặng của tâm hồn, đối diện với những câu hỏi và chân thành lắng nghe câu trả lời của bản thân.
Nhưng số đông đang phải follow theo “thành công” của người khác và tự so sánh bản thân với những người đó. Khi mạng xã hội sinh ra và thao túng người dùng, tâm trí chúng ta bị bủa vây bởi rất nhiều “tiếng ồn”. Chưa hết, xã hội đặt ra rất nhiều quy chuẩn buộc trẻ em phải thế này hoặc thế kia và khiến chúng trưởng thành với hàng tá trách nhiệm không thuộc về chúng (đừng bất ngờ, bạn đã và đang là những “đứa trẻ” đó đấy!).
Chúng ta chưa bao giờ được học cách lắng nghe chính mình, không có đủ thời gian chỉ để tập trung vào cảm xúc và nhu cầu của bản thân, không có không gian riêng để thật sự kết nối với con người bên trong. Và rồi, ta bỏ quên chính mình. Nhưng bạn biết đấy, khi ta chưa giúp được mình, ta không thể giúp ai cả.
be freedom,
Tâm Thương.
Leave a Reply