Tiếp nối bài viết 5 bước để ‘bắt đầu’ yêu chính mình, hôm nay mình sẽ nói chi tiết hơn về bước 5: Học ‘yêu’ – Mình học yêu mình như thế nào?
Chữa lành
Mình hiểu, việc mỗi người chưa biết cách yêu bản thân phần lớn lý do xuất phát từ những trải nghiệm, nỗi đau quá khứ của họ. Có thể chúng ta quen với việc được công nhận, được ủng hộ nên luôn cố gắng làm hài lòng người khác. Có thể chúng ta được bố mẹ, gia đình kỳ vọng quá nhiều nên luôn cố gắng chạy theo những “tiêu chuẩn” đó mà không thực sự hiểu bản thân cần gì. Có thể chúng ta được nghe đi nghe lại những lời định kiến về bản thân mình và vô thức tin rằng mình thật sự như thế. Có thể chúng ta thiếu yêu thương và sự chăm sóc nên luôn khát khao, mong cầu điều đó nhưng khi không có được thì lại thấy bản thân không đủ giá trị,…
Vậy nên, trước để có thể thực hành “yêu”, điều đầu tiên chúng ta cần làm là ý thức được nỗi đau nào còn tồn tại bên trong mình và chữa lành chúng.

Nhiều người, trong đó có mình, từng cho rằng mình đang ổn, gồng mình lên chứng minh là mình ổn với thế giới. Nhưng khi chỉ có một mình, chúng ta loay hoay không biết mình muốn gì, không hiểu mình cần gì, không tìm thấy niềm vui, ý nghĩa trong những việc mình làm hay cả việc được sống trên cuộc đời này. Tự lừa dối bản thân rằng mình chỉ chênh vênh tí thôi, rồi lại ổn. Nhưng như thế nào mới là ổn, khi bạn còn không hiểu rõ những vấn đề bên trong mình?!
Có công thức nào để chữa lành không? Chữa lành có dễ không? Rất tiếc câu trả lời là KHÔNG. Để có thể chữa lành, đòi hỏi mỗi người phải biết cách quan sát, lắng nghe và cảm nhận thật sâu bên trong mình. Nhưng không phải là không thể, nếu bạn đủ can đảm để đối diện với chính mình.
Bạn có thể đọc thêm bài viết về chữa lành tại đây.
Xây dựng niềm tin tích cực
Chúng ta là những người khắc khe với mình hơn ai hết, chúng ta quan tâm nhiều đến thành kiến tiêu cực của người khác về mình, vô thức biến chúng thành những niềm tin tiêu cực để mang ra tự phán xét và chì chiết chính mình.
Để gạt bỏ những niềm tin tiêu cực, bạn cần hiểu mình có những ưu và khuyết điểm gì, sau đó viết chúng ta thật rõ ràng, chi tiết (ngoài tự quan sát, bạn có thể nhờ những người thân thiết bên cạnh giúp điều này).
Với những khuyết điểm, mình đã nhắc ở bài viết trước, không thay đổi được thì chấp nhận và học yêu lấy chúng. Nhớ rằng, không ai hoàn hảo 100%, khuyết điểm biến bạn trở thành duy nhất. Với những ưu điểm, hãy tập xây dựng cho mình những niềm tin tích cực bằng cách đọc đi đọc lại và để chúng hiện diện trong suy nghĩ bạn mỗi ngày.
Thực hành chuyển niềm tin tiêu cực thành niềm tin tích cực bằng việc thay đổi cách tư duy, đánh giá về một vấn đề nào đó.
Ví dụ từ cá nhân mình, thay vì nghĩ “mình là một người nhạy cảm và dễ phản ứng theo cảm xúc” (niềm tin tiêu cực) mình chuyển thành “sự nhạy cảm giúp mình dễ dàng thấu hiểu và cảm thông cho người khác hơn” (niềm tin tích cực). Thực hành điều này mỗi khi có suy nghĩ tiêu cực, bạn sẽ xây dựng cho mình ngày càng nhiều niềm tin tích cực.
Đồng thời, đừng quên bước 3: Đừng nghe nữa! – Tập trung vào chính mình thôi!
Học biết ơn
Người biết yêu bản thân sẽ luôn biết ơn với những gì mình may mắn có được, họ trân trọng từng phút giây qua đi trong cuộc sống và dễ dàng tìm thấy hạnh phúc trong những điều nhỏ nhặt. Thực hành yêu bản thân phải luôn đi kèm với thực hành sự biết ơn, giúp mỗi người dễ dàng giải quyết vấn đề của mình hơn, để có thể cảm nhận được niềm vui từ chính bên trong mình với một trái tim “đủ đầy”, bình an và hạnh phúc hơn.
Mình từng có bài viết về Biết Ơn, mọi người có thể xem thêm tại đây nhé!
Học tha thứ
Tha thứ chưa bao giờ là việc dễ dàng, nhất là với những ai từng trải qua nhiều tổn thương. Con người luôn nhớ về nỗi đau nhiều hơn là niềm vui, nhưng hôm nay, hãy ngồi xuống và tự hỏi chính mình rằng: Bạn có thoải mái, vui vẻ không khi còn giận dữ và trách móc người khác xấu tính, vô lý, điên khùng? Có tự do, bình an không khi còn để cảm xúc của mình bị tác động bởi người khác?
Thay vì tiếp tục trách móc, đổ lỗi, nổi giận,..hãy học cách hiểu rằng, tính cách của một người được hình thành trong quá trình trưởng thành của họ. Những lời nói, hành động của họ hôm nay có thể đến từ quá khứ nhiều tổn thương nhiều nỗi đau và vấn đề chưa được giải quyết, họ đáng được thương hơn là bị trách. Bình tĩnh để nhận ra điều đó và quay về với chính mình, tự ôm ấp và chữa lành. Tha thứ cho người khác chính là tha thứ cho mình. Vì bạn xứng đáng được hạnh phúc.

Dành thời gian cho bản thân
Bao lâu rồi bạn chưa thật sự dành thời gian cho bản thân? Bạn còn nhớ những sở thích của mình và đang làm nó không? Có phải bạn đang dành rất nhiều thời gian cho công việc và các mối quan hệ? Đang bận rộn suy nghĩ về cách người khác nhìn mình? Bận rộn tìm cách thay đổi mình để vừa lòng người khác?
Khi có thời gian trống, người yêu bản thân không cố gắng lấp đầy nó bằng việc tìm kiếm việc gì đó để làm, rủ rê một người bạn để đi chơi cùng,…
Người yêu bản thân luôn biết dành thời gian cho chính mình. Họ hiểu khoảng thời gian đó sẽ làm những gì để giúp mình tốt hơn, có thể đơn giản như việc đọc sách trong không gian yêu thích, hay nấu một món ngon cho mình vào ngày cuối tuần, hoặc dành thời gian để dọn dẹp lại phòng,… Ở khoảng thời gian chỉ dành cho mình, họ biết cách tận hưởng từng phút giây mà không cảm thấy ‘thiếu’, họ biết tự làm mình vui với những niềm vui nhỏ bé và trân quý khoảng thời gian mình đang có.
Mình cũng có một bài viết về cách mình học dành thời gian cho bản thân ở đây, mọi người có thể đọc thêm nhé.
Hiểu mình
Hiểu bản thân là hành trình dài, mình cũng đang đi trên hành trình đó. Đôi lúc vẫn luôn thấy thật khó khăn và chới với không biết phải làm gì tiếp theo. Nhưng mình tin không gì là không thể.
Chúng ta có thể bắt đầu từ những điều đơn giản như hiểu mình thích gì, không thích gì; hiểu điểm mạnh, điểm yếu của mình là gì; làm trắc nghiệm tính cách để tham khảo xem mình có những đặc điểm tính cách như thế nào. Tuy nhiên, để có thể hiểu rõ bản thân đòi hỏi nhiều hơn vậy, ví dụ:
- Giá trị của bạn là gì? Bao gồm các tiêu chuẩn mà bạn coi trọng, ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành vi của bạn hoặc những nguyên tắc, niềm tin của bạn về cuộc sống, gia đình, các mối quan hệ,…
- Bạn có cho rằng mình đang sống một cuộc đời có ý nghĩa và đáng tự hào? Nếu chưa, bạn có thể làm gì để đạt được?
- Sứ mệnh, mục đích cuộc đời của bạn là gì? (Không dễ trả lời chút nào nhỉ ^^)
- Bạn hướng nội hay hướng ngoại? Chúng biểu hiện như thế nào trong cuộc sống của bạn?
- Bạn muốn có những mối quan hệ bạn bè, yêu đương ra sao?
Với mình, thấu hiểu bản thân là một hành trình đòi hỏi mỗi người phải liên tục tự vấn, quan sát, lắng nghe và trải nghiệm. Sau khi hiểu được mình, chúng ta có thể kiểm soát mọi thứ tốt hơn, biết mình cần nghe gì từ người khác, có giới hạn riêng để từ chối những điều không phù hợp, biết mình có giá trị gì và mình xứng đáng nhận được những gì, biết lấy lại năng lượng và cảm nhận hạnh phúc từ chính bên trong thay vì tìm kiếm ở bên ngoài. Và chắc chắn, biết yêu chính mình hơn.
Quá trình yêu bản thân không thể hình thành trên mặt con chữ hay lời nói, nó đòi hỏi mỗi người phải có cho mình những trải nghiệm đủ lớn, hành động đủ nhiều để hiểu mình và yêu thương mình có hiểu biết.
Vẫn như mọi khi, mong mọi người đều đang yêu thương bản thân đúng nghĩa!
Leave a Reply