Đợt trước có một người bạn thường inbox mình nói chuyện về việc viết của mình, bạn hỏi những câu đại loại như: Nếu bài viết của mình không được nhiều người đón nhận mình có buồn không? Bạn “gợi ý” cho mình nên tìm hiểu tâm lý độc giả và viết những gì mà độc giả đang cần theo ngôn từ mạnh mẽ, dứt khoát hơn. Vì bạn thấy những gì mình viết không khác gì một quyển “nhật ký điện tử” – mình chỉ chia sẻ trải nghiệm theo góc nhìn, cảm xúc cá nhân mà không có sự kỳ vọng về sự phản hồi của người đọc.
Đọc xong những gì bạn nói mình thật sự đã tụt mood một chút. Mình chưa từng nghĩ những gì mình viết ra được xem là “nhật ký”, dù thật sự, mình thường chia sẻ trên quan điểm cá nhân và không có nhiều kỳ vọng về việc mọi người sẽ phản hồi như thế nào, nhưng mình luôn giữ niềm tin nó sẽ chạm đến người có cùng tần số. Đã nhiều tháng trôi qua kể từ ngày chính thức lập chiếc blog này, thỉnh thoảng mình vẫn tự hỏi mình, nên để blog này như một “ngôi nhà tinh thần” của riêng mình, hay đầu tư và chăm chút nó trở thành một cái-gì-đó lớn hơn, có thể là như người bạn trên nói, mình nên tìm hiểu hành vi và tâm lý độc giả để viết theo những gì họ cần? Rồi làm gì đó để thu hút nhiều người hơn nữa đến đọc?
Nhưng chưa kịp trả lời câu hỏi trên thì câu hỏi quan trọng hơn đã le lói xuất hiện, mình là ai khi không được là mình?
1/ Mình luôn cảm thấy mình được là chính mình nhiều nhất khi viết, mình nhận được nhiều giá trị từ viết. Vậy nên để có thể viết được, mình cần bày tỏ được những gì mình muốn nói thông qua con chữ, mình nghĩ đó là “ham muốn” mà bất cứ người viết nào cũng muốn có. Thay vì viết cho người khác, tôi viết cho mình.
2/ Tại sao mình đặt tên blog này là The Journey To Freedom? Vì Tự Do là mục tiêu lớn nhất của mình. Nếu mình viết, nhưng mang theo sự kỳ vọng người đọc sẽ hoàn toàn yêu thích, đồng thuận những gì mình viết, thì mình có đang tự do khi viết không?
3/ Nhiều lúc, rất nhiều lúc, mình viết không phải để kể về “bài học” của mình, mà chính nhờ viết, mình mới nhận ra bài học đó. Mình tìm ra câu trả lời cho chính mình thông qua viết, viết đôi khi, là quá trình đi tìm câu trả lời bên trong mình, giúp mình tìm thấy thứ ban đầu mình không tìm kiếm.
4/ Như đã nói ở trên, mình tin luôn có một cách nào đó, không xuất phát chủ đích của mình, mà là vô tình, con chữ của mình sẽ “chạm” đến được người thật sự cần nó, vào thời điểm thích hợp. Có thể đó là những người đang có cùng câu hỏi và cũng đang đi tìm câu trả lời giống mình.
5/ Đôi khi, viết là một hoạt động rất vô thức, mình viết và chỉ viết thôi, không nhằm mục đích gì khác, cho đến khi bài viết được thành hình. Và trên hành trình đi đến cái đích cuối cùng, người viết luôn nhận ra nhiều hoặc rất nhiều về chính mình.
6/ Viết không giúp mình “chữa lành”, viết giúp mình hiểu mình hơn, thông qua viết mình lắng nghe được suy nghĩ/ góc nhìn của bản thân, và dần dần nhìn thấy rõ mình, mình dần chấp nhận con người thật của mình, chuyển hóa và thay đổi. Vậy nên, viết chỉ là công cụ, chính nội tâm của bạn mới có thể giúp bạn.
7/ Vì không thể nói hết những gì cần nói – mình viết. Viết thường là một hành trình cô đơn, và đòi hỏi người viết phải dành thời gian một mình. Nhưng cái giá của sự cô đơn luôn là quả ngọt, khi họ hiểu được mình, tìm ra câu trả lời cho mình mình và vui hơn nữa, khi vươn tới những người quan tâm đến những câu chuyện giống mình.
8/ Quay trở lại câu hỏi trên, mình là ai khi mình không được là mình? Hoặc là không ai cả, hoặc là tổ hợp của một tệp người nào đó. Và mình không muốn như thế. Nếu bắt buộc phải lựa chọn, mình vẫn muốn giữ blog này như một “ngôi nhà tinh thần” của bản thân. Và dù như thế nào, mình vẫn muốn được là mình khi viết, trước khi trở thành một người viết được đồng thuận, yêu thích.
Vì thật ra, viết cũng chỉ là…viết thôi mà 🙂
Leave a Reply