Mình từng nghĩ, một người chưa có nổi 9 số trong tài khoản ngân hàng, cũng như mình sao có thể nói về Quản lý chi tiêu được? Cơ sở nào để bài viết của mình thuyết phục nhỉ? Nhưng rồi mình nhận ra, tại sao phải “nhiều tiền” mới được nói về chủ đề này? Quản lý chi tiêu đâu phải câu chuyện của người nhiều tiền hay ít tiền, đó là câu chuyện của Tư duy mà! Với cả, mình cũng ‘giàu’ mà, cứ nói thôi! 😀
P/S: Bài viết này không nói về các phương pháp quản lý chi tiêu (vì nó đã có quá nhiều trên mạng rồi, bạn có thể tự tìm thêm để đọc).
Xin nói trước với bạn đọc là mình hiện không sở hữu Nhà, vàng, xe xịn hay bất cứ thứ gì khác…xịn cả. Sau 22 năm sống trên đời, 3.5 năm sinh viên đi làm thêm với mức lương 1.5-2.5 triệu/tháng và hơn 1 năm đi làm full-time với thu nhập như bao bạn bè đồng trang lứa khác, thứ duy nhất mình “sở hữu” là 20+ chuyến đi và một trái tim đầy nắng ^^ Và đây là lý do mình cảm thấy mình ‘giàu’ – giải trải nghiệm sống, hehe.
Dĩ nhiên, tự do tài chính luôn là một trong những mục tiêu hàng đầu của mình, mình cũng không phải kiểu người có bao nhiêu tiền tiêu hết bấy nhiêu. Dù thu nhập không cao, mình vẫn luôn cố gắng dành riêng một khoản dành cho quỹ khẩn cấp và hỗ trợ gia đình. Vậy đâu là bí quyết giúp mình “sở hữu” 20+ chuyến đi trong 4 năm qua và vẫn sống tốt dù từng “thất nghiệp” 3 lần, mỗi lần 1-2 tháng sau khi chuyển việc?
Câu trả lời chính là: Thay đổi tư duy.
1. Tiết kiệm KHÔNG THỂ giúp bạn tự do tài chính
Đừng hiểu nhầm, ý mình không phải là đừng tiết kiệm, cứ sống buông thả nha!
Đây tư duy mình rút ra sau 18 năm sống cùng mẹ – một người làm ra 10, tiết kiệm hết 9+. Có nghĩa là, mẹ dành gần hết số tiền kiếm được chỉ để tiết kiệm! Mình không phủ nhận nhờ đức tính giản dị, cần cù, chịu khó và không tiêu pha phung phí của mẹ mà nhà mình dư giả được một chút. Tuy nhiên, mẹ mình mắc một sai lầm cực kỳ lớn là không biết cách để tiền đẻ ra tiền! Mẹ không dám dùng tiền để ăn đồ ăn ngon, để giải trí, để phát triển bản thân, để xây dựng các mối quan hệ và dĩ nhiên, để đầu tư. Đó là lý do gia đình mình chỉ ở mức trung bình khá và mãi chỉ ở mức đó, không thể giàu hơn!
Người giàu không bao giờ giàu lên nhờ tiết kiệm, mà là ĐẦU TƯ. Vậy nên, thay vì dành phần lớn số tiền để tiết kiệm, mình sẽ chia nhỏ thu nhập của mình ra cho nhiều khoản. Ngoại trừ những khoản quan trọng và phải chi trả, mình dành phần lớn để đầu tư: Đầu tư cho bản thân (học các khoá học nâng cao kiến thức và kỹ năng, đầu tư vào trải nghiệm sống, đầu tư cho thức ăn ngon – sạch,…) và học đầu tư để tiền đẻ ra tiền.
Quản lý tài chính hiểu đơn giản là biết-cách dùng tiền thôi mọi người ạ 😉 Đừng cố gắng tiết kiệm mà bỏ lỡ cơ hội để “làm giàu” nhé!
2. Xác định MỤC ĐÍCH của việc kiếm tiền & tiết kiệm
Bạn không thể quản lý chi tiêu nếu không biết mình mục đích của việc kiếm tiền. Tương tự, nếu cứ cố gắng mỗi tháng tiết kiệm một ít, nhưng không biết ĐỂ LÀM GÌ, sớm muộn gì bạn cũng sẽ tiêu hết số tiền đó.
Thiếu đi một lý do, một mục đích – động lực kiếm tiền của bạn sẽ giảm dần, bạn cũng không thể duy trì việc tiết kiệm một cách đều đặn, thường xuyên được. Ở phần này, mình sẽ chia sẻ vài mục đích của cá nhân mình, bạn hãy thử tìm cho mình những mục đích cụ thể và viết chúng ra nhé!
a. Kiếm tiền & tiết kiệm cho trường hợp khẩn cấp
Khoản này chắc hẳn đã quá quen thuộc rồi. Tiền cho trường hợp khẩn cấp là khoản tiền mà ai cũng cần phải có, ước tính bằng 3-6 tháng chi phí tiêu dùng và chỉ nên sử dụng cho các trường hợp không-thể-đoán trước được như tai nạn, bệnh, biến cố gia đình,… Tùy vào chi phí cá nhân, mỗi người sẽ tự định mức được khoản này nên là bao nhiêu.
b. Kiếm tiền & tiết kiệm cho những khoản chi tiêu lớn – nhỏ
Những khoản chi tiêu lớn – nhỏ sẽ tuỳ theo định lượng, nhu cầu cũng như khả năng tài chính của mỗi người. Chẳng hạn, khoản chi tiêu lớn có thể kể đến là: nhà, xe, tiền đi du học, du lịch nước ngoài,… Còn khoản chi tiêu nhỏ như: một bộ váy đẹp, một chiếc vé concert của thần tượng, một chuyến du lịch ngắn,…
Dù là khoản chi lớn hay nhỏ, bạn nên lên kế hoạch cho tiết kiệm ngay từ đầu bằng cách chia nhỏ vào budget hàng tháng. Bạn có thể áp dụng công thức, số tiền tiết kiệm = tổng chi : thời gian, để xác định số tiền cần tiết kiệm hàng tháng dành cho các khoản chi lớn nhỏ là bao nhiêu.
Ví dụ, tháng 10 mình có kế hoạch đi du lịch Phú Quốc 2N3D. Theo tính toán, mình sẽ mất khoản 4 triệu cho chuyến đi này (tiền vé máy bay, tiền thuê phòng, di chuyển, ăn uống,…). Từ giờ đến tháng 10 còn 5 tháng, như vậy, mỗi tháng mình cần tiết kiệm khoảng 800K cho chuyến du lịch này.
Tuy nhiên, bạn cần xác định rõ đâu là thứ bạn CẦN và MUỐN để tránh trường hợp mua những thứ không cần thiết.
c. Kiếm tiền & tiết kiệm để đầu tư
Cái này mình đã đề cập ở phần 1 rồi hen, mỗi người sẽ có một mục đích đầu tư khác nhau. vì còn trẻ nên mình vẫn ưu tiên đầu tư vào bản thân nhiều nhất. Ở đây, mình nói rõ hơn về đầu tư để tiền đẻ ra tiền. Bạn có thể đầu tư bằng cách mua các loại cổ phiếu, trái phiếu, tiền kỹ thuật số,… hoặc góp vốn vào những mô hình kinh doanh của người khác hay mở doanh nghiệp riêng.
d. Kiếm tiền & tiết kiệm để tự do tài chính
Cái này nghe “xa xôi” quá, tuy nhiên thì như đã nói ở đầu bài, đây là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của mình (và chắc hẳn cũng là của bạn). Mỗi người sẽ cần một số tiền khác nhau để “đạt ngưỡng” tự do tài chính, đây là một mục tiêu dài hạn nên được đặt càng sớm càng tốt. Mình tin, khi xác định được mục đích kiếm tiền & tiết kiệm để tự do tài chính chúng ta sẽ biết cách sử dụng tiền khôn ngoan hơn.
3. Chỉ sở hữu những thứ trong KHẢ NĂNG của bạn
Nếu bảo mình mua nhà và trả góp trong vòng 15-20 năm, mình sẽ ngay lập tức say NO, vì mình không thích gánh nợ. Mình xác định chỉ sở hữu những thứ trong khả năng tài chính của bản thân, không vay mượn, không trả góp để sở hữu bất cứ thì gì chưa mang tính QUAN TRỌNG và thật sự CẦN THIẾT. Mình biết có nhiều người đặt mục tiêu mua nhà sớm trước khi giá nhà tăng cao, hoặc xem vay tiền mua nhà là một khoản nợ tốt,… đó là quan điểm của bạn, mình tôn trọng. Tuy nhiên, mình vẫn giữ quan điểm của riêng mình.
Bên cạnh đó, có một câu nói của chuyên gia tài chính Suze Orman mình rất thích: “live below your means, but within your needs” (sống dưới khả năng có thể, nhưng trong phạm vi cần thiết). Nếu khả năng của mình đủ mua một chiếc điện thoại Iphone 12, nhưng nhu cầu sử dụng của mình chỉ cần Iphone X là đủ, mình sẽ mua Iphone X. Tương tự như nhiều nhu cầu sở hữu khác, mình sẽ hạ mong muốn xuống mức thấp nhất nhưng vẫn đảm bảo thoã mãn nhu cầu và mục đích cá nhân. Số tiền còn lại mình có thể dùng để chi trả những chi phí khác hoặc tiền tiết kiệm cho các mục đích đã nói ở trên.
live below your means, but within your needs
Đây là 3 tư duy của mình về cách quản lý chi tiêu, hy vọng bài viết này hữu ích với bạn. Nếu bạn có bí quyết quản lý chi tiêu nào thú vị, hãy chia sẻ với mình dưới comment nhé!
be freedom,
Tâm Thương.
Leave a Reply