Nhận diện và chữa lành chấn thương tâm lý

Tháng trước mình có cơ hội tham gia event “Tuổi Thơ Dữ Dội” của TS. Lê Nguyên Phương, qua đó nhìn nhận rõ hơn nguồn gốc của những vấn đề từng gặp phải và hiểu thêm một số phương pháp hồi phục sau chấn thương mà bất kỳ ai cũng có thể áp dụng. Trong bài viết này, mình xin chia sẻ hành trình nhận diện và chữa lành chấn thương tâm lý của cá nhân mình và một số điều nhận được tại event, hy vọng hữu ích với bạn.

Lưu ý: Mỗi người sẽ có một cách riêng để có thể chữa lành và không có một công thức nào cụ thể cả, nếu bạn có vấn đề về tâm lý, mình khuyên bạn nên tìm những chuyên gia tâm lý để nhận sự giúp đỡ, đây mình chỉ là trải nghiệm cá nhân thôi bạn nha.

I. Nhận diện

Theo Wikipedia, Chấn thương tâm lý là tổn thương cho tâm trí xảy ra do một sự kiện nào đó. Chấn thương thường là kết quả của sự căng thẳng quá mức, vượt quá khả năng của một người để đối phó hoặc tích hợp những cảm xúc liên quan đến trải nghiệm đó.

Hầu hết những người có chấn thương tâm lý thường có một số biểu hiện cụ thể mà trước khi bắt đầu chữa lành, việc đầu tiên chúng ta cần làm chính là nhận diệný thức được vấn đề nào đang còn tồn tại bên trong mình, những trải nghiệm quá khứ nào đã hình thành nên cách chúng ta suy nghĩ và hành động ở hiện tại. Bạn đọc thêm bài viết “Đứa trẻ” nào đang ở bên trong bạn? để hiểu rõ hơn cách mình nhận diện nhé. Dưới đây là một số biểu hiện rõ nhất từng có ở cá nhân mình.

1. Né tránh, phủ nhận

Ngày trước mình có xu hướng né tránh, phủ nhận khi được ai đó gợi nhắc về sự việc xảy ra ở quá khứ. Mình thường cố gắng cư xử bình thường như chưa từng gặp biến cố trước mặt gia đình và bạn bè, thậm chí còn tỏ ra vui vẻ, tích cực. Theo tâm lý học, đây cũng là hình thức phản vệ để bảo vệ chính mình khỏi cơn đau và tổn thương về mặt tinh thần. Thay vì chấp nhận rằng bản thân đã và đang bị những biến cố đó giày vò – mình chọn né tránh, phủ nhận và luôn tỏ ra là mình ổn, mình mạnh mẽ và không cần ai quan tâm.

2. Dễ phản ứng và sợ hãi

Những chấn thương tâm lý xuất hiện lúc mình còn bé, từ thuở nhỏ cho đến khi trưởng thành, mình thường phải vật lộn với những lo lắng, bất an, sợ hãi, căng thẳng, áp lực,… và rồi mang góc nhìn bi quan và cảnh giác với những người mình gặp, những sự việc xảy đến. Mình cũng gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết vấn đề, dễ phản ứng về mặt cảm xúc khi đối diện với một sự kiện nào đó ngoài ý muốn diễn ra và thường bị ám ảnh bởi những vấn đề nhỏ như sự cô đơn, bóng tối, tai nạn, trộm cắp, thông tin giật gân…

3. Tâm thế nạn nhân

Trong những năm tháng tuổi thơ, vì còn quá nhỏ, mình không có quyền lựa chọn và thay đổi những điều xảy ra xung quanh, ngoài chịu đựng. Những chấn thương tâm lý hình thành ở giai đoạn đó khiến mình mang theo “tâm thế nạn nhân” khi trưởng thành – luôn cảm thấy bất lực, khổ sở và cô đơn. Trước những sự việc không như ý, mình thường có xu hướng đổ lỗi và cho rằng mình là nạn nhân của mọi đau khổ, bất hạnh trong cuộc đời.

woman sitting on black surface inside room

Trên đây là 3 biểu hiện rõ nhất của mình khi quan sát và nhận diện chấn thương tâm lý của mình. Chúng đến từ nhiều nguyên nhân như: Phải chứng kiến gia đình thường xuyên cãi nhau, thiếu sự quan tâm và chăm sóc của ba mẹ, bị cô giáo chê bai và đánh đòn trước mặt cả lớp, hàng xóm và bạn bè trêu chọc và xa lánh, cảm giác nhục nhã, thất bại,…

Trong event “Tuổi Thơ Dữ Dội”, TS. Lê Nguyên Phương có chia sẻ nhiều loại chấn thương tâm lý khác nhau như chấn thương tâm lý thông thường, chấn thương tâm lý phức tạp, chấn thương tâm lý phát triển liên quan đến thần kinh học và tâm lý học phát triển (bạn có thể tìm hiểu thêm trên Internet). TS cũng chia sẻ một số biểu hiện cụ thể như run rẩy, co rúm, thích làm đau cơ thể, đề phòng quá mức, mất cảm giác, dễ xúc động (khóc), giận dữ, tuyệt vọng, trống rỗng, trầm cảm – có khuynh hướng tự sát, hoang tưởng, có một số giai đoạn mất trí nhớ – không nhớ được sự kiện đã diễn ra, mất tập trung,… và chúng đến từ các nguyên nhân chủ yếu như: Bị xâm hại khi còn nhỏ, bị cha mẹ đánh đập gây ra thương tích, lớn lên trong gia đình có người nghiện (rượu, bia, ma túy), chứng kiến bạo hành gia đình. Hậu quả là, cảm xúc của chúng ta thường bị “bóp nghẹt”, luôn cảm thấy bất an, lo lắng, sợ hãi, gây mất kiểm soát cảm xúc, những xung đột trong các mối quan hệ và không thể sống một cách trọn vẹn.

Hiểu được nguyên nhân khiến mình có những biểu hiện của chấn thương tâm lý, những cảm nhận của cơ thể và cách tương tác với thế giới bên ngoài, bạn đã thành công bước đầu.

Tự nhận thức là bước đầu tiên giải phóng chấn thương ở quá khứ. Thứ ta cần là biết được chính xác nguyên nhân của khổ, tìm ra con đường để thoát khổ thì sẽ tìm ra con đường của riêng mình.

Và sau đó, tận dụng cơ chế tự nhiên của cơ thể để tự chữa lành.

II. Chữa lành

“Đừng để một chấn thương trong quá khứ định hình cá tính bạn hôm nay.” – TS. Lê Nguyên Phương

Mình từng có một bài viết chia sẻ về hành trình tự chữa lành tại đây, bạn đọc thêm nếu có thời gian nhé. Ở bài viết này, mình chia sẻ thêm một số cách dễ hiểu, dễ thực hành hơn và đòi hỏi mỗi người phải duy trì lâu dài.

1. Ôm cánh bướm

Trong phim It’s okay not to be okay có phân cảnh nam chính hướng dẫn nữ chính một hành động tự chữa lành rất đẹp. Dùng tay phải đặt lên vai trái, tay trái đặt lên vai phải và tự vỗ về bản thân. Đây là phương pháp ôm kiểu cánh bướm, giúp chúng ta bình tĩnh lại khi rơi vào tình huống mất kiểm soát.

Mỗi lúc cảm nhận cơ thể đang rung lên vì tức giận, sợ hãi, lo lắng,… mình thường học cách tự ôm mình như thế. Bạn có thể thử nhé 😉

grayscale photography of men doing group hug

Cái ôm với mình có nhiều sức mạnh, nếu ai đó xung quanh bạn đang có vấn đề tâm lý, hoặc đơn giản vì muốn thể hiện tình yêu với người nào đó nhiều hơn, hãy ôm họ nhiều hơn nhé! Ôm thật chặt và nghe được nhịp đập trái tim nhau ấy. ^^

2. Ho’oponopono

Đây là một trong những phương pháp trị liệu rất hay mà mình được học tại Beli, giúp giải quyết các vấn đề cá nhân và xung đột giữa các cá nhân. Có thể hàn gắn mối quan hệ với chính bạn, với những người khác và cả với môi trường xung quanh. Bạn có thể đọc thêm trên Internet để hiểu hơn về phương pháp này. Để thực hành, bạn chỉ cần tìm một không gian yên tĩnh, ngồi xuống, nhắm mắt lại và nói 4 câu:

  • I’m sorry (Tôi xin lỗi)
  • Please forgive me (Xin hãy tha thứ cho tôi)
  • Thank you (Xin cảm ơn)
  • I love you (Tôi yêu bạn)

Bằng cách áp dụng phương pháp Ho’oponopono, bạn giúp tâm trí tự do, yêu thương và sáng tạo hơn. Mình thường vừa ôm cánh bướm vừa đọc 4 câu nói này và cảm thấy thương mình nhiều hơn, tin rằng xứng đáng nhận những điều tốt đẹp hơn. Dù mọi thứ đôi khi thật khó khăn. Nhưng mình làm được, thì bạn cũng có thể làm được. Bạn phải tin mình làm được trước khi bắt đầu bất cứ hành trình nào.

3. Giải tỏa

Có nhiều cách để giải tỏa cảm xúc. Nhiều người lựa chọn chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá,…) hoặc nghiện một thứ gì đó (ăn uống, chơi game, tình dục,…) vì chúng mang lại cho ta cảm giác hưng phấn, thỏa mãn tạm thời và điều này không giúp bạn “khá” hơn, ngược lại còn làm gia tăng khả năng trở thành “nạn nhân”.

Vậy đâu là cách giải tỏa lành mạnh? Bạn có thể tìm đến âm nhạc, hội họa, thiên nhiên, trò chuyện với những người mình yêu thương, xúc chạm với chính cơ thể mình (môi), tập thể dục thể thao, tắm rửa, chơi với trẻ em – thú cưng… Tất cả hoạt động này đều làm tăng hóoc môn yêu đời trong cơ thể mỗi chúng ta (dopamine, oxytocin, serotonin).

4. Chấp nhận

Những chấn thương tâm lý khiến chúng ta luôn cảm thấy không an toàn, quá khứ vẫn hiện hữu đâu đó và sẵn sàng gặm nhấm tâm hồn chúng ta bất cứ lúc nào. Nhưng khi càng cố gắng kìm nén, chúng sẽ ngày càng lấn lướt, cảm xúc của chúng ta sẽ ngày càng bị bóp nghẹt bởi những gì xảy ra xung quanh. Chúng ta không thể hồi phục cho đến khi học được cách chấp nhận – kết nối với những vấn đề tâm lý, thoải mái chấp nhận chúng mà không phải xấu hổ, sụp đổ hay nổi giận và dần kết nối với chính mình.

5. Kết nối (với những người xung quanh và với chính mình)

Một trong những ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của chấn thương tâm lý chính là làm hỏng khả năng đọc vị người khác (làm giảm khả năng nhận biết nguy hiểm hoặc đề phòng quá mức). Tuy nhiên, để có thể chữa lành vấn đề này, việc duy nhất chúng ta có thể làm là học cách kết nối lại – xây dựng mối liên kết giữa người với người. Kết nối ở đây là sự tương tác: chia sẻ và lắng nghe một cách chân thành, nhận được sự thông cảm, thấu hiểu và cảm giác an toàn từ bên trong. Tin rằng sẽ luôn có người hiểu, chấp nhận và yêu thương bạn.

“Có thể cảm thấy an toàn khi ở bên người khác là khía cạnh quan trọng nhất trong sức khoẻ tinh thần; mối quan hệ an toàn là điều cơ bản cần thiết đối với một cuộc sống có ý nghĩa và thoả mãn.” – Van der Kolk

Nhưng làm sao để chúng ta vượt qua nỗi sợ để có thể kết nối sâu sắc với người khác? – Chúng ta phải học cách kết nối với chính mình và cho phép bản thân cảm nhận sự an toàn. Kết nối để hiểu mình được mình nghĩ gì là bước đầu tiên để biết lý do tại sao chúng ta cảm giác như thế và tìm được cách giải quyết chúng.

woman sitting on cliff overlooking mountains during daytime

Mình có 2 cách để kết nối với bản thân tốt nhất là ThởViết -Quay về hơi thở của mình, không để những âm thành, hình ảnh, hoạt động bên ngoài tác động tới mình. Mình quan sát được những suy nghĩ gì đang tồn tại bên trong mình, hiểu được mình đang có những vấn đề, tổn thương nào chưa được giải quyết và dần dần học được cách tỉnh thức để có mặt ở hiện tại. Và viết giúp mình hiểu rõ vấn đề của bản thân hơn, đôi khi câu trả lời sẽ không xuất hiện nếu chúng ta chỉ để nó trong suy nghĩ mà không đặt bút xuống viết ra.

6. Yêu mình

Nghe có vẻ hơi thừa – vì đúng, để chữa lành chắc chắn phải học yêu mình rồi! Nhưng yêu như thế nào? Đó là hành trình riêng của mỗi người. Ở đây mình chỉ muốn nhắc lại rằng, tình yêu thương thật sự rất quan trọng. Một lỗ hổng trong trái tim không có tình yêu là một cái hố không đáy và khó có thể lấp đầy. Nếu không có tình yêu thương đúng nghĩa, mọi hành động đều sẽ trở nên vô nghĩa. Khi ta biết yêu thương và thật sự có hạnh phúc trong tình yêu, ta sẽ có khả năng để tạo hạnh phúc cho nhiều người. Tình yêu thương có sức mạnh ôm lấy mọi nỗi đau bên trong mình và đang ngày một lớn lên để ôm cả thế giới này.

 “Ai cũng đã kinh qua những ngày tháng cô độc và từ đó chúng ta mới biết được giải pháp duy nhất chỉ có thể là tình yêu.” – Dorothy Day 

Lời cuối

Không một ai trong chúng ta hoàn hảo, bạn không cần phải trở nên hoàn hảo để được yêu thương. Chúng ta luôn có những giá trị sẵn có để được là chính mình, dù còn nhiều vết nứt, dù khác biệt. Tình yêu thương là vô hạn, và tình yêu thương thật sự sẽ cho chúng ta sự tự do, để bạn được là mình như mình vốn là. Mong bạn luôn vững tin vào điều đó. Chúc lành cho bạn!

be freedom,

Tâm Thương.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!