Mình từng cho rằng, hạnh phúc và sự hài lòng đồng nghĩa, chúng chỉ khác nhau ở cách chúng ta sử dụng. Nhưng sau khi tìm hiểu 2 khái niệm này, mình nghĩ sẽ thay đổi câu hỏi “Làm thế nào để hạnh phúc?” thành “Làm thế nào để tăng mức độ hài lòng với cuộc sống của mình?”
Trong quá trình tìm hiểu về well-being, mình từng cảm thấy bối rối về nghĩa của các thuật ngữ có vẻ “na ná” nhau về mặt ý nghĩa, chẳng hạn như happiness (hạnh phúc), well-being (sức khoẻ, sự an lạc, hạnh phúc,…) và life satisfaction sự hài lòng trong cuộc sống). Nhưng sau khi tìm hiểu, mình nhận thấy mỗi thuật ngữ có một ý nghĩa sâu xa khác nhau, và sự hài lòng không giống với hạnh phúc như mình lầm tưởng.
Bài viết này, mình sẽ giải đáp cho câu hỏi: Sự khác biệt giữa Hạnh phúc và Hài lòng? đồng thời, đưa ra 4 yếu tố tạo nên sự hài lòng trong cuộc sống được nhận định bởi Maike Neuhaus Ph.D – Giảng viên và nhà nghiên cứu Tâm lý Tích cực tại Đại học Queensland, Huấn luyện viên Phát triển và Lãnh đạo bản thân.
1. Ý nghĩa của sự hài lòng trong cuộc sống
Theo ông Ed Diener’s – Nhà nghiên cứu về well-being và sự hài lòng trong cuộc sống, sự hài lòng là “Đánh giá tổng thể về cảm xúc và thái độ về cuộc sống của một người tại một thời điểm cụ thể, từ tiêu cực đến tích cực“.
Hay theo ông Ruut Veenhoven – Nhà xã hội học người Hà Lan “Sự hài lòng trong cuộc sống là mức độ mà một người đánh giá tích cực về chất lượng cuộc sống của họ nói chung. Nói cách khác, người đó thích cuộc sống mà anh ấy/ cô ấy làm chủ đến mức nào”.
Khác với hạnh phúc – chỉ biểu thị một trạng thái cảm xúc (vui vẻ, tích cực, khoái lạc,…) ở khoảnh khắc hiện tại hoặc trong ngắn hạn, sự hài lòng trong cuộc sống đề cập đến cảm xúc tổng thể của một cá nhân về cuộc sống của họ trong dài hạn. Mặc dù cảm giác hạnh phúc mang lại nhiều ý nghĩa trong cuộc sống của chúng ta, nhưng đây cũng chỉ là một cảm giác “phù du” – đến rồi sẽ đi. Một lối sống lành mạnh sẽ bao gồm những khoảnh khắc hạnh phúc, nhưng hạnh phúc đơn thuần thường không tạo nên một cuộc sống viên mãn và thỏa mãn. Đó là lý do tại sao sự hài lòng trong cuộc sống được đánh giá là ổn định và lâu dài hơn hạnh phúc.
Có nhiều yếu tố góp phần tạo nên sự hài lòng trong cuộc sống, bao gồm: công việc, mối quan hệ với gia đình – bạn bè, sự phát triển cá nhân, sức khỏe thể chất và tinh thần, sự kết nối với thế giới xung quanh,… Sự hài lòng trong cuộc sống không chỉ khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn và tận hưởng cuộc sống nhiều hơn mà còn có tác động tích cực đến sức khỏe và hạnh phúc tổng thể của chúng ta.
2. Sự khác biệt giữa hạnh phúc và hài lòng
Phần 1 mình đã nêu ra sự khác biệt cơ bản giữa hạnh phúc và hài lòng. Cụ thể hơn, sự hài lòng trong cuộc sống không dựa trên tiêu chí mà các nhà nghiên cứu cho là quan trọng, mà dựa trên những đánh giá nhận thức của chính bạn về những yếu tố mà bạn cho là có giá trị nhất. Đây cũng là sự khác biệt chính giữa well-being và sự hài lòng trong cuộc sống. Có nhiều thang đo tạo ra các thước đo về sức khỏe toàn diện của một người, nhưng well-being thường được xác định chặt chẽ hơn và dựa trên các tiêu chí cụ thể.
Một trong những lý thuyết phổ biến về hạnh phúc là mô hình PERMA được phát triển bởi Martin Seligman, một trong những “cha đẻ” sáng lập tâm lý học tích cực (Seligman, 2011). Mô hình của ông dựa trên ý tưởng rằng có năm yếu tố chính góp phần tạo nên hạnh phúc: Cảm xúc tích cực, Sự gắn bó, Mối quan hệ, Ý nghĩa và Thành tích. Mô hình này giải thích thành công những khác biệt giữa hạnh phúc và well-being, nhưng lại không bao hàm cả sự hài lòng trong cuộc sống vì nó khách quan hơn và ít tùy chỉnh hơn dựa trên giá trị của mỗi cá nhân. Các thước đo mức độ hài lòng trong cuộc sống thường mang tính chủ quan, hoặc dựa trên các biến số mà một cá nhân nhận thấy là quan trọng đối với cuộc sống của họ. Sự hài lòng trong cuộc sống sẽ không được xác định dựa trên một yếu tố mà bạn không thấy có ý nghĩa.
3. 04 yếu tố tạo nên sự hài lòng trong cuộc sống
Các yếu tố góp phần vào sự hài lòng trong cuộc sống không đánh giá đúng 100% về mức độ hài lòng của một người đối với cuộc sống của họ, song đây vẫn là 04 yếu tố chính nên được cân nhắc
Cơ hội sống (và được sống): Các nguồn lực xã hội như phúc lợi kinh tế, bình đẳng xã hội, tự do chính trị, văn hóa và trật tự đạo đức; các nguồn lực cá nhân như vị trí xã hội, tài sản vật chất, ảnh hưởng chính trị, uy tín xã hội và mối quan hệ gia đình; các khả năng cá nhân như thể chất, tâm linh, khả năng xã hội và kỹ năng trí tuệ.
Diễn biến của các biến cố (trong cuộc sống): Các sự kiện có thể liên quan đến các yếu tố như nhu cầu hoặc sự tấn công hoặc bảo vệ, sự đơn độc hoặc bầu bạn, sự sỉ nhục hoặc danh dự, thói quen hoặc thách thức,…. Đây là những điều chúng ta có thể đối đầu khi trải qua cuộc sống hàng ngày, khiến chúng ta nghiêng nhiều hơn về hướng này hay hướng khác: hướng tới sự hài lòng hơn hoặc không hài lòng hơn.
Dòng chảy trải nghiệm: Bao gồm những trải nghiệm như khao khát hoặc thỏa mãn, lo lắng hoặc an toàn, bị từ chối hoặc tôn trọng, buồn tẻ hoặc phấn khích, ghê tởm hoặc sung sướng. Đây là những cảm giác và phản ứng của chúng ta đối với những điều xảy ra, chúng được xác định bởi cả nguồn lực cá nhân và xã hội, khả năng cá nhân của chúng ta và diễn biến của các sự kiện.
Đánh giá cuộc sống: Đánh giá hiệu quả trung bình của tất cả các yếu tố trên, liên quan đến việc so sánh cuộc sống thực của chúng ta với lý tưởng về một “cuộc sống tốt đẹp”. Từ đó, tìm cách cân bằng giữa điều tốt và điều xấu để cải thiện sự hài lòng trong cuộc sống.
4. Đo lường sự hài lòng trong cuộc sống
Bắt đầu từ những năm 1960, sự hài lòng trong cuộc sống ban đầu được cho là được đo lường một cách khách quan và bên ngoài như tình trạng sức khoẻ, mức thu nhập,… Dựa trên nhiều nghiên cứu về chủ đề này, rõ ràng là việc đo lường sự hài lòng trong cuộc sống một cách khách quan rất khó khăn và thiếu chính xác.
Mặc dù sự hài lòng trong cuộc sống có tương quan với các biến số như thu nhập, sức khỏe và chất lượng mối quan hệ, nhưng mỗi cá nhân có thể đánh giá các biến số này khác với những biến số khác. Bởi làm thế nào một người có thể đo lường sự hài lòng trong cuộc sống bên ngoài? Bằng số lượng nụ cười? Tỉ lệ giữa tiếng cười và nước mắt? Tần suất của các điệu nhảy vì niềm vui?
Do đó, về mặt logic, để có được một thước đo chính xác về sự hài lòng trong cuộc sống, chúng phải được thu thập một cách chủ quan; các kỹ thuật phổ biến để đo lường bao gồm: khảo sát, bảng câu hỏi và phỏng vấn.
Hiện tại, Life Satisfaction Index có một bảng 20 câu hỏi dùng để đo lường chất lượng cuộc sống của những người trưởng thành trên 50 tuổi, được tạo ra bởi các nhà nghiên cứu Neugarten, Havighurst và Tobin vào năm 1961. Để tìm hiểu thêm về LSI, bạn có thể nhấp vào đây.
Với những người có độ tuổi trẻ hơn, bạn có thể đo lường sự hài lòng trong cuộc sống của mình dựa trên 6 câu hỏi dưới đây, đánh giá trên thang điểm từ 1 (rất không đồng ý) đến 7 (rất đồng ý).
- Tôi thích cách cuộc sống của tôi đang diễn ra.
- Nếu tôi có thể sống hết mình, tôi sẽ thay đổi nhiều thứ.
- Tôi bằng lòng với cuộc sống của mình.
- Những người xung quanh tôi dường như đang sống cuộc sống tốt hơn cuộc sống của chính tôi.
- Tôi hài lòng với vị trí của mình trong cuộc sống hiện tại.
- Tôi muốn thay đổi con đường mà cuộc đời tôi đang đi.
5. Làm thế nào để cải thiện sự hài lòng trong cuộc sống?
Như chúng ta đã thấy, có nhiều yếu tố liên quan đến sự hài lòng trong cuộc sống. Vậy nên, để cải thiện hoặc nâng cao sự hài lòng trong cuộc sống, chúng ta cần cải thiện từng khía cạnh như: mối quan hệ với những người thân yêu, sự hài lòng trong công việc, sự hài lòng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần,… Tiến sĩ Leslie Becker-Phelps đã đưa ra 05 câu hỏi để hướng dẫn cách thúc đẩy sự hài lòng trong cuộc sống, gồm:
1. Bạn có thử những trải nghiệm mới không? Thử những điều mới và thoát khỏi vùng an toàn của bạn là một cách để cải thiện sự hài lòng của bạn với cuộc sống.
2. Bạn có cố gắng hết sức trong mọi việc bạn làm không? Nếu cố gắng hết sức, bất cứ điều gì bạn làm 100% (hoặc gần như vậy) sẽ mang lại cảm giác thỏa mãn và hài lòng mà công việc không cần trí óc và những thú vui ngắn hạn là không thể mang lại.
3. Bạn có thích dành thời gian với người khác không? Ngay cả những người hướng nội nhất trong chúng ta cũng cần ít nhất một vài mối quan hệ chất lượng và thỉnh thoảng giao tiếp xã hội để cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống của họ.
4. Trong những tương tác hàng ngày, bạn có tiếp cận mọi người với mong muốn hòa hợp không? Liên quan đến việc ra ngoài và gặp gỡ mọi người, điều quan trọng là những tương tác đó phải tích cực. Hãy cố gắng trở nên tích cực và dễ chịu hơn để đảm bảo rằng bạn có các loại tương tác phù hợp với mọi người.
5. Bạn có dễ dàng khó chịu bởi các vấn đề khác nhau không? Thường xuyên vật lộn với lo lắng, buồn bã, tội lỗi, xấu hổ hoặc tức giận có thể dễ dàng kéo mức độ hài lòng của bạn xuống. Hãy đặt mục tiêu trở thành một người hạnh phúc hơn, kiên cường hơn và hướng tới mục tiêu đó. Nếu bạn không chắc chắn về cách thực hiện, hãy dành thời gian với chuyên gia trị liệu hoặc cố vấn để tìm cách nhé!
Kết
Hy vọng bài viết này đã giúp bạn sẽ hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của sự hài lòng trong cuộc sống, cũng như sự khác biệt giữa sự hài lòng với hạnh phúc và well-being.
Cuối cùng, mình có vài câu hỏi nhỏ như bài tập thực hành dành cho bạn: Suy nghĩ của bạn về sự hài lòng trong cuộc sống là gì? Điều gì hay ai là người đóng góp lớn nhất cho sự hài lòng trong cuộc sống đối với bạn? Có một lý thuyết nào khác về sự hài lòng trong cuộc sống mà bạn đang theo đuổi không? Chia sẻ cùng mình nhé!
Cảm ơn bạn đã đọc!
be freedom,
Tâm Thương.
Nguồn tham khảo: Life Satisfaction Theory and 4 Contributing Factors
Leave a Reply