Thú thật với bạn, mình từng nhầm lẫn hai khái niệm này là một. Thời gian đầu mình còn hô hào sẽ viết về chủ đề well-ness cơ, nhưng khi tìm hiểu thì mới vỡ ra well-being và well-ness không giống nhau, dù cả hai đều có những điểm chung về sức khỏe và hạnh phúc.
Vậy, cụ thể well-being và well-ness khác nhau như thế nào? Cùng mình tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
1. Well-ness là gì?
Nếu đích đến của well-being là hạnh phúc tổng thể, well-ness là một trong những cách thức để thực hiện điều này. Nói đúng hơn, well-ness mang tính định hướng hành động nhằm đạt được trạng thái khỏe mạnh, thông qua các thói quen sống lành mạnh như chánh niệm, tập luyện thể thao, ăn uống healthy hoặc thăm khám sức khỏe tổng quát hàng năm. Tương tự như well-being, well-ness cũng bao gồm sức khỏe thể chất, sức khoẻ tinh thần, kết nối xã hội, phát triển trí tuệ và thậm chí cả tài chính – nhưng well-ness chỉ tập trung chính vào các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Nói tóm lại, well-ness là một trong những cách giúp sức khỏe của chúng ta trở nên tốt hơn.
2. Well-being là gì?
Khác với well-ness, well-being không phải là một tập hợp các hành vi, mà là một trạng thái của tâm trí, liên quan đến cách bạn nhìn nhận cuộc sống của mình. Bạn tập thể dục 4 lần/tuần, ăn uống đầy đủ và thiền trước khi đi ngủ, nhưng bạn có cảm thấy hạnh phúc và an lạc không? Bạn có cảm thấy mạnh mẽ về tinh thần và thể chất không? Bạn có hài lòng về bản thân và các mối quan hệ với người khác không?
Well-ness và well-being đi đôi với nhau, well-ness góp phần tạo nên well-being. Nhưng well-being không chỉ là kết quả của việc giữ gìn vóc dáng hay thói quen sống tích cực mà còn là điều kiện sống, sức khỏe tinh thần, chất lượng mối quan hệ, phát triển sự nghiệp, giá trị tâm linh… Well-being chính là ý thức về hành trình chăm sóc sức khỏe toàn diện của bản thân, hướng đến một lối sống lành mạnh, tích cực và hạnh phúc.
3. Lợi ích của well-ness và well-being
Việc áp dụng các phương pháp chăm sóc sức khỏe thể chất (well-ness) có thể tạo ra tác động tích cực đến cuộc sống của bạn theo nhiều cách, từ việc giúp bạn khỏe mạnh hơn đến cải thiện lòng tự trọng của bạn. Chẳng hạn, việc tập thể dục dưới bất kỳ hình thức nào (ở cường độ cao hay chỉ là đi dạo quanh khu phố hàng ngày) cũng giúp giảm nguy cơ bệnh tật và tăng hormone endorphin, cải thiện tâm trạng của bạn.
Còn với well-being, đây là một chỉ số không chỉ phản ảnh hạnh phúc tổng thể của một cá nhân mà còn đối với toàn bộ quốc gia. Một số quốc gia đã bắt đầu đo lường mức độ hạnh phúc của người dân bên cạnh các thước đo truyền thống như GDP. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thậm chí đã đặt ra một khuôn khổ đo lường sức khỏe tổng thể của các quốc gia, bao gồm: chất lượng môi trường, tình trạng nhà ở, sức khỏe, mức độ cân bằng giữa công việc và cuộc sống,… Do đó, những lợi ích của well-being thường bao quát cả well-ness, chẳng hạn như cảm giác an toàn và thoả mãn, chất lượng các mối quan hệ, mức độ hạnh phúc,…
4. Các vấn đề thường gặp
Trong khi các vấn đề về well-ness thường liên quan đến sức khỏe thể chất, chẳng hạn như mất cân bằng do lối sống, dị ứng theo mùa hoặc các bệnh phổ biến như béo phì, tiểu đường. Thì vì well-being liên quan đến rất nhiều khía cạnh của cuộc sống, đặc biệt là sức khoẻ tinh thần, kết nối xã hội và giá trị tâm linh, nên các vấn đề về well-being cũng vô cùng đa dạng. Một số vấn đề có thể kể đến như: bất an tài chính, làm việc quá sức, sự cô lập với xã hội, không tìm thấy giá trị của bản thân,…
Đây là lý do tại sao chúng ta không chỉ nên trau dồi sức khoẻ thông qua tập thể dục, chế độ ăn uống lành mạnh, thực phẩm bổ sung, v.v. mà còn phải trau dồi các kỹ năng, tìm kiếm sở thích, xây dựng các mối quan hệ khiến bạn cảm thấy hạnh phúc,…
5. Một vài lưu ý
Có nhiều cách hiểu khác nhau về well-ness lẫn well-being, nhưng mọi định nghĩa đều thường bao gồm 4 nguyên tắc thiết yếu dưới đây:
Sự toàn diện:
Sức khoẻ toàn diện của bạn là kết quả của quá trình tương tác kéo dài giữa sức khoẻ thể chất, sức khoẻ tinh thần và các yếu tố tự nhiên trong cuộc sống. Các yếu tố này đều liên đới với nhau nhằm giúp bạn ý thức về sự gắn kết toàn diện giữa sức khoẻ bản thân và cuộc sống đủ đầy hạnh phúc.
Sự cân bằng:
Ai cũng biết rằng bản chất cuộc sống không ngừng thay đổi, vì vậy bạn cần tìm cách cân bằng cuộc sống của chính mình, quan tâm đúng cách đến từng khía cạnh khác nhau trong cuộc sống của chính mình. Bất cứ khía cạnh nào bị “bỏ lơ” hoặc không được quan tâm đầy đủ sẽ bạn gặp trở ngại trên bước đường phát triển bản thân hoặc thậm chí có thể bạn sẽ không bao giờ thấy hạnh phúc trong cuộc sống của mình.
Trách nhiệm với bản thân:
Một người khoẻ mạnh toàn diện luôn biết tự chịu trách nhiệm đối với sức khỏe và hạnh phúc của chính mình, không để người khác kiểm soát các quyết định của bản thân. Ý thức trách nhiệm bao gồm khả năng phát triển nhận thức và kiểm soát hành vi của bản thân, hiểu rõ hậu quả từ hành vi mình gây ra và không ngừng chủ động chăm sóc sức khoẻ.
Tích cực và năng động:
Well-ness hay well-being về cơ bản cần bạn thể hiện những khía cạnh và giá trị tích cực trong cuộc sống. Bạn cũng cần có lập trường vững chắc, biết cách xác lập mục tiêu và làm chủ mọi hành động, suy nghĩ của bản thân. Từ đó, tạo ra một bộ “công cụ” chăm sóc sức khoẻ chủ động của riêng mình.
Tái bút: Bước đầu tiên trên hành trình chăm sóc sức khoẻ chủ động
Một trong những bài học đầu tiên mình nhận được khi bắt đầu hành trình chăm sóc sức khoẻ chủ động là học cách xác định giá trị của bản thân (self-awareness). Điều này nghe có vẻ đơn giản, nhưng không phải ai cũng làm được, vì nhiều lý do.
Chúng ta sinh ra trong một xã hội mà sự so sánh giữa bạn với người khác đã trở nên quá quen thuộc, giáo dục chính thống không dạy chúng ta hiểu về chính mình, về những giá trị cá nhân mà chỉ bạn mới có. Vậy nên, xác định giá trị của bản thân là việc tưởng dễ mà khó, tưởng không liên quan đến việc chăm sóc sức khoẻ chủ động mà lại liên quan đến bất ngờ.
Khi đã tìm thấy các giá trị cá nhân một cách rõ ràng, mình hiểu đâu là một cuộc sống phù hợp với bản thân, mà không còn chạy theo hàng tá tiêu chuẩn của xã hội. Đây là một quá trình vô cùng cần thiết, giúp mình lùi lại một bước để đánh giá thế giới quan của mình, từng bước xây dựng mối quan hệ lành mạnh và chân thực nhất với bản thân. Vì nếu không hiểu rõ về bản thân, mình khó có thể đưa ra quyết định đúng đắn, có lập trường vững vàng và đặt mục tiêu có ý nghĩa.
Giá trị cá nhân của riêng mình, mình đã định nghĩa là: sự kết nối (với bản thân, gia đình, bạn bè và cộng đồng); sự can đảm (dám là chính mình, sống cuộc đời của riêng mình và không ngừng tìm kiếm sự thật); sự tự do (về mọi mặt: trong hành động, suy nghĩ, tư duy); đóng góp xã hội (lan toả giá trị tích cực và yêu thương đến bất kỳ ai mình chạm đến). Và còn nhiều những giá trị quan trọng khác trong cuộc sống của mình, tất cả những giá trị này đã định hình nên một Tâm Thương phiên bản tốt hơn, định hướng cho mọi quyết định về sau và đưa mình đến những hành trình tiếp theo một cách an toàn. Đồng thời, tiếp tục truyền cảm hứng cho những đam mê và dự án cá nhân của mình, trên hành trình theo đuổi sự tự do đích thực. Và sáng tạo nội dung về lĩnh vực well-being, hướng đến mục tiêu trở thành HLV sức khoẻ là một trong số đó.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết và đôi dòng tái bút, hy vọng hữu ích với bạn.
be freedom,
Tâm Thương.
Leave a Reply