Thấu cảm, theo Wikipedia Việt Nam:
- Là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ
- Sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, khiến ta hiểu được những suy nghĩ của họ, cảm được những cảm xúc của họ và tất cả xảy ra mà không có sự phán xét.
- Thấu cảm khiến ta hồi hộp khi quan sát một người đang đi trên dây ở trên cao, làm chúng ta cùng vui buồn với một nhân vật trong truyện.
Sự thấu cảm là một khả năng được hình thành trong 2 năm đầu đời của con người. Khả năng thấu cảm được sinh ra tự nhiên. Càng lớn lên, càng có nhiều trải nghiệm hơn, chúng ta càng có nhiều cảm xúc để thấu hiểu người khác. Thế nhưng, trái ngược hoàn toàn với bản năng của trẻ em – dù chẳng có mấy trải nghiệm với cuộc sống để hiểu được hoàn cảnh của từng người, chúng có thể dễ dàng cảm nhận sự buồn khổ và có thể bày tỏ sự chia sẻ của mình một cách tự nhiên. Người lớn đang dần đánh mất khả năng thấu cảm của mình. Vậy làm sao để duy trì và phát triển khả năng thấu cảm của bản thân? Trong một xã hội mà con người ngày càng vô cảm với nhau bởi sự thực dụng hay sự thay đổi chóng mặt của công nghệ?
THẤU CẢM VÀ THÔNG CẢM
Thấu cảm khác với thông cảm, thấu cảm là khi bạn thực sự hiểu cảm xúc của người khác còn thông cảm chỉ là việc bạn nhìn thấy được hoàn cảnh của họ.
Việc đưa ra các giải pháp (thông cảm) nghe có vẻ khó khăn, nhưng thực ra dễ hơn rất nhiều so với việc thực sự thấu hiểu được cảm giác của người khác (thấu cảm). Cuộc sống hiện đại khiến con người ta dễ rơi vào cảm giác cô đơn, ngồi xuống, lắng nghe và thấu hiểu cảm xúc của người khác quan trọng hơn cả đưa ra một cách giải quyết.
ĐỂ TRỞ NÊN THẤU CẢM
Mình chia sẻ trên trải nghiệm cá nhân, vì như đã đề cập ở trên, mỗi người đều có khả năng thấu cảm, vấn đề nằm ở chỗ họ có thể giữ được điều đó hay không. Mình là một đứa nhạy cảm, hơn cả cảm giác thiếu thốn, mình sợ hãi việc con người ta sống vô cảm với nhau, bằng lý do nào đi chăng nữa. Mình vẫn đang trên hành trình duy trì sự thấu cảm vốn có, phát triển để nó trở nên sâu sắc hơn, thông qua nó để hoàn thiện mình và lan tỏa giá trị đến cộng đồng.

Gạt bỏ định kiến – Quan sát không phán xét
Chúng ta đều có những định kiến về người khác, chúng ta dễ dàng phán xét người khác bởi một hành động nào đó của họ. Một bài học mình học được trên tiến trình thấu hiểu bản thân là: Chúng ta dễ dàng nhìn thấy khuyết điểm của người khác và phán xét điều đó, vì trong chính bản thân chúng ta cũng có những khuyết điểm tương tự.
Việc phán xét ai đó là bản năng, ta buộc phải thay đổi chúng hoặc để chúng kiểm soát ta. Khi nhận thấy bản thân đang phán xét ai đó, mình thực tập quay về với bản thân và quan sát xem có phải chính mình cũng đang có những điều mình vừa phán xét không? Người mà mình vừa phán xét có những hành động như vậy là có lý do gì? Có phải nó đến từ trải nghiệm quá khứ còn nhiều tổn thương, nỗi đau của họ?
Những câu hỏi đó giúp mình dừng ngay suy nghĩ phán xét và dễ dàng cảm thông cho những hành động, thái độ của tất cả mọi người. Qua đó, trau dồi sự thấu cảm bằng cách quan sát nhưng không phán xét cuộc sống, trải nghiệm của người khác.
Lắng nghe và chia sẻ
Một trong những kỹ năng quan trọng trong cuộc sống và giúp chúng ta hiểu rõ điều gì đang xảy ra, những cảm xúc, những nhu cầu, những trải nghiệm trong thời khắc trò chuyện – Lắng nghe. Ngày nay, người ta chỉ nghe chứ ít ai lắng nghe thật sự. Khả năng lắng nghe đòi hỏi sự hiện diện, tập trung ở khoảnh khắc hiện tại và mở lòng đón nhận mọi câu chuyện của người khác.
Nhưng chỉ lắng nghe thôi là chưa đủ. Chúng ta cần chia sẻ. Bày tỏ cảm xúc bản thân là cách để tạo ra sợi dây liên kết thấu cảm mạnh mẽ.
Thường xuyên lắng nghe và chia sẻ cùng những người quan trọng trong đời, đến những người bạn, thậm chí cả những người xa lạ sẽ giúp chúng ta trở nên thấu cảm hơn.
Một trong những điều khiến mình hạnh phúc, chính là khi được ai đó tìm đến khi họ gặp vấn đề, những lúc như vậy mình luôn cảm nhận rõ sự tin tưởng của đối phương và vì vậy, mình học được cách lắng nghe và chia sẻ nhiều hơn thông qua những cuộc gặp gỡ đó.
Tham gia hoạt động xã hội
Sự thấu cảm không chỉ có ý nghĩa giữa cá nhân với cá nhân, mà còn có thể tác động lên xã hội. Tham gia vào những hoạt động vì cộng đồng, xã hội ( như từ thiện, giáo dục, đến các lớp học tâm lý,…) là những cơ hội giúp nâng cao khả năng thấu cảm.
Sự thấu cảm có thể giúp tạo ra những sự thay đổi trong xã hội. Chúng ta dễ thấu cảm hơn đối với những người có nỗi đau, điều đó là cần thiết, nhưng chưa đủ. Sự thấu cảm sẽ nở rộ đẹp đẽ nếu những hạt giống của sự thấu cảm được nuôi dưỡng ngay từ những đứa trẻ.
Yêu thương bản thân
Nghe có vẻ không liên quan lắm, nhưng thật sự là vậy.
Trong một nghiêm cứu của tiến sĩ Brown đã chứng minh, người biết yêu bản thân đồng thời cũng là người có khả năng chấp nhận người khác cao hơn. Họ hiểu rằng mỗi người đều có những vấn đề, nỗi đau riêng và hầu hết mọi người, trong khoảng thời gian nhất định, mỗi người đều đang nỗ lực để vật lộn với những vấn đề của riêng họ. Sự thấu hiểu này giúp họ dễ dàng cảm thông cho người khác hơn là giận dữ và căm ghét.

Việc yêu thương bản thân giúp chúng ta dễ dàng yêu thương người khác hơn, thông qua khả năng tha thứ, chấp nhận, lắng nghe, chia sẻ, ôm áp nỗi đau của chính mình. Mình tin, sẽ dễ dàng hơn rất nhiều khi làm điều gì đó cho người khác nếu chúng ta học được cách làm nó với bản thân.
HIỂU NGƯỜI ĐỂ GIÚP MÌNH
“Người không biết cảm thông không chỉ từ chối thách thức tiến vào tâm trí người khác, họ còn cảnh giác trước việc bước chân vào trí tưởng tượng tròn vẹn của tâm trí mình.”
Khả năng thấu cảm tạo ra sự kết nối, giúp bạn nhận ra vấn đề của bản thân, giúp bạn hiểu mình hơn. Thấu cảm giúp con người trở nên vị tha hơn, không ích kỷ, hướng đến cộng đồng nhiều hơn và giảm các nguy cơ mắc bệnh về tâm lý. Thấu cảm còn giúp chúng ta trở thành một người tốt hơn, tránh khỏi những mâu thuẫn không cần thiết, có được sự cân bằng trong cuộc sống, hiểu mình, hiểu người và giữ sự kết nối giữa bạn với xã hội.
Leave a Reply