Trong nhiều bài viết liên quan đến self-love và healing trước đây, mình thường nhắc nhiều đến khả năng chấp nhận – chỉ khi chấp nhận, chúng ta mới có thể thật sự chữa lành. Nhưng tại sao cần học cách chấp nhận? Bài viết hôm nay sẽ giải đáp!
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng trải qua những giai đoạn khó khăn và mất mát. Những trải nghiệm đó có thể tạo nên vết thương không thể xoá mờ, khiến bạn không ngừng tự hỏi: “Tại sao tôi phải chịu đựng đau khổ?”, “Tại sao cuộc đời bất công với tôi?” “Những nỗi đau này khi nào mới kết thúc?“,v.v – những câu hỏi mang tâm lý nạn nhân đó hình thành khi chúng ta không thể chấp nhận sự thật, cố gắng né tránh hay ức chế cảm xúc thay vì can đảm đối mặt.
Chấp nhận, là cho phép bản thân được buồn
Trong bài viết Nhận diện và chữa lành chấn thương tâm lý, mình từng nhắc đến cơ chế tự vệ của những người từng gặp chấn thương – Họ luôn tìm cách né tránh nỗi đau và kiếm chế những cảm xúc buồn bã để bảo vệ chính mình khỏi cơn đau và tổn thương về mặt tinh thần. Tuy nhiên, bằng cách phủ nhận và né tránh, nỗi đau sẽ không thể biến mất, ngược lại còn trở nên trầm trọng hơn.
Nếu bạn đang buồn, đừng bao giờ tự nhủ rằng “mình phải vui lên”, điều đó không có ý nghĩa gì ngoài việc bạn đang tự kiềm nén cảm xúc của mình. Hãy cứ cho phép mình được buồn, được khóc, được yếu đuối – được nhìn nhận mình như một con người bình thường, cũng có những cảm xúc bình thường.
Việc “nhận diện” được nỗi buồn của bản thân là một bước quang trọng trong quá trình chữa lành, khi ta có sự tự nhận thức về cảm xúc của chính mình. Vì vậy, thay vì né tránh, ta học cách chấp nhận cảm xúc đó và dành chỗ cho chúng được tự do tỏ bày.
Chấp nhận, là học cách tha thứ
Chúng ta sẽ không thể hạnh phúc nếu trong lòng luôn tồn tại những câu hỏi không có câu trả lời. Tại sao? Tại sao lại là tôi? Tại sao người đó phản bội tôi? Tại sao họ xúc phạm tôi?, v.v. Hãy học cách tha thứ, cho chính mình và cả người khác. Tha thứ ở đây không có nghĩa là chối bỏ những gì đã xảy ra, tha thứ là lựa chọn thay đổi góc nhìn về những gì mình đã, đang và sẽ đối mặt.
- Thừa nhận rằng mình không thể thay đổi người khác, để thôi trói buộc mình trong những khổ đau – khi cố gắng để thay đổi những thứ không thể thay đổi.
- Quan sát nhưng không phán xét, để chấp nhận người khác như họ vốn là, hiểu đằng sau mỗi hành động chưa tử tế rất có thể đến từ một trải nghiệm quá khứ khổ đau.
- Lựa chọn một thái độ khác – đón nhận mọi chuyện xảy ra theo cách, nó nên là việc xảy ra để ta học được bài học cần học.
Cuộc sống sẽ luôn có những giai đoạn khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực để vượt qua. Ở mỗi giai đoạn như vậy, chúng ta cần chấp nhận những điều khó chấp nhận, tha thứ những điều khó có thể thứ tha. Nhưng khi học được cách chấp nhận và tha thứ người khác rồi, mình tin bạn sẽ có cơ hội để chấp nhận và tha thứ cho chính mình nhiều hơn. Đó là khi bạn nhận thức được rằng, bạn không phải là người duy nhất cảm thấy đau khổ và bất hạnh chỉ là một phần của cuộc sống, điều mà bạn cần trải qua để có thể hiểu mình hơn.
Chấp nhận, là can đảm để đối diện
Đối diện với nỗi đau của chính mình chưa bao giờ là một việc dễ dàng và cần rất nhiều can đảm để có thể “chạm” vào vết thương. Đó là khi bạn buộc phải băng qua màn đêm tăm tối, can đảm đối mặt với những bóng tối nội tâm của mình – những con quái vật tiêu cực đang ẩn nấp đâu đó đằng sau vỏ bọc “an ổn” bên ngoài, lột từng lớp vỏ ra và bước từng bước đến với ánh sáng của trí tuệ và tình thương yêu.
Can đảm thừa nhận rằng mình không hoàn hảo, mình yếu đuối, mình tổn thương, mình không thể tồn tại một mình, đôi khi mình cũng cần sự giúp đỡ từ người khác. Và rồi chấp nhận nó như một phần con người mình. Bởi để yêu bản thân, chúng ta cần học yêu cả phần tối và phần sáng của mình. Đó là dấu hiệu của việc bạn hiểu mình, hiểu cảm xúc của mình để bước một bước xa hơn – chữa lành cho chính mình, và xa hơn nữa, giúp đỡ và chữa lành cho người khác.
Mong bạn học được cách chấp nhận, để yêu thương bản thân một cách trọn vẹn. <3
Leave a Reply