Xa quê lên thành phố học đại học, suốt gần 4 năm, mình không chọn ở với bạn bè hoặc người quen mà ở ghép với người lạ. Năm 2, mình đăng bài tìm người ở ghép và gặp chị – người sống cùng mình lâu nhất trong 4 năm mình ở với 6-7 con người chưa quen biết từ trước.
Tết năm 2018, trước đêm giao thừa, chị nhắn tin bảo mẹ chị bị bệnh, vẫn đang ở viện theo dõi. Mình ở quê, chỉ động viên chị vài câu, rồi thôi. Nghĩ rằng khi lên lại thành phố, ngủ bên cạnh nhau, chị sẽ lại than vãn mình nghe những ngày Tết ở bệnh viện buồn chán như thế nào. Nhưng mình không nghĩ, đời người vô thường là vậy, mấy hôm sau, chị nhắn tin lại, báo mẹ chị mất, một cách đột ngột và không ai ngờ tới. Mình không rõ chị đã phải vượt qua những ngày đầu tiên trước tin dữ đó bằng cách nào. Nhưng những ngày sau đó, mình nhìn thấy rõ bên trong chị ngoài nỗi buồn, còn là sự ân hận, chị tự trách chính mình, vì chưa kịp báo hiếu, chưa kịp làm gì cho mẹ.
Hôm trước mình đọc được một bài viết nói về việc thay con báo hiếu, nó khiến mình bất giấc nhớ đến chị.
Hầu hết chúng ta rất sợ mất đi người thân – là bố, là mẹ. Dù biết ai cũng phải về với cát bụi, nhưng không phải ai cũng sẵn sàng tâm lý đón nhận sự ra đi của người mà mình thương yêu. Nhất là khi bố mẹ rời đi ở cái tuổi chúng ta chưa đủ khả năng lo cho gia đình, chưa kịp làm gì cho bố mẹ, chúng ta hối tiếc và ân hận vì chưa kịp báo hiếu cho bố mẹ. Có lẽ vì thế mà nhiều người xem câu nói “Tốc độ trưởng thành của bạn phải nhanh hơn tốc độ già đi của bố mẹ” là động lực để cố gắng khi còn trẻ.
Khi biết ba bị bệnh, mình cũng có một nỗi sợ tương tự – sợ mất ba, nhưng ẩn sâu trong nỗi sợ mất đi người mình yêu thương, mình sợ chưa kịp làm gì cho ba, sợ ba rời đi nhưng không an vui. Đó là những tháng ngày mình tự giày vò và trách móc bản thân, luôn cảm thấy vô dụng và muốn mọi thứ thật nhanh – học nhanh để ba không còn áp lực tài chính vì lo cho mình, ra trường tìm việc, kiếm tiền nhanh để làm gì đó cho ba.
Nhưng rồi, mình chẳng thể và cũng không chọn làm gì nhanh hơn cả, mình đi theo tiến trình của chính mình. Vì nhận ra rằng, ba chẳng cần con cái phải cho ba gì cả, ba cần mình (và anh em mình) được khỏe mạnh và hạnh phúc thôi. Mình quay về học yêu thương và chữa lành bản thân những ngày sau đó. Và rồi, nỗi sợ mất ba dần tan biến, vì mình đã bình yên và hạnh phúc hơn từng ngày, và vẫn luôn hiện diện, để yêu thương gia đình hơn từng chút.
Thỉnh thoảng, mình vẫn nói với ba mẹ rằng, mình luôn mong ba mẹ có thể sống vì bản thân nhiều hơn, làm gì đó mà ba mẹ thích, đi đến nơi mà ba mẹ muốn, sống cuộc đời của ba mẹ. Là con, mình chứng kiến cả đời ba mẹ đã lăn lộn vất vả ra sao để nuôi tụi mình lớn khôn. Đến khi tụi mình đã lớn, ba mẹ vẫn không ngừng chăm lo từng chút, từng chút. Đó là tình thương mà bất kỳ ai có gia đình cũng may mắn có được.
Mình không muốn đến khi có chút điều kiện, chưa kịp lo cho ba mẹ, chưa kịp đền trả công ơn dưỡng dục của 2 người, chưa thấy ba mẹ được sống cuộc đời của ba mẹ, đã phải chứng kiến sự ra đi của họ. Chắc chắn sẽ rất nuối tiếc. Mình hiểu, người chị ở cùng phòng năm ấy đã và vẫn đang nuối tiếc vì điều đó. Mình tin, cũng sẽ có rất nhiều người con mang nỗi tiếc nuối này. Và có lẽ rất nhiều người khi ba mẹ rời đi trong lòng vẫn thầm mong: “Giá mà mình trưởng thành sớm hơn, hoặc giá mà ba mẹ chịu sống cuộc đời của họ, bớt lo cho con cái khi tụi mình đã có thể tự lập thì tốt biết mấy”.
Đó cũng là lý do mình luôn nỗ lực để sống trọn vẹn cuộc đời mình, để ba mẹ cũng được sống trọn vẹn cuộc đời của ba mẹ.
Nghĩ vậy, để cố gắng vững chãi và tự do hơn, để sống trọn đời mình một cách an vui, khỏe mạnh và hạnh phúc, để ba mẹ có thể yên tâm sống tiếp cuộc đời của họ, vì chính họ, mà không còn vì những đứa con này nữa.
Sau này, mình cũng sẽ không để con cái của mình phải tiếc nuối vì chưa kịp làm gì cho mình. Mình sẽ dạy chúng sống tốt đời chúng, mình chỉ cần như thế. Và khi chúng đã đủ khả năng lo cho bản thân và tự chịu trách nhiệm cho cuộc đời của chúng, nhất định mình sẽ buông tay, để sống tiếp đời mình. Đó là cách thay con báo hiếu mình học được.
Còn bây giờ, mình vẫn sẽ báo hiếu ba mẹ bằng cách sống thật trọn vẹn đời mình.
Bởi khi chúng ta ổn, thật sự ổn từ chính bên trong, chúng ta mới thể quay về để giúp đỡ những người xung quanh mình.
Leave a Reply