Hồi nhỏ mình thích Tết, Tết được nghỉ học, được đưa đi chơi, được mặc đồ mới, được lì xì. Dù đã có khoảng thời gian không thích Tết và muốn nó qua nhanh vì thấy mệt. Nhưng khi rời nhà đi học, đi làm xa, mình lại thấy Tết sao trôi nhanh quá. Ở cái tuổi gần 23, sau hơn 4 năm xa nhà, mình lại mong ngóng Tết từng ngày, chỉ là không còn hồn nhiên, vô lo như xưa nữa. Vì đã hiểu được lo toan của “người lớn”, trong đôi mắt và những nếp nhăn của ba mẹ.
Khi không còn nhiều thời gian, con người ta sẽ biết trân quý đời mình hơn. Mình tin thế. Mỗi năm Tết đến, mình vẫn nhắc bản thân, ba mẹ sẽ còn ít thời gian hơn, để học cách trân quý khoảng thời gian ngắn ngủi những ngày Tết, được ngồi lại bên gia đình. Bởi không ai biết được, lần gặp nào là lần cuối cùng.
Mình thấy có nhiều người đợi Tết, bởi Tết là dịp để trở về nhà sum họp sau tháng ngày “tha phương cầu thực”. Nhưng nhiều khi, trở về lại không hẳn là trở-về, chúng ta ở đó, nhưng chưa thật sự có mặt cùng người thương, chúng ta chưa biết ngồi im lặng bên nhau, nhìn vào mắt nhau, trò chuyện và lắng nghe nhau.
Mình còn thích Tết, vì đó là dịp để làm mới mình – cả trong lẫn ngoài. Dịp để người người nhà nhà làm mới không gian sống, từng ngóc ngách nhà cửa và phố phường. Nhưng việc làm mới cần nhiều hơn những bộ quần áo mới, bộ nail hay mái tóc mới. Đó là cả một quá trình tĩnh lặng – quan sát – lắng nghe và nhìn kĩ, xem cái gì còn bề bộn cần được sắp xếp lại, cái gì làm mình mệt mỏi, nhàm chán để có thể bỏ bớt đi. Đó có thể là những bộ quần áo không còn hợp phong cách nữa, một kiểu tóc đã không khiến chúng ta tự tin hơn, hay những ứng dụng trên điện thoại lấy đi quá nhiều thì giờ của ta, hay một mối quan hệ, một công việc đã làm cho năng lượng của ta sụt giảm vì mệt mỏi, khổ đau.
Tết là cơ hội để nhìn ngắm lại mình. Một năm qua mình đã sống như thế nào? Đã làm được những gì? Đã đi đến những đâu? Đã đi qua cuộc đời của những ai và để lại bài học gì? Có bước đi thật vững chãy hay đã tất bật chạy theo những mong cầu? Và khi có được chúng, mình có thật sự hạnh phúc không? Có còn là mình nữa không? Nhìn lại mọi thứ để thấy, chúng ta bị lấy đi nhiều thứ bởi chiếc điện thoại thông minh, những trang mạng xã hội ta lướt trong vô thức hay lúc đọc và tranh luận về những điều không liên quan đến cuộc đời mình như thế nào. Để hiểu, và trân quý khoảng thời gian ta ngồi lại bên người thân, thay vì cứ bám víu vào những điều vô nghĩa. Bởi đôi khi, sự “có mặt” của mình trong gia đình đã là hạnh phúc rất lớn của ba mẹ rồi.
Hôm nay bạn đã trở về chưa? Trở về quây quần bên mâm cơm gia đình, nắm lấy đôi tay chai sạn của ba mẹ. Về kể nhau nghe những câu chuyện đời thường sau một năm vất vả đang qua và chậm lại, để lắng nghe trái tim nhau, sau bao ngày loay hoay tìm kiếm một bàn tay để sưởi ấm mình. Và rồi thắp lại tình thương tưởng đã cạn dần sau những ngày lòng xa cách.
P/S: Dù biết, Tết sẽ dễ khiến chúng ta mệt mỏi, và trở nên độc hại bởi những câu hỏi: Đã đi làm chưa? Lương bao nhiêu? Có người yêu chưa? Khi nào cưới? Khi nào đẻ? Con trai hay con gái? Nhưng chẳng ai nhắc nhở nhau: Dù vất vả kiếm tiền con cũng đừng quên quan tâm sức khỏe. Khi nào trái tim con lên tiếng, khi có đủ thời gian để quan tâm và yêu thương ai đó, con cứ mạnh dạn mà yêu, tổn thương cũng không sao. Nếu đã đủ chín chắn, đủ tình thương, sự nhẫn nại và thấu hiểu, con có thể lập gia đình. Và con có quyền lựa chọn đón chào thêm một đứa trẻ bất cứ khi nào con sẵn sàng để nuôi dạy nó thành người,… Thay vì chúc mừng và sẻ chia cùng nhau, người ta lại so sánh hơn thua, lại tấn công người khác bằng cách thăm dò, chê bai, dè bỉu, gây áp lực, kỳ vọng sai. Vì họ cũng cần thấy ổn, và đôi khi họ phải làm tổn thương người khác để cảm thấy hài lòng hơn với chính mình.
“Người lớn” cũng có những vấn đề của riêng họ. Chúng ta không thể hiểu tại sao nếu chưa đủ nhìn sâu vào một ai đó. Sẽ có những điều không thể tránh khỏi, nhưng chúng ta luôn có quyền lựa chọn. Chọn “nhận” những điều lành mạnh thay vì độc hại. Chọn “cho” tình thương thay vì hằn học. Và quan trọng nhất vẫn là dành thời gian cho những người thật sự quan trọng.
Chúc mọi người một mùa Tết an vui đúng nghĩa!
Leave a Reply