Mình tin rằng, yêu thương chỉ thật sự có được khi bạn thấu hiểu được những khổ đau bên trong người khác.
Những năm cũ, mình vẫn hay cố tìm câu trả lời về cách con người ta sống – khi ‘may mắn’ gặp nhiều điều chưa tử tế lắm. Mình từng khó chịu ngược lại khi thấy ai đó cáu gắt, giận dữ, tiêu cực, có những hành động bạo lực,…
Nhưng mình quên mất, mình cũng giống như họ, cũng từng có những lúc tức giận, tiêu cực, xấu xí và đôi khi, chưa thật sự tử tế.
Mình nhớ như in lời Thầy mình nói hơn 3 năm trước “Tại sao con không yêu lấy Người đó, Người vẫn đang ôm rất nhiều khổ đau bên trong họ?” khi mình hỏi Thầy về việc làm sao để có thể kết nối với Mẹ. Vì mình từng rất giận mẹ, vì mẹ luôn khó chịu, bảo thủ, hay cáu gắt và đổ lỗi, vì mẹ chẳng hiểu mình. Những năm mới lớn, mình thèm một buổi nói chuyện cùng mẹ như những người bạn, mình khao khát được mẹ ôm vào lòng như đứa trẻ, nhưng không thể. Mình luôn cảm thấy không được lắng nghe và thấu hiểu. Mình đã luôn xa cách mẹ như thế, cho đến khi nghe những lời Thầy nói, mình mới giật mình nhận ra. Mình chưa bao giờ hiểu mẹ cả.
Nhờ câu nói đó và nhiều trải nghiệm sau này, mình trở về để quan sát và học thấu hiểu mẹ. Mình nhìn mẹ như chính mẹ, mà không đòi hỏi mẹ phải thay đổi bất cứ điều gì, mình nhận ra biết bao nỗi đau mẹ đã phải chịu. Mình thương mẹ nhiều, và rồi trong mình khởi sinh ý niệm chữa lành cho mẹ (mình vẫn đang cố gắng để làm điều đó, hiện tại, mẹ và và mình đã thân thiết hơn rất nhiều, riêng điều đó với mình đã là kỳ tích). Hơn hết, mình biết cách thực tập để yêu thương người khác thông qua việc thấu hiểu nỗi đau của họ.
Mỗi một lời nói, hành động của một cá nhân đều được hình thành thông qua những trải nghiệm quá khứ. Người nào chưa dễ thương lắm, chưa bình an, chưa biết cách hành xử, chưa thật sự tử tế,… rất có thể vì quá khứ của họ có nhiều nỗi đau (bố mẹ họ không hạnh phúc, tuổi thơ không vui vẻ, môi trường sống không đủ tốt,…) Để trước khi “dán nhãn” một người với tính cách như thế nào, mình học cách nghĩ về những trải nghiệm quá khứ có thể hình thành nên họ của hiện tại. Để thôi phản ứng và phán xét, để biết chấp nhận và cảm thông. Cuộc đời sẽ cho họ những trải nghiệm đủ lớn để họ thay đổi, hoặc không, họ sẽ mãi mãi tự làm khổ bản thân. Vậy thì, họ đáng thương hay đáng trách? Mình chọn thương.
Khi trái tim của chúng ta nhỏ, hiểu biết và lòng trắc ẩn của chúng ta bị giới hạn, và chúng ta đau khổ. Chúng ta không thể chấp nhận hoặc tha thứ cho những người khác và những thiếu sót của họ, và chúng ta đòi hỏi họ thay đổi. Nhưng khi trái tim của chúng ta rộng mở, những thứ đó sẽ không còn khiến chúng ta đau khổ nữa. Chúng ta có nhiều hiểu biết và lòng trắc ẩn hơn và có thể đón nhận những người khác. Chúng ta chấp nhận con người thật của họ và khi đó, họ có cơ hội để thay đổi. – Thầy Thích Nhất Hạnh
Chúng ta không thể cho thứ mình không có, chúng ta không thể mang đến hạnh phúc cho người khác khi bản thân bạn chưa biết cách hạnh phúc. Vậy nên, để có thể học được bài học thấu hiểu, việc có thể làm ngay lúc này, chính là quay về nuôi dưỡng hạnh phúc của riêng mình, nuôi dưỡng khả năng yêu thương của chúng ta. Bằng cách chấp nhận con người mình như mình vốn-là, học cách yêu và chữa lành bản thân mình.
Nhưng như vậy đã đủ chưa? Mình từng chia sẻ tại bài viết Học cách ứng xử với bản thân rằng, để có thể yêu thương bản thân trọn vẹn, ta cần học giao tiếp với chính mình (self-talk) và để giao tiếp tốt, chúng ta cần thực hành vòng tròn Tôn trọng – Lắng nghe – Thấu hiểu. Tình yêu thương dành cho người khác cũng tương tự. Có tôn trọng mới có lắng nghe, có lắng nghe mới có thấu hiểu, có thấu hiểu mới có yêu thương. Học Tôn trọng – Lắng nghe – Thấu hiểu, để yêu thương.
Thấu hiểu, chỉ đơn giản là việc ta biết mình chỉ là một hạt cát nhỏ giữa vũ trụ bao la, người khác hay chính bản thân ta đều như nhau, tất cả đều chỉ đang tự đấu tranh với chính mình để tìm về hạnh phúc chân thực. Và như một lẽ tự nhiên, ta đến với đời không phải để hơn thua, để giận hờn, trách móc hay cảm thấy bất hạnh. Ta đến, để hạnh phúc, để yêu và được yêu.
Leave a Reply