6 dấu hiệu bạn có “đứa trẻ” bên trong bị tổn thương

BLOG, Viết để tốt hơn (Reflect & Grow)

Mục lục

Trong bài viết “Đứa trẻ” nào đang ở bên trong bạn? mình từng chia sẻ về những “đứa trẻ” bị tổn thương từng ở bên trong mình. Qua quá trình học hỏi, trải nghiệm mình đã nhận diện được những đứa trẻ đó và từng bước chữa lành chúng. Nhưng mình biết, không phải ai cũng biết cách nhận diện những “đứa trẻ” đó, nếu họ không dừng lại quan sát và quay vào bên trong chính mình.

Thực chất “đứa trẻ” bên trong cũng chính là bạn, chúng sống bên trong bạn và giúp bạn kết nối với chính bạn và với thế giới bên ngoài. Vì vậy, đứa trẻ bên trong luôn cần được quan tâm đúng mực. Mình nghĩ, làm việc với đứa trẻ bên trong là một hành trình cần nhiều can đảm, đòi hỏi chúng ta phải thực hành nghiêm túc và đi sâu vào chính mình. Bởi một khi nhìn về quá khứ khi còn là một đứa trẻ, cũng là lúc chúng ta nhận ra rằng mình đã có những tổn thương như thế nào. Và không phải ai cũng đủ khả năng để đối diện với những nỗi đau và bóng tối nội tâm của mình, để chấp nhận và chữa lành chúng.

Nhưng trớ trêu thay, nếu không đối diện và chấp nhận, chúng ta mãi mãi sẽ không thể thoát ra những khổ đau và tổn thương đó. Dù cho bạn nghĩ là mình đã làm được, nhưng một lúc nào đó bất chợt, nếu bạn chưa đi sâu vào mình, “đứa trẻ” tổn thương lại xuất hiện rồi làm đau bạn. Và nếu chúng ta không ổn từ bên trong, thế giới xung quanh chúng ta – những mối quan hệ với gia đình, bố mẹ, con cái, bạn bè, người yêu,… tất cả đều sẽ không ổn. Bạn có muốn một cuộc sống như thế? Mình tin chắc là không.

Inner Child Healing - Dr. Jenner Therapy Online

Bài viết này, mình chia sẻ về 6 dấu hiệu cho thấy có thể bạn đang có đứa trẻ tổn thương bên trong. Nếu bạn có một hoặc nhiều trong những dấu hiệu dưới đây, hãy xem xét sự nghiêm túc trong việc chăm sóc đứa trẻ bên trong mình nhé!

1. Bạn luôn muốn làm hài lòng người khác

Bạn luôn lo lắng người khác sẽ không thích mình, bởi bạn cần một cảm giác “thuộc về”. Ở một xã hội sống theo văn hoá tập thể, được đồng thuận chính là yếu tố quyết định sự “sống còn”. Vì nếu không thuộc về một nơi nào đó, bạn sẽ thành kẻ lập dị, thậm chí bị tẩy chay.

Bạn có xu hướng bỏ qua nhu cầu của bản thân, và cho rằng ý kiến của người khác quan trọng hơn. Bạn nhìn sắc mặt và thái độ của người khác để đứa ra quyết định của mình. Bạn thường xuyên nói lời xin lỗi, ngay cả khi vấn đề không phải do bạn gây ra và không biết cách từ chối (nói KHÔNG), dù cho bạn có suy nghĩ, quan điểm trái ngược đám đông.

How To Stop Being A People Pleaser And Learn To Say No | HuffPost Life

Rất có thể, “đứa trẻ” này có mặt xuất phát từ nguyên nhân bạn được dạy rằng “Ý kiến của riêng bạn không ổn” hoặc bạn bị đánh mắng khi cố gắng lên tiếng hoặc hành động khác với người lớn hơn. Trải nghiệm quá khứ buộc bạn phải làm hài lòng người khác, nếu không muốn bị trừng phạt hoặc bị cho là khác người 🙂

2. Bạn sợ bị bỏ rơi

Bạn có thường lo lắng rằng những người trong cuộc sống của bạn cuối cùng sẽ rời bỏ bạn không? Bạn có cảm thấy mình không xứng đáng được yêu thương và trân trọng không? Mình thì từng có. Đó chính xác là “đứa trẻ” đã ở bên trong mình rất lâu, cho đến khi mình bị bỏ rơi thật và chỉ còn lại mình với chính mình.

Nỗi sợ bị bỏ rơi khá phổ biến và cũng là nguyên nhân khiến nhiều mối quan hệ bị phá vỡ. Bởi những hành vi và hành động của chúng ta với các mối quan hệ hiện tại là kết quả của những nỗi sợ hãi trong quá khứ, khi bạn từng bị bỏ bê về mặt cảm xúc hoặc tinh thần. Vì sợ bị bỏ rơi, bạn dễ dàng phụ thuộc vào người khác, bạn cố gắng thu hút sự chú ý và ủng hộ, bạn luôn khát khao nhận được sự quan tâm, tình yêu từ mọi người.

3. Bạn khó tin tưởng người khác

Đây là cho là một trong những dấu hiệu của chấn thương tâm lý, khi bạn luôn cảm thấy bất an và cảnh giác với ý định của người khác. Vì quá khứ từng gặp nhiều tổn thương như bị lừa dối, ngược đãi, bạo hành,… bạn cố xây dựng một rào cản về sự tin tưởng như một cơ chế bảo vệ bản thân.

Khi cố giữ niềm tin rằng mọi người sẽ làm tổn thương mình bạn né tránh được những người lừa dối bạn, nhưng cũng đồng thời ngăn cản bạn đến gần những người thực sự yêu mến mình. Điều này vô tình dẫn bạn đến sự cô độc và khó có thể có được hạnh phúc thật sự.

4. Bạn gặp vấn đề về cảm xúc

Bạn dễ dàng phản ứng hoặc xúc động trước một sự vật, sự việc nào đó. Bạn cũng khó điều khiển, kiểm soát cơn tức giận của mình, dễ dàng khóc, cố gắng né tránh mâu thuẫn hoặc sụp đổ khi cãi nhau.

Angry Customer? 8 Ways to Defuse the Situation | Inc.com

Những cảm xúc tiêu cực và thái quá xuất hiện khi đứa trẻ bên trong bị kích hoạt, đứa trẻ từng bị bỏ bê về mặt tinh thần khi một nhu cầu nào đó ở quá khứ không được đáp ứng hoặc bạn phải sống trong sự bất công, thường xuyên bị chỉ trích, chế nhạo, phán xét, so sánh bởi người lớn.

5. Bạn liên tục chỉ trích bản thân và thường có cảm giác tội lỗi thái quá

Một đứa trẻ thường bị bố mẹ trách móc và la mắng chẳng hạn như: con là một đứa trẻ hư, hậu đậu, lười biếng, học dốt,…sẽ nghĩ rằng người khác không ủng hộ hoặc luôn chỉ trích mình. Điều này để lại cho chúng cảm giác tội lỗi không đáng có.

VICTIM BLAMING – TÂM LÝ ĐỔ LỖI CHO NẠN NHÂN VÀ HỆ QUẢ

Bạn thường chỉ trích bản thân, tự coi thường, phán xét và so sánh bản thân mình với người khác. Nếu làm điều gì đó sai, bạn cũng đều nghĩ rằng lỗi là do mình. Bạn cũng cảm thấy có lỗi khi cho phép mình tận hưởng một điều gì đó tốt đẹp như một chuyến du lịch hay một món giá trị. Tệ hơn, bạn không chỉ hạ thấp bản thân mình mà đôi khi còn có thể bạo ngược và trở nên ích kỷ như một cơ chế phòng thủ, và thậm chí có xu hướng làm nhục người khác như một lá chắn để bảo vệ chính mình.

6. Bạn gặp khó khăn trong việc chấp nhận và buông bỏ

Trong những năm tháng tuổi thơ, vì còn quá nhỏ, chúng ta không có quyền lựa chọn và thay đổi những điều xảy ra xung quanh, ngoài chịu đựng. Những chấn thương tâm lý hình thành ở giai đoạn đó khiến chúng ta mang theo “tâm thế nạn nhân” khi trưởng thành.

Trước những sự việc không như ý, bạn thường có xu hướng đổ lỗi và cho rằng mình là nạn nhân của mọi đau khổ, bất hạnh trong cuộc đời. Bạn cố gắng né tránh, phủ nhận những đau khổ và luôn tỏ ra là mình ổn, mình mạnh mẽ và không cần ai quan tâm, thay vì thật sự chấp nhận và buông bỏ chúng.

Con người luôn gặp khó khăn trong việc buông bỏ đau khổ. Với nỗi sợ hãi về những điều bất định, họ chọn chịu đau khổ trong những thứ quen thuộc. – Thiền sư Thích Nhất Hạnh.


Mình tin, khi làm việc với “đứa trẻ” bên trong ngoài phải đối diện với nỗi đau, chúng ta cũng nhận được rất nhiều niềm vui, kết nối được với sự hồn nhiên, vô tư và tự do của chính mình. Vậy nên, cứ đi rồi sẽ đến, bạn nha. Nhận diện và chữa lành những “đứa trẻ” chắc chắn giúp mối quan hệ với bản thân trở nên sâu sắc hơn, qua đó, bạn có thể chấp nhận và yêu thương chính mình trọn vẹn hơn. <3

be freedom,

Tâm Thương.

– Tâm Thương

Post Tags:

error: Content is protected !!