7 bài học sau 2 năm làm việc tự do (freelancer)

BLOG, Làm việc tự do (Freelance To Freedom)

Mục lục

Tháng 4/2022, mình quyết định chuyển sang làm freelancer full-time giữa vô vàn nỗi sợ.

Sẽ là nói dối, nếu nói hơn 2 năm qua mình chưa từng nhìn lại quyết định này. Không ít lần mình từng nghĩ, nếu không trở thành freelancer thì mình sẽ làm gì? Mình đang ở vai trò nào?

Như những ngày gần đây, khi công việc chồng chất và những dự định cá nhân tồn động, mình đã tự hỏi: Liệu con đường này có đúng đắn? Và rồi mình nhận ra, hành trình 2 năm vừa qua thật ý nghĩa và đáng để trải nghiệm với những bài học quý giá.

1. Không có sự tự do nào miễn phí

Nếu muốn sống ổn với cuộc sống freelancer, muốn được làm việc ở đâu vào thời điểm nào tuỳ thích, bạn buộc phải đánh đổi. Đó có thể là cơ hội thăng tiến, là một mức lương ổn định, là những mối quan hệ từng thân thiết, là sự kết nối xã hội, là những giai đoạn làm việc không có cuối tuần,…

Bạn cần hiểu điều này trước khi bắt đầu để biết công việc tự do có phù hợp với bản thân hay không, tránh vỡ mộng về sau hoặc không chịu được áp lực xã hội mà bỏ cuộc sớm. Bởi vì, freedom is not FREE – không có sự tự do nào miễn phí cả!

2. Kỷ luật bản thân phải đặt lên hàng đầu

Trước khi làm tự do, mình từng nghĩ freelancer rất sướng vì không có ai quản lý, áp lực duy nhất chính là chỉ tiêu hoặc thời hạn của khách hàng. Nhưng sự thật là, nếu không có kỷ luật cá nhân thì không gì đảm bảo mình có thể sống tốt khi làm tự do.

Kỷ luật cá nhân là việc mình biết tự sắp xếp, lên kế hoạch để hoàn thành công việc đúng timeline của khách hàng, tạo thời gian biểu làm việc và cam kết hoàn thành mục tiêu đã đề ra, tránh tình trạng nước tới chân mới nhảy. Kỷ luật còn là gạt bỏ những ham muốn thường nhật như ngủ nướng, xem Netflix hay ai rủ cũng đi chơi. Thỉnh thoảng, kỷ luật cá nhân còn là ở việc sắp xếp công việc trong dài hạn để đảm bảo các lịch trình khác như vui chơi, giải trí sẽ không ảnh hưởng đến công việc đã cam kết với khách hàng.

3. Chủ động, chủ động và chủ động – “Keyword” của freelancer

Nếu vẫn đang loay hoay tìm kiếm khách hàng hay thu nhập còn bếp bênh, nghĩa là mình cần phải nhìn nhận lại bản thân. Mình đã đủ năng lực làm freelance chưa? Mình mang lại giá trị gì cho khách hàng? Mình networking tốt chưa?

Biết bản thân thiếu ở đâu để chủ động bù đắp ở đó. Bù đắp xong rồi thì chủ động tìm kiếm khách hàng, đề xuất phương án và mang lại giá trị thực cho họ.

Nếu cứ ngồi yên chờ khách hàng tự tìm đến mình thì.. không có đâu! Nếu không tin, bạn có thể thử dạo một vòng các cộng đồng freelancer trên Facebook, chỉ một bài đăng tuyển freelancer đã có hàng trăm người vào xin JD rồi.

4. Hãy làm việc bằng cả cái tâm

Nếu chưa đủ tầm thì ít nhất phải có tâm. Nhiệt tình, chân thành với khách hàng/ đối tác và luôn sẵn sàng hỗ trợ tốt nhất trong khả năng của mình. Dù là việc nhỏ nhất, cũng hãy làm tới cùng và có trách nhiệm với nó.

Đây là điều mình luôn tâm niệm khi làm freelancer. Bởi mình hiểu:

Khách hàng có thể không theo sát công việc, nhưng họ luôn âm thầm theo dõi và đánh giá năng lực & thái độ của mình. Nếu mình không có lợi thế cạnh tranh, mình sẽ bị thay thế bất cứ lúc nào.

5. Freelancer ơi, đừng dậm chân tại chỗ!

Mình biết có nhiều freelancer nhận nhiều dự án cùng một lúc để làm, nhưng phần lớn chỉ là dự án nhỏ lẻ. Vì một freelancer không thể đảm nhận công việc của cả một phòng marketing được.

Dù nhiều dự án có thể mang lại mức thu nhập tốt, nhưng đó là “cái bẫy” khiến bạn dậm chân tại chỗ. Hãy tỉnh táo để đừng mắc bẫy, cố gắng học hỏi và trau dồi kỹ năng, kiến thức mỗi ngày để tự tin đảm nhận các dự án lớn hơn (cùng team).

Dù đã làm việc trong ngành Content Marketing gần 7 năm, mình vẫn đang tiếp tục tham gia các khóa học và hoàn thiện các kỹ năng khác nhau: Thiết kế trang web, content viral, thiết kế hình ảnh, chỉnh sửa video, tối ưu SEO, chạy quảng cáo,… Thậm chí, nếu cảm thấy năng lực của bản thân đang còn hạn chế, mình cũng không ngần ngại quay lại công việc văn phòng để học hỏi thêm.

6. Không ai làm freelancer cả đời đâu!

Nếu mình muốn phát triển bền vững với công việc tự do, bạn không thể cứ nhận vài ba dự án nhỏ lẻ rồi nhận lương từ khách hàng mãi được. Bởi vì, những dự án nhỏ lẻ sẽ mang lại mức thu nhập bấp bênh và không thể thăng tiến. Chưa kể, đến một lúc chúng ta sẽ bị đào thải bởi các bạn trẻ giỏi và năng động hơn.

Bạn phải “xây” cái gì đó của riêng mình, bằng chính chuyên môn của mình. Bạn có thể chọn quản lý một team như agency; hoặc tự xây dựng doanh nghiệp với sản phẩm/ dịch vụ riêng: khoá học, bản tin, sách, ebook, dịch vụ tư vấn,… Đây sẽ là bước đệm để bạn bước xa hơn trên hành trình tự do thực sự.

7. Làm gì có thứ gọi là “cân bằng” hay “work-life balance”

Làm việc tự do tưởng có nhiều thời gian để cân bằng cuộc sống, nhưng nếu không có kế hoạch cụ thể thì một ngày trôi quá rất nhanh và bạn sẽ phải bù đầu chạy deadline ngay sau đó.

Muốn vừa làm vừa chill, bạn phải chấp nhận thu nhập thấp hoặc tạm đủ. Muốn thu nhập cao thì buộc phải làm, làm và làm (hoặc ít nhất biết giao việc cho người khác làm – cái này cũng phải học nha). Vì vâyj, mỗi thời điểm hãy xác định cho mình một ưu tiên khác nhau, hãy cứ cân nhắc kỹ mà lựa chọn.

Kết 

Ừ thì có lúc mình đã lung lay vì lựa chọn của bản thân, nhưng nếu không có quyết định đó, có lẽ đã không có mình của ngày hôm nay. Ngày mà mình không còn cảm thấy mệt mỏi và trống rỗng mỗi tối đi làm về, không còn đặt những câu hỏi như “Tại sao mình phải sống ở đây?”, “Lên chức cao hơn rồi sao nữa?”, “Mình sống vì điều gì?” v.v

Bởi vì mình biết mình có một giấc mơ đẹp cần phải thực hiện, một ngôi nhà riêng cần phải xây.

Nếu bạn vừa bắt đầu hành trình làm tự do hay đang mong muốn trở thành freelancer, mình hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có thêm góc nhìn để bền bỉ tiến đến mục tiêu.

be freedom,

Tâm Thương.

– Tâm Thương

Post Tags:

error: Content is protected !!