Chúng ta có thể mất một khoảng thời gian rất lâu, thậm chí cả đời để trả lời cho câu hỏi Mình là ai? Có những người đến khi trở về với cát bụi cũng không biết mình là ai. Chúng ta nghe rất nhiều người nói và cả tiếng nói bên trong chúng ta thường nhắc nhở rằng, hãy là chính mình. Nhưng chúng ta đôi khi hoặc chưa bao giờ hiểu là chính mình là như thế nào?
Trước khi đặt câu hỏi mình là ai hay hãy là chính mình là như thế nào, sẽ tốt hơn nếu bạn nhận ra rằng, mình đang cố gắng trở thành ai?
Phần lớn chúng ta vẫn thường tự so sánh bản thân với người khác, khi xã hội ngày càng phát triển và thông tin liên tục được đưa ra, chúng ta dễ bị cuốn vào những vòng xoáy của sự so sánh hơn thua, của những ghen ghét, đố kỵ, tủi hờn trong lòng mà đôi khi chúng ta vẫn không nhận ra điều đó hoặc cố trốn tránh bằng cách hạn chế đối diện với chính mình. Khi nhìn lại và quan sát đủ, sẽ dễ dàng nhận ra, chúng ta thường đưa ra những lựa chọn lựa trên những mong muốn vốn không hoặc ít/ rất ít thuộc về chúng ta. Có thể chúng xuất phát từ mong muốn làm hài lòng bố mẹ, để bù vào sự thiếu hụt tài chính hoặc vì địa vị, danh tiếng mà lựa chọn đó mang lại. Và chỉ khi “lạc lõng” giữa con đường đó, ta mới nhận ra nó không phù hợp với mình.
Thực chất, chúng ta đều đang bị ảnh hưởng bởi những “driver” – những “mệnh lệnh” ta nhận được từ những người xung quanh trong suốt quá trình trưởng thành từ thời thơ ấu đến hiện tại mà chúng ta cũng không hề hay biết.
Có 5 “driver” phổ biến:
- Phải trở nên hoàn hảo
- Phải mạnh mẽ
- Cố gắng lên
- Khẩn trương lên
- Làm hài lòng mọi người
Phải trở nên hoàn hảo
Những ngày bé, chúng ta đều là những đứa trẻ được người lớn dạy rằng phải ngoan ngoãn, không được khóc nhè, không được làm ồn,… ta vốn đã không được sống đúng nghĩa là một đứa trẻ. Lớn hơn một chút, chúng ta lại tiếp tục được nhắc nhở về việc phải chăm chỉ học tập, phải biết cái này cái kia, phải hơn con ông A, bà B,… ta không biết mình thích gì, ta không được tự do theo đuổi cái mình thích, chỉ đơn giản vì người lớn bảo nó “không tốt”. Đến khi trưởng thành, khi cuộc sống có thêm vô số những áp lực, chúng ta lại phải chạy đua để theo đuổi tiến độ công việc, bạn bè, gia đình hay những tiêu chuẩn của xã hội. Sự “hoàn hảo” đeo bám chúng ta trong hành trình từ một đứa trẻ đến khi trưởng thành và cũng có thể kéo dài đến cuối đời (nếu ta không nhận ra mình đang sống cuộc đời của người khác, không phải ta). Để khi muốn đưa ra một quyết định nào đó, ta luôn tìm cách để làm sao nó được thực hiện một cách tốt nhất (hoặc được nhiều người ủng hộ) mà quên đi điều gì mới là quan trọng nhất, điều gì mới là điều mình mong muốn làm nhất.
Phải mạnh mẽ lên
“Không sao đâu”, “Đừng khóc nữa” , “Đừng làm lớn chuyện lên”, “Đứng yếu đuối nữa”,… Nhiều đứa trẻ (child và cả inner child) vẫn thường nghe những người xung quanh nói những “yêu cầu” như thế này, phải trưởng thành, phải mạnh mẽ, không được phàn nàn, phải có trách nhiệm. Sự “cổ vũ” đó về lâu dài có thể biến thành tiềm thức trong mỗi người. Ta sợ người khác thấy điểm yếu của mình, ta luôn cố gắng làm tất cả mọi điều, ta không cho phép mình được yếu đuối, ta phải mạnh mẽ,…
Nỗ lực để trở thành một người mạnh mẽ không sai, đó là người chủ động, sẵn sàng đương đầu với những khó khăn, nhưng, cũng có thể, họ sẽ lao đi như một mũi tên thẳng tắp mà không thắc mắc điều gì, họ không biết hoặc bỏ quên cả những nhu cầu của bản thân, như việc được bày tỏ lòng mình một cách không giấu diếm hay quyền được yếu đuối khi cần sự giúp đỡ.
Cố gắng lên
Biết bao lần người khác nói với bạn, cố gắng lên, rằng bạn sẽ làm tốt hơn nữa, bạn phải tìm cách thích nghi, bạn phải cố gắng để đạt được điều đó,… đến mức quên mất mình là ai? Bạn từng là đứa trẻ cố gắng để đứng đầu lớp, cố gắng để nhận những giải thưởng, cố gắng để thầy cô giáo vui lòng bởi bố mẹ bạn muốn thế hay bạn nghĩ mình muốn như vậy? Bạn từng cố gắng để đạt được những thành quả, có được những lời khen, vượt qua rất nhiều người, dành lấy tình cảm từ ai đó,… nhưng mặc cho có cố gắng đến kiệt sức, bạn luôn thấy những gì mình làm là chưa bao giờ đủ? Bạn tự tạo cho mình vô số áp lực và ép mình phải cố gắng hơn nữa, rồi bất chợt nhận ra, cuộc đời mình bỗng hóa vô nghĩa, vì những gì mình cố gắng để làm không phải vì mình.
Khẩn trương lên
Trong suốt thời thơ ấu, đứa trẻ là chúng ta luôn được hối thúc phải “Nhanh lên”, “Muộn rồi”, “Đi ngay bây giờ”, “Đừng dậm chân tại chỗ nữa, tiến lên đi”,… Thời gian vô tình trở thành áp lực khiến ta phải luôn ở trong một cuộc đua, những “đứa trẻ” đó bây giờ vẫn luôn cố làm mọi thứ thật nhanh chóng, vì sợ mình đang làm mất thời gian; nó nhanh chán, thiếu kiên nhẫn với một chủ đề, một con đường nào đó trong một cuộc đua “thời gian” không có điểm kết thúc, nó cố lấp đầy khoảng thời gian trống trãi của mình bằng những công việc không đầu không đuôi; nó muốn mọi thứ “nhanh lên” nhưng thay vì “chậm lại” để nhìn sâu thẳm xem bên trong mình muốn và cần gì, nó lại luôn mang theo sự lo lắng và sợ hãi, vì không kịp mất thôi. Nhưng kịp cái gì bây giờ?!
Làm hài lòng người khác
Mỗi ngày thức dậy, đa phần chúng ta đã và đang sống một cuộc sống chỉ quan tâm những gì người khác nghĩ về mình. Từ khi là một đứa trẻ cho đến hiện tại, ta cố gắng làm hài lòng bố mẹ, người thân, bạn bè, người yêu, đồng nghiệp, hàng xóm và cả những người đang tương tác với ta qua mạng xã hội. Rằng nếu ta làm gì đó không đúng ý người lớn, ta sẽ là đứa trẻ hư; rằng nếu ta nói ra ý kiến của mình một cách thẳng thắng, ta là một kẻ khác biệt ; rằng nếu ta không đồng ý làm điều này, là ta không tôn trọng mối quan hệ đó, rằng khi ta mặc bộ trang phục này, đi đôi giày này, người khác sẽ đánh giá ta như thế nào,…Chúng ta nỗ lực làm cho mọi người xung quanh mình cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc để được yêu quý và công nhận. Nhưng, ai quan tâm bạn? Họ còn đang bận quan tâm chính mình!
Bạn có đang nghe theo “mệnh lệnh” của các driver trên? một hay cả năm? Chúng ta đều đang cố gắng trở thành ai? Bạn muốn trở thành những người đó, hay đi tìm chính mình để trả lời cho câu hỏi mình thật sự là ai?
Đừng quên, bạn luôn có nhiều sự lựa chọn hơn bạn tưởng.
P/S: Bài viết được mình lấy idea từ một phần nhỏ trong cuốn sách IKIGAI của tôi