Ê có khi nào, viết cũng là một nghệ thuật?

BLOG, Để viết tốt hơn (Better Writing)

Mục lục

Và người viết cũng là một nghệ nhân?

Vừa qua, mình có thời gian tham gia workshop Ê có khi nào, viết cũng là một nghệ thuật? do CLB MarHub tổ chức. Thật ra mình không biết CLB này, mình follow 2 diễn giả nên mình biết đến workshop và tham gia, vì mình mê cả 2 – anh Huỳnh Vĩnh Sơn và chị Hạ Chi.

Tại buổi workshop, có 2 câu hỏi mình cực kỳ ấn tượng, hôm đó mình cũng được nghe những câu trả lời rất thú vị từ anh Sơn, chị Chi và các bạn sinh viên tham dự. Mình chia sẻ dưới đây, bạn thử dành vài phút tự trả lời câu hỏi trước khi đọc tiếp nha 😀

Câu hỏi đầu tiên, nếu ví bạn là một đồ vật/ phụ kiện nào đó trên người, thì đó sẽ là gì và tại sao?

Là người rất ít mang theo phụ kiện (nói đúng hơn là không có), đồ vật thì chỉ có laptop, điện thoại, sổ, bút và son. Nghĩ mãi không ra cái gì giống với mình thì lúc nhìn xung quanh lại thấy đôi giày đang mang ngay trước mặt, ờ nè, mình cũng giống đôi giày đó. Mình nhìn đôi giày và liên tưởng đến chính mình, đó có thể là sự trải nghiệm, là tự do, là can đảm.

Nhiều bạn cũng có những câu trả lời thú vị như giống chiếc điện thoại – vì điện thoại có nhiều màu sắc, cá tính, kết nối được với mọi người,… Hoặc giống chiếc sổ, chiếc bút – vì bạn thích học hỏi, thích viết,… Còn với anh Sơn, anh thấy mình là hình xăm trên tay, vì nhìn nó thì cháu anh sẽ nhớ tới anh :)))

Trong marketing, đây gọi là phương pháp liên tưởng ngẫu nhiên, giúp tìm ý tưởng cực xịn. Mọi người tìm hiểu thêm về phương pháp này trong video Suối nguồn ý tưởng của anh Thái Học nhé.

Câu hỏi thứ 2, rapper là những người chơi chữ rất hay, nhưng liệu rapper có đang làm công việc liên quan đến viết?

Câu trả lời của một bạn sinh viên là . Vì những bài nhạc rapper sáng tác là một hình thức truyền tải nội dung, con chữ của họ cũng có ý nghĩa riêng. Còn theo anh Sơn, thì là không. Họ là nghệ sĩ sẽ đúng hơn, công việc của họ và sáng tác và biểu diễn, họ có thể chơi chữ tốt, vì điều đó giúp bài rap của họ hay và thu hút hơn.

Nhưng với nghề viết, đâu phải lúc nào chúng ta cũng chơi chữ? Chưa kể, chơi chữ nhiều chưa chắc mang lại kết quả tốt. Đặc biệt, người làm copywriting hay content writing không phải chỉ biết chơi chữ, họ cần biết nhiều hơn một việc là viết. Ngoài viết, người làm nghề viết cần nhiều hơn thế, đó là kiến thức về marketing, về branding; tìm hiểu về target audience, nghiên cứu insight của họ, của thị trường, sản phẩm; kỹ năng biên tập,….

Nhiều người nghĩ viết chỉ đơn giản là viết, viết là việc mà ai cũng làm được. Nhưng là người trong nghề, bạn phải chứng minh được cái mình viết sẽ mang lại giá trị như thế nào cho thương hiệu/ doanh nghiệp. Có như vậy, người khác mới hiểu đúng và đủ về viết và không mua nó với giá rẻ, bạn cũng không còn cảm thấy cái nghề này nghèo.

Hi vọng chúng ta – những người trong nghề viết đều học được cách tôn trọng nghề của mình và không ngừng nỗ lực để chứng minh vai trò của bản thân.

Mình xin đúc kết thêm vài bài học nhận được sau buổi workshop:

1. Ý tưởng sẽ đến vào một lúc chúng ta không ngờ nhất, và đến theo cách này hoặc cách khác. Vì vậy, đừng áp lực chuyện phải liên tục có ý tưởng, chỉ cần luôn tìm tòi, học hỏi, quan sát và cảm nhận. (Nói thế chứ lúc mình cần nó không tới cũng bực ạ :v).

2. Một người viết chuyên nghiệp sẽ không bao giờ có những thắc mắc như làm cách nào để hiểu đối tượng khách hàng mà mình đang tiếp cận và viết đúng insight của họ? (ví dụ người giàu sẽ có trải nghiệm như thế nào, người già thật sự cần gì,…). Vì nếu chuyên nghiệp, bạn sẽ luôn có cách tìm ra câu trả lời. Có thể là tìm hiểu về những thứ họ quan tâm, có thể là phân tích những chiến dịch đã thành công từ trước, có thể là quan sát thói quen, hành vi của họ,…

3. Ai rồi cũng sẽ có lúc chán và muốn…bỏ nghề. Yên tâm đó là điều thường xuyên diễn ra, khi bí ý tưởng, khi không còn muốn viết, khi nghề viết bị xem thường,… Nhưng chỉ cần kiên định và thật sự đủ đam mê, thì cái chán đó nó cũng qua nhanh thôi. Chị Chi nói, suốt những năm làm nghề viết, chị chưa bao giờ phải đói, mọi người yên tâm là nghề này sống được, nếu không muốn nói là sống tốt. Vì bạn biết đó, viết mang lại cho chúng ta nhiều giá trị hơn là tiền. Mà với cá nhân mình, đó còn là cách mở rộng tư duy, giúp mình thấu hiểu bản thân và người khác hơn,…

4. Thay vì hỏi người khác làm sao để cải thiện kỹ năng viết, hãy tự hỏi bản thân, bạn đã viết mỗi ngày hay chưa? Còn nếu bạn hỏi mình học gì để viết, thì mời bạn tham gia chương trình Content A-Z của mình để tìm hiểu nhen 😉

Cuối cùng, mọi người cho mình hỏi: Ê có khi nào, viết cũng là một nghệ thuật? 😀

– Tâm Thương

Post Tags:

error: Content is protected !!