“Làm thế nào để có khách hàng khi làm freelancer?”
Đây là câu hỏi mình nhận được nhiều nhất từ các bạn newbie (người mới). Khi mới bắt đầu và chưa có nhiều kinh nghiệm, các bạn thường gặp phải khó khăn trong quá trình tìm kiếm khách hàng, đặc biệt là khi thị trường ngày càng cạnh tranh “một m2 có 10 người làm freelancer” như hiện nay.
Với hơn 2 năm làm freelancer trong lĩnh vực Content Marketing, mình đã đúc rút một lộ trình tìm kiếm khách hàng dành cho newbie và cả những bạn đã có kinh nghiệm. Mình tin nếu bạn kiên trì áp dụng, bạn sẽ có được những khách hàng chất lượng và dài hạn. Cùng mình tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây nhé!
1. Hiểu bản chất của Content Marketing
Nhắc tới “làm content”, nhiều bạn vẫn nghĩ đó là ngồi viết bài và đăng tải trên website hoặc các nền tảng mạng xã hội.
Tuy nhiên, content (nội dung) không chỉ là viết, mà là thông điệp được truyền tải qua nhiều hình thức nội dung khác nhau gồm: chữ, hình ảnh, video, infographic,….
Content Marketing (tiếp thị nội dung) là sản xuất và phân phối các nội dung giá trị, phù hợp và nhất quán đến các đối tượng tiềm năng nhằm thu hút, giữ chân và thúc đẩy hành động của họ. Nói ngắn gọn, quá trình tiếp thị nội dung có thể giúp doanh nghiệp gia tăng sức ảnh hưởng và tạo ra doanh số.
2. Luyện viết, luyện viết và luyện viết
Chuyện quan trọng phải nhắc 3 lần, dù bạn theo đổi hình thức nội dung nào (text, video) thì nên nhớ: tất cả đều bắt đầu từ viết!
Vậy nên, hãy dành thời gian đầu luyện viết để cải thiện kỹ năng và tư duy viết hiệu quả. Một số nguyên tắc quan trọng các bạn newbie cần lưu ý khi luyện viết là:
Học đúng ngữ pháp tiếng Việt
Mình gặp rất nhiều trường hợp (không chỉ newbie) hay đặt dấu chấm câu không đúng chỗ, câu văn không có chủ ngữ hoặc thiếu bối cảnh. Đây là một trong những lỗi phổ biến và nghiêm trọng nhất mà bạn cần tránh.
Cách viết đúng ngữ pháp tiếng Việt đơn giản nhất là: đọc thật to câu vừa viết xong và trả lời các câu hỏi:
- Ai đang làm gì? (với những câu chứa hành động)
- Đọc xong có bị hụt hơi không?
- Câu này có gây khó hiểu cho người đọc không?
Học sử dụng từ vựng linh hoạt
Điều tạo nên sự khác biệt giữa các bài viết hay và bài viết bình thường/ bài viết dở là khả năng khơi gợi cảm xúc của từng bài viết.
Khả năng cảm xúc được thể hiện thông qua cách chúng ta khiến người đọc liên tưởng được điều gì đó hoặc một cảm xúc nào đó. Và để làm được điều này, bạn cần có khả năng sử dụng từ vựng linh hoạt. Hãy bắt đầu học bằng cách bổ sung vốn từ qua đọc sách và các chủ đề tương tự nội dung bạn đang viết.
Cùng một cách diễn đạt, nhưng từ vựng khác nhau sẽ tạo cảm giác khác nhau, ví dụ: “chúng tôi mang đến ưu đãi cho bạn” và”chúng tôi mang đến ưu đãi đặc biệt dành riêng cho bạn”. Bạn đã thấy sắc thái khác nhau rồi chứ?
Học sử dụng văn phong marketing
Rất nhiều bạn chọn trở thành người viết nội dung (content writer) do có năng khiếu viết văn từ nhỏ. Tuy nhiên, viết content và viết văn rất khác nhau rất nhiều. Điều khác biệt lớn nhất là mục đích marketing của từng thể loại.
Văn phong marketing là gì? Bạn có thể hiểu đó là cách bạn dùng ngôn ngữ để tạo ra chuyển đổi.
Văn phong của bạn phải phù hợp với khách hàng tiềm năng (người đọc), phù hợp với mục đích của doanh nghiệp (xây dựng thương hiệu, bán hàng, tăng tương tác,…). Với mỗi nhóm người đọc và mục đích khác nhau, bạn cần thay đổi văn phong để đáp ứng được mục tiêu đề ra.
Thay vì viết văn cảm thụ, cảm nhận, phân tích,… hãy đặt vai trò bạn là khách hàng và hình dung: Mình sẽ muốn đọc nội dung như thế nào? Đâu là nội dung thuyết phục mình tương tác/ mua hàng? v.v
3. Chủ động tìm kiếm khách hàng
Thị trường freelancer hiện tại khá “thượng vàng hạ cám”, nhiều newbie sẵn sàng nhận các công việc trả thù lao thấp để lấy kinh nghiệm. Điều này có thể giúp các bạn trong thời gian đầu, nhưng cũng góp phần làm thay đổi quan điểm về nghề content theo hướng tiêu cực. Khách hàng sẽ nghĩ làm content dễ, lương content rẻ bèo,… Lâu dần, bạn khó có thể tìm được khách hàng trả lương xứng đáng với công sức bạn bỏ ra.
Vậy nên, mình không khuyến khích bạn lao đầu đi tìm job khi còn là newbie. Thay vào đó, hãy làm những việc sau để khách hàng tin tưởng lựa chọn bạn và trả thù lao tương xứng:
- Tạo các dự án giả lập (blog, website, kênh social): Bạn có thể sản xuất nội dung và đăng tải trên các nền tảng này để thể hiện năng lực của bản thân.
- Xây dựng uy tín cá nhân: Xuất hiện nhiều hơn ở các cộng đồng chuyên môn, chia sẻ về kinh nghiệm thực tế của mình để tăng tiếp cận và kết nối với các chủ doanh nghiệp.
- Đề nghị làm miễn phí để học hỏi kinh nghiệm. Tuy nhiên, bạn cần nói rõ chỉ làm miễn phí trong 1-3 tháng, sau đó nếu bạn làm tốt và chứng minh năng lực thành công, chủ doanh nghiệp cần trả mức phí x triệu/ tháng cho bạn.
Sau khi hoàn thành các dự án trên, bạn đừng quên tạo một portfolio ấn tượng và chia sẻ nó để gia tăng cơ hội hợp tác cùng khách hàng mới sau này nhé!
4. Duy trì mối quan hệ với khách hàng
Để giữ chân được khách hàng, bạn không phải chỉ viết tốt thôi là đủ. Một số mẹo để khách hàng cảm thấy bạn có đầu tư vào dự án là:
- Đảm bảo làm đúng deadline, đúng trách nhiệm.
- Chủ động báo cáo và đề xuất giải pháp cho khách hàng, đừng đợi khách hỏi
- Hỏi khách hàng cần mình hỗ trợ/ cải thiện điều gì và tặng thêm giá trị cho khách hàng.
Khi quyết định làm freelancer, bạn cần hiểu rõ và phải có mindset “Khách hàng tìm đến mình vì họ cần mình để phát triển. Mình là chuyên gia và là đối tác chứ không phải nhân viên của họ. Hãy luôn trao đi giá trị cần thiết để cả hai cùng phát triển”.
Bên cạnh đó, bạn hãy cho khách hàng nhiều lựa chọn. Ngoài kỹ năng viết, bạn có thể học thêm kỹ năng thiết kế ảnh, viết kịch bản hay làm podcast để đề xuất một giải pháp trọn gói cho khách hàng.
Ví dụ: Mức phí cho một bài viết của bạn là 100.000Đ, hãy offer khách “anh/chị chỉ cần thêm 50,000đ là vừa có ảnh vừa có bài”. Như vậy là bạn đã nâng giá trị của bản thân rồi đó! Đặc biệt, những nội dung như vậy nên bán theo gói, điều này sẽ giúp bạn tăng thu nhập đáng kể đấy!
Kết
Lời cuối, dù bạn đã có khách hàng hay chưa cũng đừng quên liên tục trau dồi bản thân. Muốn phát triển bền vững và có thu nhập ổn định khi làm freelancer, chúng ta buộc phải học hỏi và phát triển không ngừng.
Trên đây là lộ trình tìm kiếm khách hàng cho newbie freelancer. Bạn có thể sẽ cần học nhiều kỹ năng cứng lẫn kỹ năng mềm để đáp ứng công việc này. Nghe có vẻ phức tạp, nhưng mình làm được và bạn cũng thế.
Hy vọng bài viết này đã vạch ra một con đường rõ nét hơn cho bạn trên hành trình trở thành freelancer. Nếu bạn cần hỗ trợ, thì mình có chương trình đào tạo có thể giúp bạn đi nhanh và trúng đích hơn tại đây.