Sống như một cái cây

Cái cây chẳng phải làm gì, trừ việc sống khỏe mạnh và tươi tắn, nhưng vẫn khiến ta thấy dễ chịu. Khi bạn sống như cái cây đó và lan tỏa làn sóng tươi mới, bạn đã giúp giảm bớt sự khổ đau của những người khác rồi.


– Thầy Thích Nhất Hạnh

Mình cũng từng mơ ước được làm ông này bà nọ, như bao đứa trẻ khác lớn lên ở xã hội Việt, mình từng định nghĩa thành công là đậu đại học, có việc làm ổn định, có nhà xe hay số tiền lớn để lại cho con cháu. Nhưng càng lớn lên, càng tìm về chính mình, mình hiểu rằng, sự an-ổn, mới là tài sản quý giá nhất mà mỗi người cần có, phải có. Mà nếu không hoặc chưa có, chúng ta phải học cách nuôi dưỡng và làm đầy chính mình.

Trong mắt những người xung quanh, mình khá ích kỷ và bất cần, mình thừa nhận điều đó. Vì mình đang sống cho bản thân, nhiều. Mình giữ vững quan điểm rằng khi và chỉ khi bản thân thật sự ổn từ bên trong, khi tìm thấy ý nghĩa của việc sống và được sống, khi hạnh phúc và tự do, mình mới có thể quay về chăm lo cho gia đình và những người xung quanh. Bởi mình hiểu, một người đang đau không thể nào quan tâm đến vết thương của người khác.

Khi những người được chúng ta yêu quý gặp vấn đề lớn, như bị tâm thần, bị chấn thương tâm lý hoặc nghiện ngập thứ gì đó, cảm giác sẽ vô cùng đau đớn. Vậy chúng ta có thể làm gì để giúp những người ở trong hoàn cảnh khó khăn mà không bị choáng ngợp bởi vấn đề của họ?

– Đừng nghĩ quá nhiều về việc phải làm ngay điều gì đó cho người khác – cần phải đặt vấn đề cuộc sống của bản thân mình lên trước. Cuộc sống của bạn phải an lành, phải vui vẻ, hạnh phúc. Khi đó bạn mới có thể hành động để tạo ra niềm vui và hạnh phúc. Bởi vậy, trước tiên bạn phải tập trung vào việc rèn luyện cuộc sống của mình. Sống sao thật tươi vui, thật an lành. Sống quan tâm tới người khác. Sống hào phóng và biết cảm thông. Đây là các nguyên tắc cơ bản.

(Trích trong một bài phỏng vấn Thiền sư Thích Nhất Hạnh)

Đã không dưới 2 lần mình nói với ba mẹ, “hãy sống cuộc đời của ba mẹ”. Với mình, việc ba mẹ khoẻ mạnh và hạnh phúc với chính cuộc đời họ, không dính mắc đến cuộc đời của con cái, đã là món quà quý giá nhất mà họ có thể dành cho mình. Mình tập trung sống tốt đời mình, vì tin rằng bản thân khoẻ mạnh, an vui và tự do cũng là món quà lớn nhất dành cho ba mẹ. Hơn hết, đó là món quà mình muốn trao tặng cho con cái mình sau này. “Điều giúp tương lai con cái chúng ta tươi sáng hơn không nằm ở những thứ cha mẹ ‘để lại cho con’ (leave to them), mà ở những thứ cha mẹ ‘để lại trong con’ (leave in them)”. – T. D. Jakes

Lẽ dĩ nhiên, để có thể “để lại trong con” những giá trị tốt đẹp, bản thân mình phải sẵn có những giá trị tương tự. Và vì thế, mình chọn đặt hạnh phúc và sự tự do cá nhân lên trên, mặc kệ điều đó có ích kỷ hay bất cần. Mình muốn thế hệ sau không còn là nạn nhân của những tổn thương bên trong cha mẹ chúng. Muốn chúng trưởng thành trong tình yêu thương và tự do, để chúng được là chính bản thân chúng, sống cuộc đời của chúng mà không phải chạy theo những tiêu chuẩn xã hội đã dựng nên. Muốn chúng hiểu rằng chúng luôn có những giá trị đủ lớn, để xứng đáng được tôn trọng, được thương yêu và hạnh phúc, bất kể trong tay chúng không có tài sản nào.

Trong hành trình tìm về sự tự do đích thực, mình vẫn thường xuyên nhắc nhở bản thân hãy sống như một cái cây khoẻ mạnh và tươi tắn, vững vàng và bình yên. Từ đó, dìu dắt những đứa trẻ của mình lớn lên, biết cách tận hưởng đời mình, để đứa trẻ hiểu rằng chúng có quyền được tự do lựa chọn con đường riêng, có quyền được khác biệt, miễn chúng an ổn với lựa chọn đó và đủ khả năng chịu trách nhiệm cho mọi kết quả đến sau. Và để sống như một cái cây thật chẳng dễ dàng chút nào, khi không phải ai trong chúng ta cũng can đảm dừng lại nhìn cuộc sống và những khoảng tối của mình thật chậm, học cách chấp nhận và thương mình đúng cách, trước khi thương yêu người khác.

Không có thấu hiểu , không thể yêu thương. Chúng ta chẳng thể yêu thương những đứa trẻ, khi chưa hiểu chúng. Chúng ta chẳng thể hiểu những đứa trẻ, khi chưa hiểu mình. Hiểu mình, chính là hiểu người, rằng tất cả chúng ta đều có những trải nghiệm quá khứ cần được chữa lành. Hiểu mình, chính là hiểu bản chất của cuộc sống và những nỗi đau còn hiện diện đâu đó bên trong chính mình. Từ đó học được cách làm bạn với cảm xúc tiêu cực, để ôm ấp những vết thương của mình bằng cách lắng nghe và chấp nhận, rồi ngưng vòng lặp trao truyền nỗi đau cho người khác, đặc biệt là những đứa trẻ.

Chúng ta nên làm gì được cho nhau, ngoài việc trao thêm cái khổ cho nhau? Trước khi trả lời câu hỏi đó, mình mong bạn hãy học sống như một cái cây. Chỉ cần mỗi người bạn sống như cái cây và lan tỏa làn sóng tươi mới, chúng ta đã giúp giảm bớt sự khổ đau của những người khác rồi!

be freedom,

Tâm Thương.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!