Tại sao nên chúng ta nên chăm sóc sức khoẻ chủ động?

BLOG, Viết để tốt hơn (Reflect & Grow)

Mục lục

Ai cũng hiểu rằng: sức khoẻ là rất quan trọng, sức khoẻ mất đi không thể lấy lại được. Nhưng không phải ai cũng đủ khả năng từ bỏ những “thú vui” đã và đang huỷ hoại sức khoẻ của mình.

Như thế nào là chăm sóc sức khoẻ chủ động?

Bản thân mình ý thức được tầm quan trọng của sức khoẻ và hiểu rằng, khi sức khoẻ suy giảm chúng ta sẽ mất đi gần như toàn bộ cơ hội được trải nghiệm và sống tự do. Vậy nên, chưa bao giờ muốn bản thân bị bệnh, đúng hơn mình không muốn mình phải phụ thuộc vào thuốc hay bất kỳ phương pháp trị bệnh nào. Và để khoẻ mạnh dài lâu, mình đã và đang học cách chăm sóc sức khoẻ chủ động.

Chăm sóc sức khoẻ chủ động là việc kết hợp các thực hành nhỏ hàng ngày để có thể đáp ứng các nhu cầu về thể chất, tinh thần và cảm xúc.

person wearing knit cap facing mountain

Chúng ta không thể có một cơ thể khoẻ mạnh, nếu chỉ tập thể dục một cách ngẫu hứng, không có lộ trình và sự đều đặn. Chúng ta không tự dưng sinh ra những cảm xúc tiêu cực, dễ dàng cáu gắt hay khó chịu với những gì diễn ra xung quanh mình. Đây là kết quả của việc chúng ta không chăm sóc tâm mình mỗi ngày, bằng việc lắng nghe và kết nối với những cảm xúc bên trong,… Bạn hiểu ý mình chứ? Chăm sóc sức khoẻ chủ động là việc kết hợp các thực hành nhỏ hàng ngày để cả thân – tâm – trí đều khoẻ mạnh.

Bệnh tật không tự nhiên sinh ra, mà từ thói quen hàng ngày chúng ta

Sức khoẻ là nền tảng cơ bản của một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc và là cơ sở quan trọng để mỗi người thực hiện mục tiêu, sứ mệnh của mình. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta đều không có thói quen chăm sóc sức khoẻ. Cụ thể:

Không luyện tập đều đặn

Nhiều người, đặc biệt là người trẻ thường bỏ bê việc luyện tập vì lười biếng và nghĩ rằng chưa cần thiết (mình còn trẻ khoẻ mà, lo gì!). Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, những ai thường xuyên tham gia vào các hoạt động thể dục thể thao có thể giảm thiểu nguy cơ bị bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư và nhiều bệnh khác từ 20% đến 30%. Ngoài phòng ngừa bệnh tật và giúp cơ thể khoẻ mạnh, việc luyện tập đều đặn mỗi ngày ít nhất 30 phút còn tiết ra hooc-mon hạnh phúc, giúp tinh thần chúng ta trở nên tích cực và vui vẻ hơn.

Chế độ dinh dưỡng không lành mạnh

Nhiều người quan niệm “sống để ăn” nên thường ăn vô tội vạ, họ ăn bất cứ thứ gì họ thấy ngon mà không quan tâm bên trong món ăn đó có gì, ảnh hưởng đến sức khoẻ ra sao. Nhưng thế thì không khác nào tìm cách phóng thật nhanh đến một cái đích thật xa mà lại đi bằng một con xe có động cơ bị hỏng hóc. Dù bạn có năng lực lái điệu nghệ cỡ nào, mà xe của bạn rơi bánh ra ngay khúc cua nguy hiểm thì bạn cũng chết. Cái xe đó chính là cơ thể bạn. Vì vậy, muốn khoẻ mạnh hãy xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh ngay từ hôm nay.

Bạn đón đọc các bài viết tiếp theo của mình về chủ đề ăn uống lành mạnh nhé!

burger with fries

Ngủ sai cách

Mỗi một độ tuổi khác nhau thường có thời gian ngủ khác nhau, phù hợp với thể trạng và tâm sinh lý. Nhưng dù là lứa tuổi nào, chúng ta đều nên đi ngủ trước 12 giờ đêm. Khung giờ ngủ lý tưởng theo độ tuổi để bạn tham khảo:

  • Người cao tuổi trên 60 tuổi: ngủ 5,5 ~ 7 giờ/ ngày.
  • Người lớn từ 30 đến 60 tuổi: ngủ khoảng 7 giờ/ ngày.
  • Những người trẻ tuổi từ 13 đến 29: ngủ khoảng 8 giờ/ ngày.
  • Trẻ em từ 4 đến 12 tuổi: ngủ từ 10 đến 12 giờ/ ngày.

Ngoài ra, bạn cũng cần quan tâm đến tư thế ngủ và những điều nên/không nên làm trước khi ngủ. Mình sẽ chia sẻ chi tiết ở những bài viết sau nha!

Làm việc quá sức

Có những người quan niệm rằng khi trẻ thì nên tập trung hết tâm lực cho sự nghiệp nên thường bỏ bê những khía cạnh xung quanh cuộc sống, điển hình là sức khoẻ thể chất và tinh thần. Một cách đơn giản để kiểm tra xem bạn có đang làm việc quá sức hay không là tự hỏi chính mình: Một ngày bạn dành bao nhiêu giờ để làm việc? Bao nhiêu giờ để ngủ? Bạn có tập trung khi làm việc không? Bạn có thường xuyên đứng dậy dãn cơ trong thời gian làm việc không?…

Sử dụng chất kích thích

Cà phê, trà, thuốc lá, rượu bia,… đều là những chất kích thích cho chúng ta cảm giác sảng khoái, tỉnh táo một cách tạm thời. Khi sử dụng chất kích thích quá nhiều và phụ thuộc vào nó, sức khoẻ của bạn sẽ sớm báo động.

Chưa quan tâm đến sức khoẻ tinh thần

Nhắc đến sức khoẻ, mọi người thường chỉ nghĩ đến sức khoẻ thể chất mà quên mất rằng, sức khoẻ tinh thần cũng quan trọng không kém. Chúng ta còn trốn tránh nói đến sức khoẻ tinh thần của mình, vì nghĩ rằng “chẳng ai quan tâm đến nó” hay “ai cũng có vấn đề của riêng mình thôi”. Như việc bạn bị ốm nặng, bạn có thể xin nghỉ phép dễ dàng. Nhưng khi tinh thần bất ổn, bạn vẫn đến công ty và làm việc một cách bình thường, vờ như mọi chuyện vẫn ổn. Lâu dần, chúng ta gần như bỏ bê sức khoẻ tinh thần và cứ để cảm xúc tiêu cực gặm nhấm mình, từng chút, từng chút một.

Phụ thuộc vào thuốc

Khi bị bệnh, chúng ta thường mua thuốc tây để uống vì cho rằng “uống thuốc sẽ khỏi bệnh”. Thậm chí, chỉ bị cảm nhẹ chúng ta cũng mua thuốc. Điều này khiến bạn phụ thuộc vào thuốc, và khi không có thuốc sẽ không chịu được.

orange and white medication pill

Đã rất nhiều năm rồi, mình không còn uống thuốc khi ốm vặt nữa. Vì theo thống kê, cơ thể con người có khả năng tự bảo vệ sức khỏe lên đến 31%, cơ thể chính là “bác sĩ” chữa bệnh hoàn hảo nhất. Bằng cách chủ động phòng tránh bệnh, nâng cao sức khỏe, tự chăm sóc khi gặp phải những vấn đề trên cơ thể đơn giản,… chúng ta hoàn toàn có khả năng giải quyết mọi vấn đề sức khỏe mà không cần dùng thuốc. Chưa kể, thuốc không hề chữa lành bệnh mà chỉ giúp bạn giảm các triệu chứng bằng cách làm gián đoạn hệ thống cảm giác từ não bộ đến cơ quan nội tạng và các mô bằng các hoá chất hoá hoạ có hại cho cơ thể.

Chăm sóc sức khoẻ chủ động để.. tự do?

Trước khi trả lời câu hỏi này, mình sẽ liệt kê một số yếu tố giúp tăng cường sức khỏe thân – tâm – trí (well-being hay hạnh phúc tổng thể) của chúng ta:

  • Sự tôn trọng trong các mối quan hệ
  • Cảm giác thân thuộc bên cạnh những người thân yêu
  • Công việc cho bạn cảm hứng, động lực
  • Không bất an tài chính
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Chế độ ăn uống dinh dưỡng
  • Ngủ đủ
  • Hệ thống niềm tin vững chắc
  • Sở thích thú vị, tạo ra niềm vui
  • Lòng tự trọng lành mạnh
  • Các mục tiêu thực tế và có thể đạt được
  • Ý thức về mục đích sống và ý nghĩa cuộc đời
  • Khả năng thích ứng với sự thay đổi
  • Sống trong một xã hội tự do, tôn trọng quyền con người

Các yếu tố trên có mối quan hệ với nhau, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thân – tâm – trí của mỗi người. Mình lấy ví dụ, một công việc ý nghĩa không chỉ tạo ra tiền mà còn là một khía cạnh trong mục tiêu lớn của bạn và có thể mang lại giá trị cho người khác. Nếu công việc không cho bạn niềm vui, cảm hứng hoặc cảm giác mình có giá trị, bạn chỉ đang “tồn tại” để làm việc và kiếm tiền. Trong khi những người theo đuổi các mục tiêu ‘bên ngoài’ như tiền bạc và danh vọng thường lo lắng, chán nản và không hài lòng với cuộc sống của mình. Thì những người coi trọng các mục tiêu ‘nội tại’ như mối quan hệ thân thiết với những người thân yêu, sức khoẻ tổng thể sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều.

selective focus of gray pile of rack

Bạn thấy đấy, nếu không chăm sóc sức khoẻ chủ động chúng ta sẽ rất dễ mất cân bằng trong cuộc sống và rất dễ phụ thuộc vào người khác. Cơ thể yếu ớt thì phụ thuộc vào thuốc, tinh thần trì trệ thì phụ thuộc vào những động lực ảo, những niềm vui ngắn hạn bên ngoài,… Sự phụ thuộc, về bản chất là mất tự do. Vậy nên, mình muốn khoẻ mạnh cả thân – tâm – trí để đạt đến tự do. Và đó cũng là lý do mình học cách chăm sóc sức khoẻ chủ động và chọn viết về well-being.

Cơ thể và tâm trí của mình chỉ có một. Chúng sẽ dần mất đi theo năm tháng, và tốc độ chúng mất đi hoàn toàn phụ thuộc vào thói quen hàng ngày của chúng ta.

Ai rồi cũng sẽ chết, nhưng cái chết không bệnh tật bao giờ cũng thoải mái hơn (hẳn rồi!). Ngay cả khi còn sống, chẳng ai muốn mình nằm trên giường bệnh và trở thành một kẻ vô dụng. Vậy nên, hãy chủ động chăm sóc bản thân bằng việc kết hợp các thực hành nhỏ hàng ngày để có thể đáp ứng các nhu cầu về tinh thần, thể chất và cảm xúc của bạn ngay từ bây giờ. Đừng quên, sức khoẻ là nền tảng cơ bản của một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc và là cơ sở quan trọng để mỗi người thực hiện mục tiêu, sứ mệnh của mình.

be freedom,

Tâm Thương.

– Tâm Thương

Post Tags:

chăm sóc bản thân, chăm sóc sức khoẻ, wellbeing, yêu bản thân

error: Content is protected !!