Hầu hết những bạn content newbie đều chia sẻ với mình họ gặp ít nhất 1 trong 5 khó khăn này.
Trên quãng đường dài phát triển trong lĩnh vực content marketing, ai ai cũng sẽ gặp phải những khó khăn ngay từ khi mới bắt đầu. Mình cũng không ngoại lệ. Nhưng tất cả đều là những bài học “xương máu” mà mình và bạn cần phải ghi nhớ để trau dồi năng lực chuyên môn và phát triển sự nghiệp bền vững.
1. Bí ý tưởng
Việc viết cho một sản phẩm, dịch vụ từ ngày này qua tháng nọ khiến bạn cạn kiệt ý tưởng, loay hoay không biết làm thế nào để nội dung mình tạo ra không bị lặp lại/ nhàm chán?
Thú thật là, ngày trước mình cũng từng gặp vấn đề tương tự. Bây giờ thỉnh thoảng vẫn gặp, nhưng vì đã có giải pháp nên nó không còn là vấn đề nữa. Giải pháp thì đơn giản thôi, hãy:
Tạo ra một kho ý tưởng
Ý tưởng thường xuất hiện bất cứ khi nào, đó có thể là khi bạn đang tắm, nấu ăn, lái xe hay đang đọc sách. Ý tưởng cũng có thể đến từ bất kỳ đâu, trong các cuộc trò chuyện, khi bạn đọc sách báo, một câu hỏi bạn nhận được từ khách hàng,…
Các ý tưởng như một suy nghĩ, đến và đi rất nhanh nên chúng ta thường có xu hướng quên nó. Vậy nên, việc của bạn là phải nhanh tay ghi chú bất cứ suy nghĩ, câu hỏi, chủ đề nào vụt qua trong đầu vào sổ hoặc mục notes trên điện thoại, rồi sử dụng chúng để nhào nặn ra những ý tưởng. Khi bắt tay vào viết bài hoặc lên kế hoạch nội dung, bạn có thể lựa chọn các chủ đề phù hợp trong kho ý tưởng này.
Tái sử dụng nội dung
Sự thật là, khách hàng không thể nhớ hết tất cả nội dung chúng ta đã từng đăng tải. Thay vì cố gắng tạo ra những nội dung mới toanh, hãy đánh giá những nội dung cũ xem đâu là nội dung đang hoạt động tốt hoặc có thể triển khai theo hướng khác. Tận dụng những nội dung sẵn có và tái sử dụng chúng để đăng tải lại hoặc đăng tải lên những nền tảng khác.
Ví dụ: Bạn có một bài blog lọt top Google, bạn có thể chẻ nhỏ bài blog này thành 3 bài post Facebook & 3 video reels chỉ bằng cách thay đổi cách tiếp cận. Vậy là đủ bài đăng cho 1 tuần rồi!
Nghiên cứu xu hướng nội dung
Sử dụng công cụ như Google Trends hoặc BuzzSumo để xác định những chủ đề phổ biến và hot hiện tại. Hoặc tham gia vào các cộng đồng liên quan để theo dõi, “nghe ngóng” xem khách hàng đang quan tâm đến vấn đề nào. Bạn có thể tạo nội dung liên quan đến những chủ đề này.
2. Không biết bắt đầu từ đâu
Đây là câu hỏi mình nhận được nhiều nhất từ các bạn newbie hoặc người làm trái ngành. Chìm trong biển thông tin, kiến thức về content marketing trên internet khiến các bạn hoang mang không biết nên học từ đâu. Nhiều bạn thậm chí đã đọc sách, tham gia các khóa học về content nhưng vẫn loay hoay không biết viết một bài viết thương mại hay SEO như thế nào.
Sẽ rất khó để vạch ra lộ trình phát triển của từng người, vì mỗi người có một xuất phát điểm và ưu – nhược điểm khác nhau, nhưng nếu để đưa ra một giải pháp tối ưu nhất thì gợi ý của mình là: Thực hành viết-mỗi-ngày.
Stephen King từng chia sẻ “Nếu bạn muốn trở thành một người viết, bạn bắt buộc phải làm hai việc: đọc nhiều và viết nhiều”. Ông từng đặt mục tiêu viết 2000 từ mỗi ngày và ông sẽ không dừng lại nếu chưa hoàn thành mục tiêu. Và đó là bí quyết giúp ông trở thành một trong những nhà văn nổi tiếng nhất thế giới.
Tất cả người viết thành công đều nói rằng, họ chẳng có công thức nào đặc biệt ngoài việc VIẾT MỖI NGÀY. Vậy nên nếu bạn muốn trở thành người viết chuyên nghiệp một cách nhanh chóng, thì thật đáng buồn là chẳng có con đường tắt nào cả!
Một số tips để bạn duy trì thói quen viết mỗi ngày (vì mình biết việc này không hề dễ dàng, nhất là khi chúng ta có hàng tá cám dỗ xung quanh):
- Xây dựng lịch trình viết: Hãy lên kế hoạch cụ thể về thời gian bạn dành cho viết hàng ngày. Ví dụ: viết 200 từ vào mỗi buổi sáng trước khi bắt đầu làm việc.
- Tham gia các thử thách viết lách trong các cộng đồng về viết. Bạn có thể tham gia On Writing Daily và viết theo 200 chủ đề có sẵn trong nhóm.
- Thực hành copy-working: Thử chép lại, tiếp thu giọng văn, học cách viết của người viết khác.
- Bắt đầu bằng viết blog cá nhân: Tạo một blog cá nhân để thử nghiệm và cải thiện kỹ năng viết của bạn. Blog cũng giúp bạn xây dựng thương hiệu cá nhân và tạo một ‘portfolio’ chuyên nghiệp về sau.
3. Không biết cách đánh giá chất lượng nội dung
Bạn không biết thế nào là một bài viết chất lượng, hiệu quả? Bạn không biết làm sao để biết nội dung mình viết đã đủ tiêu chuẩn để sử dụng hay chưa? Bạn không biết cách phản biện với khách hàng để bảo vệ nội dung mình đã viết?
Đó là những vấn đề rất nhiều Content Writer, Copywriter hay cả Freelance Writer gặp phải khi viết nội dung thương mại. Hiểu được điều này, mình đã tạo một bảng checklist để các bạn newbie có thể tự đánh giá, tự biên tập và nâng cao chất lượng bài viết. Nếu bài viết của bạn đảm bảo được những tiêu chí trong checklist này, mình tin kỹ năng viết nội dung của bạn cũng sẽ cải thiện đáng kể. Bạn có thể tải checklist tại đây.
Ngoài ra, nếu chưa biết bắt đầu viết như thế nào, bạn cũng có thể sử dụng các công thức viết (copywriting frameworks) phổ biến như: AIDA, PAS, BAB, 4Ps,… để thực hành viết thương mại. Đừng quên đánh giá bản thân qua từng ngày, ngày hôm nay đã tốt hơn ở hôm qua ở điểm nào? Lỗi nào trong lối viết mình đã cải thiện được?.v.v Và tiếp tục phát huy những điểm bạn đã làm tốt nhé!
4. Thiếu kế hoạch nội dung (Content Plan)
Content Plan là một bản kế hoạch mang tính chiến lược, ghi lại cách bạn sẽ thực hiện chiến lược nội dung của mình, các công cụ hỗ trợ và những người tham gia. Một Content Plan bài bản sẽ giúp bạn xác định được định hướng nội dung, số lượng bài viết bạn muốn viết trong tháng, chủ đề bài viết, định dạng, timeline nội dung,…
7 bước lập content plan hoàn chỉnh:
Bước 1: Đặt mục tiêu cho bản content plan
Kế hoạch sản xuất nội dung nên được gắn liền với mục tiêu và chiến lược marketing của thương hiệu. Trước khi tổng hợp ý tưởng vào content plan, bạn hãy thảo luận cùng khách hàng hoặc các bộ phận liên quan để làm rõ mục tiêu (ví dụ: tăng tương tác, xây dựng nhận thức thương hiệu,…) để ưu tiên triển khai những nội dung phù hợp.
Bước 2: Nghiên cứu thị trường và insight khách hàng
4 thông tin bạn cần nghiên cứu trước khi lập content plan gồm:
- Thương hiệu: Ý nghĩa của thương hiệu là gì? Thông điệp và giá trị cốt lõi?
- Sản phẩm/dịch vụ: Sản phẩm/ dịch vụ thương hiệu đang cung cấp là gì? USP của sản phẩm/ dịch vụ? Lý do để khách hàng tin tưởng để mua hàng (Reason to Believe)?
- Đối tượng mục tiêu: Khách hàng của bạn là ai? Tính cách/phong cách sống của họ? Họ đang gặp vấn đề, nỗi đau nào cần giải quyết?
- Đối thủ cạnh tranh: Ai là đối thủ cạnh tranh? Họ có những điểm mạnh – điểm yếu nào? Họ đang có những bước tiến gì mà mình có thể học hỏi?
Bước 3: Xác định thông điệp chính (big idea)
Bạn muốn đối tượng mục tiêu nhớ được điều gì sau khi đọc nội dung của bạn? Bạn muốn hình ảnh thương hiệu trong mắt họ như thế nào?
Bạn có thể xác định thông điệp chính bằng cách trả lời những câu hỏi này. Nên nhớ, để đạt được kết quả tốt nhất thông điệp chính nên thỏa mãn các tiêu chí:
- Chi tiết, đi thẳng vào trọng tâm
- Có sự liên kết với insight khách hàng
- Độc nhất, không nên bị trùng lặp
- Dễ hiểu, dễ nhớ và nhất quán xuyên suốt chiến lược
Bước 4: Xác định Content Direction (định hướng nội dung)
Hiểu đơn giản, định hướng nội dung là những yêu cầu và tiêu chuẩn mà mọi nội dung trong Content Plan cần tuân theo. Các tiêu chuẩn và yêu cầu phổ biến mà bạn cần tuân theo đó là:
- Mục tiêu và các thông tin nghiên cứu (bước 2)
- Chi tiết về thông điệp chính (bước 3)
- Yêu cầu hình thức (bố cục, yêu cầu SEO, giọng văn, v.v.)
- Định hướng hình ảnh (Logo, font chữ, màu sắc, v.v.)
- Tham khảo (nội dung nổi bật của đối thủ)
Bước 5: Tạo pillar và angle cho content plan
Content Pillar hay còn gọi là chủ đề chính được phát triển từ big idea ở bước thứ 3. Đây được coi như “xương sống” đảm bảo các nội dung triển khai về đi đúng định hướng, truyền tải thông điệp nhất quán và phù hợp với mục tiêu của doanh nghiệp.
Sau khi có những Content Pillar (nhóm chủ đề lớn), bạn có thể lên ý tưởng cho các chủ đề nhỏ hơn, các ý tưởng phụ xoay quanh. Đây chính là các Content Angle.
Ví dụ, Content Plan cho thương hiệu thời trang nữ X sẽ có những Content Pillar như:
- Branding: Câu chuyện về thương hiệu X
- Product: Các sản phẩm X cung cấp
- Education: Chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm
- UGC – User Generated Content: Feedback, review của khách hàng
Vậy Content Angle tương ứng với các Content Pillar sẽ là:
Bước 6: Xác định timeline và lên lịch nội dung
Bước 7: Đánh giá và đo lường hiệu quả
Để Content Plan đạt được hiệu quả cao nhất, bạn cần thường xuyên theo dõi và đánh giá trong mỗi bài viết được đưa ra. Sau mỗi giai đoạn, chúng ta cần làm một báo cáo tổng để xem xét nội dung nào được mọi người quan tâm nhiều và có những điều chỉnh phù hợp cho giai đoạn tiếp theo. Quá trình đánh giá bao gồm các công đoạn sau:
- Theo dõi tương tác: bạn cần theo dõi các bài viết và tổng hợp theo tuần hoặc tháng để xem xét phản hồi của khách hàng, các nội dung mà khách hàng quan tâm, tương tác tăng hay giảm.
- Đo lường: sau khi đã có bản tổng hợp, bạn cần đo lường hiệu quả các content hiện tại của mình thông qua mục tiêu ban đầu.
- Điều chỉnh: Sau khi nắm bắt được từng giai đoạn nhất định, bạn có thể có những điều chỉnh trong nội dung phù hợp cho giai đoạn tiếp theo.
5. Khó khăn trong việc tạo thu nhập bền vững
Đây là khó khăn mà các bạn Freelancer thường xuyên gặp phải, cũng là thách thức mà không ít newbie đang phải đối mặt khi bước chân vào lĩnh vực content marketing.
Không khó để thấy rất nhiều nơi tuyển content writer với mức lương thấp (thậm chí cực kỳ thấp). Thị trường content đang dần bão hoà khi ở bất kỳ đâu, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp một content creator. Nhiều nhà tuyển dụng/ doanh nghiệp cho rằng content công việc dễ, vì chỉ viết thôi ai mà chẳng viết được?
Là một người đã từng có suy nghĩ làm content không tiềm năng, không có cơ hội phát triển và sau 6 năm vẫn sống tốt với nghề. Mình có thể khẳng định với bạn, nghề content không hề rẻ và cũng không hề dễ!
Content Writer là một công việc có lộ trình thăng tiến rõ ràng như nhiều công việc khác. Bạn có thể khởi đầu với một vị trí Intern hay Junior, khi tay nghề đủ cứng cáp thì bạn có thể leo lên Senior rồi đến Manager (hoặc Creative Director tại agency).
Nếu ai nói với bạn là content rẻ bèo, vì nó dễ – đó là vì họ chưa bao giờ thật sự làm content. Bởi không phải cứ viết thành bài là thành nghề content. Một Content Writer thực thụ cần học rất nhiều kỹ năng và tư duy quan trọng khác, bên cạnh việc viết. Một bài viết được tạo ra phải trải qua 1001 bước khác nhau, từ nghiên cứu – tổng hợp thông tin về sản phẩm/dịch vụ, xác định đối tượng khách hàng đến tìm kiếm ý tưởng, lập dàn ý, viết, chỉnh sửa – biên tập,…
Điều quan trọng là bạn có vượt qua giai đoạn ban đầu (viết, viết và viết mỗi ngày) để bước lên vị trí cao hơn (lên kế hoạch/ chiến lược) hay không. Mình thấy nhiều bạn bỏ cuộc ngay giai đoạn đầu, vì thấy viết là một công việc nhàm chán. Các bạn không đủ kiên trì để viết từ ngày này qua tháng nọ và thường nghĩ làm sáng tạo phải tạo ra các campaign (chiến dịch) quảng cáo xịn sò. Hoặc các bạn không thật sự viết, mà chỉ sao chép – cắt ghép – chỉnh sửa như một thợ viết không hơn không kém. Vậy thì làm thế nào thu nhập của bạn có thể tăng một cách bền vững?
Để trở thành người làm content “giá cao”, mình vẫn đang cải thiện kỹ năng và tư duy mỗi ngày. Nhưng có những nguyên tắc mình đặt ra khi làm nghề: Không chấp nhận bán rẻ con chữ và tuyệt đối không hợp tác với những khách hàng không xem trọng vai trò của người làm content chân chính.
Nếu bạn là người mới, bạn có thể nhận mức giá rẻ để thực hành và tăng kỹ năng. Nhưng hãy cẩn trọng khi làm việc với những người thuê content giá rẻ, vì rất có thể họ không cần những nội dung chất lượng. Hãy tự hỏi, chúng ta có nên bỏ thời gian để làm việc cùng họ không?
Mời bạn đọc thêm ebook (miễn phí) Lộ trình học viết kiếm tiền từ con số 0 của mình tại đây.
Tạm kết
Trên hành trình trở thành Content Writer/ Content Marketer chuyên nghiệp và tạo ra thu nhập cần rất nhiều sự kiên nhẫn và cam kết. Bạn có thể đối mặt với khó khăn ban đầu, nhưng với ý thức và sự nỗ lực, bạn hoàn toàn có thể thành công.
Nếu bạn đang gặp khó khăn khi làm content, bạn có thể tham gia chương trình Content A-Z của mình để được giải đáp chi tiết. Ngoài cung cấp những kiến thức bài bản, mình còn đưa ra các case-study và bài tập thực tế để giúp bạn cải thiện kỹ năng và lỗi thường gặp.
Hy vọng những chia sẻ của mình giúp quá trình làm content của bạn “dễ thở” hơn. Bạn còn gặp khó khăn nào khác cần mình hỗ trợ? Chia sẻ bên dưới nhé!
be freedom,
Tâm Thương.