Ở bất kỳ mối quan hệ nào: cha mẹ, con cái, bạn bè và đặc biệt là người yêu/ bạn đời, chúng ta đều cần “học” rất nhiều để xây dựng, duy trì và phát triển những mối quan hệ đó. Vậy bằng cách nào để có mối quan hệ như ý và dài lâu? Đây là 6 bài học của mình:
1. Mối quan hệ với bản thân là nền tảng
Chúng ta chưa bao giờ được dạy phải biết dành thời gian cho bản thân và kết nối với chính mình như thế nào. Chúng ta không hiểu rằng, việc kết nối với chính mình sẽ giúp quá trình kết nối được với người khác dễ dàng và sâu sắc hơn. Vì vậy, phần lớn chúng ta lớn lên dễ bị phụ thuộc vào những mối quan hệ xung quanh, từ gia đình đến bạn bè, người yêu; dễ sinh ra những mong cầu và thất vọng nếu không được như mong đợi; dễ mang theo cảm giác cô đơn hoặc cô độc khi không có ai bên cạnh. Chúng ta thường không đủ khả năng để tự nuôi dưỡng sự đủ đầy từ bên trong, cho đến khi đã trải qua ít nhiều những tổn thương và vấp ngã.
Mình đã từng cố tìm kiếm sự công nhận, cố làm hài lòng như khác, luôn thấy thiếu thốn tình yêu thương, thường có cảm giác cô đơn lẫn cô độc,… Cho đến khi nhận diện được những “đứa trẻ” bên trong mình, mình mới học cách quay về để xây dựng mối quan hệ với bản thân. Gần 2 năm qua, mình đã yêu và hiểu bản thân hơn nhiều. Nhờ đó mà mối quan hệ xung quanh mình từ gia đình, bạn bè đến người thương đều tốt hơn.
Chúng ta không thể bắt người khác chăm sóc, yêu thương, chấp nhận, thấu hiểu… mình khi bản thân chúng ta còn chưa làm được điều cho chính mình. Chúng ta không thể có một mối quan hệ bền vững và sâu sắc nếu ta chưa xây dựng được mối quan hệ với bản thân, chưa đủ yêu thương và kết nối với chính mình.
Yêu thương và thấu hiểu bản thân là một hành trình dài và không dễ dàng gì. Nhưng mong bạn hiểu điều đó quan trọng, biết cách quay về với chính mình và luôn vững tin vào con đường bạn đi, để hành trình này thật trọn vẹn, nhé. <3
2. Hãy là chính mình
Dù trong bất kỳ mối quan hệ nào, đặc biệt là tình yêu, là-chính-mình là điều tiên quyết bạn cần nhớ, ngay từ khi bước vào mối quan hệ. Bởi vì điều đó sẽ giúp bạn “loại bỏ” rất nhiều người không phù hợp với bạn để tránh lãng phí thời gian. Đừng bị ám ảnh về cách người khác nhìn nhận về bạn, đừng cố hài lòng mọi người, đừng ép bản thân phải thay đổi sở thích/ nhu cầu của bản thân chỉ để cố gắng hòa nhập, đừng để giá trị bản thân phụ thuộc vào bất kỳ ai. Bạn chỉ cần bộc lộ mình như mình-vốn-là, người phù hợp với bạn sẽ ở lại và tôn trọng mọi thứ thuộc về bạn, vì bạn là chính bạn. Và còn gì tự do hơn, khi bạn được tự do là chính mình trong mối quan hệ đang có?
Trong tình yêu, chúng ta nên được là chính mình, yêu theo cách của mình. Ta yêu và vẫn sống cuộc đời của riêng mình, đó mới là tình yêu.
Nếu bạn chưa thực sự hiểu rõ bản thân để biết là chính mình là như thế nào, hãy quay lại bài học đầu tiên – xây dựng mối quan hệ với bản thân. Bắt đầu từ việc “hẹn hò với chính mình”, tìm ra sở thích của riêng bạn, cách bạn muốn được đối xử, chăm sóc bản thân, tập thể dục, Thiền, đi cà phê, đọc sách, nghe nhạc, xem phim một mình, v.v…. là những cách có thể làm để hiểu hơn về bản thân.
3. Giao tiếp là chìa khóa
Để có thể giao tiếp tốt, việc đầu tiên cần làm là trở thành một người lắng nghe tốt: Tập trung vào đối phương khi trò chuyện, không so sánh, không phán xét, không đánh giá, mở lòng, thấu cảm,… Việc lắng nghe không chỉ dừng lại ở việc tiếp thu những gì người khác nói, mà còn là hiểu và nhận thức đúng đắn về điều đối phương muốn truyền đạt với bạn.
Hãy thẳng thắn và thành thật chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ của mình. Nếu bạn muốn bày tỏ quan điểm của mình, nếu bạn cảm thấy không thoải mái khi nói về một chủ đề nào đó, nếu cảm xúc của bạn bị tổn thương trong một cuộc tranh cãi,… hãy chia sẻ những điều đó với đối phương một cách bình tĩnh, rõ ràng.
Nhớ rằng, không có thắng-thua trong một cuộc trò chuyện, chỉ có tranh luận, để cùng nhau tốt lên. Học cách “hiểu” trước khi mong chờ “được hiểu”, luôn lắng nghe và chia sẻ một cách chân thành, bao dung và tôn trọng đối phương nhất có thể.
Hãy đối xử với người khác theo cách mà bạn muốn được đối xử.
Giao tiếp đúng, là luôn hiện diện, sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và cùng nhau giải quyết mọi vấn đề. Bạn được tự do là mình và người kia cũng vậy, để ngay cả khi cả 2 chẳng cần nói gì cũng không ai cảm thấy gượng gạo, khó chịu hay đơn độc.
4. Đừng cố gắng thay đổi người khác
Mỗi người là một cá thể riêng, có triết lý sống, niềm tin, hệ giá trị, cách suy nghĩ và hành động khác nhau. Ai cũng biết điều đó, nhưng đôi khi chúng ta vẫn khó có thể chấp nhận sự khác biệt của người khác, chúng ta muốn thay đổi họ, cho rằng thế này hoặc thế kia sẽ tốt hơn cho họ thông qua những trải nghiệm và góc nhìn cá nhân của bản thân. Nhưng có thể không? Câu trả lời là không.
Chúng ta không thể thay đổi bất kỳ ai, ngoại trừ chính mình. Học cách chấp nhận người khác như chính con người họ, để mình cũng được như mình vốn-là.
Khi biết tôn trọng, không cố gắng áp đặt hay sửa chữa mọi thứ theo ý mình, chấp nhận người khác như chính con người thật của họ, tôn trọng, bao dung và thấu hiểu. Chúng ta biết chấp nhận sự khác biệt của người khác, bỏ dần “cái tôi” của mình và ngày càng hoàn thiện bản thân hơn thông qua sự tự nhận thức. Theo đó, mối quan hệ cũng trở nên tốt đẹp hơn.
5. Xác định ranh giới cá nhân
Nếu bạn vẫn đang dành thời gian quá nhiều cho những việc/ những người không xứng đáng; đang cố gắng làm hài lòng người khác bằng việc đồng thuận theo ý kiến của số đông; đang mang nhiều sự tiêu cực từ những mối quan hệ xung quanh; đang cố tỏ ra tử tế, tốt đẹp để “được tôn trọng” hoặc cảm xúc đang bị kiểm soát bởi suy nghĩ, hành động của người khác,…
Bạn cần xác lập ranh giới cá nhân của mình.
Việc thiết lập cho mình một ranh giới là cách để bảo vệ bản thân trước những cám dỗ và tư tưởng muốn làm hài lòng người khác. Cũng đồng nghĩa với việc ta hiểu được mình là ai, mình cần và muốn gì, mình có giá trị và những nguyên tắc ra sao để không có những mong cầu và xu hướng phụ thuộc vào người khác.
Từ bây giờ, hãy hiểu đây là trách nhiệm bạn phải làm cho cuộc đời của mình, nếu muốn hạnh phúc.
Kết nối lại với chính mình để khám phá những nhu cầu và thấu hiểu cảm xúc của bản thân bằng cách quan sát, ghi chép, tự vấn, thiền,… Học cách nói KHÔNG với những gì ảnh hưởng đến cảm xúc của ta. Luôn nhớ, chúng ta không có nghĩa vụ phải làm hài lòng ai đó. Hãy vứt bỏ những mối quan hệ độc hại và xây dựng những mối quan hệ tích cực xung quanh mình. Dành thời gian để chăm sóc và yêu thương bản thân (cả thân và tâm).
6. Chịu trách nhiệm hoàn toàn cho hạnh phúc của mình
Bạn không thể hạnh phúc, nếu cứ mang chiếc vỏ rỗng đến xin xỏ người khác phải đem lại hạnh phúc cho mình, phải lấp đầy phần thiếu bên trong bạn. Nếu bạn đòi hỏi họ lấp đầy phần thiếu bên trong mình, bắt người khác phải chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của bạn thay vì chính bản thân bạn, về lâu dài, đây sẽ là chất xúc tác để phá huỷ mối quan hệ của bạn và người kia.
Không ai có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của ai cả, bạn phải tự chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của mình. Tự chịu trách nhiệm những cảm xúc, mong muốn, nhu cầu; tự làm chủ hạnh phúc (cũng như bất hạnh) của bản thân là điều tiên quyết để duy trì và phát triển một mối quan hệ.
Chỉ khi biết tự chịu trách nhiệm, bạn mới biết cách tự tìm cho mình hạnh phúc riêng, hạnh phúc đến từ bên trong tâm hồn của mình, mà không phụ thuộc vào bất kỳ ai. Khi một người đã tự tìm thấy hạnh phúc của mình rồi, việc còn lại trong mối quan hệ chính là thể hiện ra để người còn lại thấy và đóng góp vào quan hệ chung. Để cùng nhau hạnh phúc và tự do hơn.
Kết
Trong đời sẽ có những chuyện xảy ra không như chúng ta mong đợi, có thể những mối quan hệ chúng ta đang có sẽ tan vỡ bất cứ lúc nào. Nhưng đừng mất niềm tin, mọi việc xảy ra luôn có lý do, học cách đón nhận và rút cho mình những bài học, dần dần bạn sẽ có những mối quan hệ trọn vẹn và sâu sắc hơn. Nguyện cho chúng ta luôn được nâng đỡ bởi tình yêu thương và sự thấu hiểu. <3
be freedom,
Tâm Thương.