“Đứa trẻ” nào đang ở bên trong bạn?

Trong bài viết Chữa lành , mình từng chia sẻ về khái niệm “đứa trẻ bên trong”. Rằng mỗi người chúng ta dù đã trưởng thành về mặt hình hài, nhưng bên trong hình hài khôn lớn và trưởng thành đó vẫn luôn có một “đứa trẻ” tồn tại.

Mỗi người đều sẽ mang trong mình một hoặc nhiều “đứa trẻ” khác nhau. Những đứa trẻ đó mang theo những trải nghiệm khác nhau ở quá khứ vào cách chúng ta suy nghĩ và hành động ở hiện tại. “Đứa trẻ” là một phần không tách rời, là nơi lưu giữ những cảm xúc đẹp nhất và đau buồn nhất của chúng ta.

“TRONG LÒNG AI CŨNG CÓ MỘT ĐỨA BÉ BỊ TỔN THƯƠNG”

Với mình, để có thể hiểu và yêu mình đúng nghĩa, việc đầu tiên cần làm luôn là nhận diện những “đứa trẻ” này một cách rõ ràng, nếu không, “đứa trẻ” mang những vết thương ấy sẽ ăn sâu vào tâm thức mỗi người, trở thành tính cách và sẽ lại khiến chúng ta khổ đau bất cứ lúc nào. Quan sát, tự vấn, liên kết với các trải nghiệm quá khứ để tìm ra câu trả lời, sau đó mới chấp nhận bản thân và bắt đầu học yêu thương mình.

Trong lòng ai cũng có một đứa trẻ bị tổn thương

Hôm nay mình sẽ chia sẻ về những “đứa trẻ” mình quan sát được bên trong mình. Ở bài viết sau, mình sẽ nói rõ hơn về cách mình chữa lành những đứa trẻ này.

Đứa trẻ “không được ghi nhận”

Đứa trẻ “không được ghi nhận” khiến chúng ta dễ rơi vào tâm lý trì trệ, chán nản, thiếu động lực để làm gì đó và thiếu niềm tin vào bản thân. 

Năm lớp 5, mình lần đầu tiên được HSG, nhưng thay vì chúc mừng, một cô hàng xóm nói với bạn bè mình rằng, cô giáo chủ nhiệm đã lấy điểm của các bạn chia cho mình để mình đủ điểm được HSG. Điều đó với mình đã đủ tệ, vì mình cảm thấy không được tôn trọng. Nhưng tệ hơn, sau khi nghe câu chuyện đó, mẹ đã hỏi mình “Có thật không bé?”, điều đó khiến mình bị tổn thương, vì không được tin tưởng và ghi nhận. Dù sau khi biết mình được HSG, mình đã rất rất vui và muốn khoe ngay thành tích đó với gia đình.

Nhiều lần sau này, mẹ và một vài người cũng hỏi mình những câu tương tự, điều đó khiến mình mất niềm tin vào bản thân và luôn nghi ngờ rằng, liệu mình có đủ khả năng để làm việc này hay không? mình có xứng đáng được nhận danh hiệu này không? v.v… và vô tình hình thành nên tích cách của mình sau này – mình không biết cách nhận, vì cho rằng bản thân không xứng đáng được nhận.

Đứa trẻ “thiếu an toàn”

Mình nghĩ hầu hết mọi người đều có đứa trẻ này. Khi còn bé, chúng ta phải chứng kiến cảnh cha mẹ cãi nhau, những xung đột từ bên ngoài hoặc không nhận được sự quan tâm đầy đủ từ gia đình và trường học, thậm chí bị bạo hành, thường xuyên bị so sánh với anh em, bạn bè. Điều đó tạo nên đứa trẻ “thiếu an toàn”, đứa trẻ này mang tâm lý bất an, lo lắng, sợ hãi, luôn cảm thấy thiếu thốn tình yêu thương và luôn khát khao nhận được sự quan tâm, tình yêu từ mọi người.

Do đó khi lớn lên, chúng ta cũng thường có xu hướng chọn người mang lại cho mình cảm giác an toàn để yêu và khi không có được cảm giác đó, chúng ta thường lo lắng tự hỏi rằng “người đó có yêu mình không?” hoặc “mình không xứng đáng nhận được tình yêu?”

Đứa trẻ “sợ mắc lỗi”

Mẹ mình, có thể do trưởng thành trong nghèo đói và có nhiều vất vả đè nén nên ngoài việc chịu khó, tốt bụng, chăm chỉ thì mẹ cũng có những tính cách độc hại như bảo thủ, nóng nảy, tâm lý nạn nhân. Vậy nên trong suốt quá trình lớn lên, mình thường xuyên bị mắng, mình phải nghe những lời mắng vì lỡ làm sai một chuyện dù chỉ bé xíu, có khi chẳng sai gì cũng nghe nốt. Có rất nhiều lần mình bị tổn thương bởi những lời nói không được kiểm soát từ mẹ, chúng tích tụ qua năm tháng và gây nên những ảnh hưởng tâm lý bên trong mình, làm gì cũng sợ mắc lỗi, sợ sai, sợ không đúng ý mẹ,…

Và điều đó cũng vô tình tạo nên tính cách của mình. Mình từng là một người nóng tính, hay quát lên nếu ai đó không hiểu ý mình giống mẹ và vì sợ mắc lỗi mà mình luôn cố gắng thể hiện mình làm đúng, mình không dám nhận sai trước mặt người khác, nếu mình làm sai mình sẽ cảm thấy bản thân vô dụng.

Đứa trẻ “mặc cảm”

Đứa trẻ “mặc cảm” khiến chúng ta trở nên tự ti, cảm thấy mình thua kém, hay so sánh mình với người khác, luôn sợ bị đánh giá, thậm chí cố gắng làm hài lòng người khác.

Mình từng bị cô giáo đánh trước một trận đau nhớ đời mặt cả lớp vì lý do “nhìn bài bạn”. Trong những năm tháng trưởng thành, ký ức về buổi học hôm đó vẫn hiện lên nguyên vẹn trong tâm trí mình. Mình được mang ra làm trò cười nhiều ngày sau đó, không chỉ bạn bè trong lớp mà là cả trường đều biết.

Đó là một trong những ký ức đã tạo nên đứa trẻ “mặc cảm” bên trong mình, mình luôn cảm giác những người xung quanh đang nhìn và bàn tán về mình, mình không dám ngước mặt lên để đi như một người bình thường, không thể tự tin bắt chuyện với ai, không dám bày tỏ ý kiến.

Đứa trẻ “sợ phán xét” và “làm hài lòng người khác”

Hầu hết chúng ta đều sợ phán xét và cố làm hài lòng người khác khi chưa thật sự hiểu được giá trị của bản thân. 

Ngày bé mình vẫn hay được nghe những lời như “mặt mày lúc nào cũng nhăn nó”; “đụng tới là khóc nhè”; ”học không bằng con bà A” hoặc “đừng làm như này, làm như kia đi”; “đã sai mà còn cãi”; “con gái phải abc xyz”… tất cả những lời nhận xét, so sánh, khuyên dạy đó tạo thành một tệp thông tin tiêu cực định vị trong não mình. Mình bắt đầu quan tâm đến những lời người khác nói hơn, mình cố gắng để không phải nghe những lời tương tự bằng cách: gặp ai cũng cười dù không thích họ, thể hiện mình mạnh mẽ, làm theo ý muốn của họ,… và đó KHÔNG phải là mình, đó là đứa trẻ sợ phán xét và đang cố làm hài lòng người khác.

Sau khi lớn lên, mình còn có một tính cách từ trải nghiệm này, đó là hay phản ứng, khi nghe ai đó nhận xét, khuyên nhủ điều gì đó, bên trong mình sinh ra phản ứng như: Sao người này lại không tôn trọng ý kiến của mình? Họ đang phán xét mình đúng không? Tính cách đó vô tình cản trở mình mở lòng ra để học hỏi, tiếp thu ý kiến từ người khác.

Đứa trẻ “thiếu kết nối”

Ngày bé, mình rất hay ganh tị với bạn bè vì gia đình của bạn rất vui – bạn có thể trò chuyện thoải mái với bố mẹ, lúc ăn cơm gia đình bạn luôn trò chuyện rôm rả. Mình cũng từng ganh tị với em họ, vì sau khi sống cùng gia đình mình, ngày nào nó cũng nói chuyện với mẹ mình, điều mà mình luôn muốn nhưng chẳng có. Đứa trẻ “thiếu kết nối” hình thành khiến mình thường mang cảm giác cô đơn và cô độc, cảm thấy khó để thân thiết một cách sâu sắc với ai đó, luôn cố gắng tìm kiếm sự chú ý, quan tâm từ người khác nhưng rất ghét bị phụ thuộc vào ái đó. Hơn hết, mình cảm thấy thiếu kết nối với thế giới xung quanh và rất khó gần gũi với người thân dù luôn tồn tại nhu cầu được chia sẻ.

Đó là 6 “đứa trẻ” đã từng tồn tại bên trong mình, nhờ nhận diện được những đứa trẻ này mà mình đã hiểu bản thân nhiều hơn, biết đâu là vấn đề của mình và tìm cách giải quyết, chấp nhận và cảm thông cho con người hiện tại của mình, từ đó, học được cách yêu thương mình đúng đắn và ngày càng hạnh phúc hơn.

Dù muốn dù không, trải nghiệm quá khứ đã hình thành nên tính cách và vô tình khiến chúng ta tổn thương nhiều lần sau này. Nhưng chúng ta luôn có quyền lựa chọn, hoặc mặc kệ và để nó làm tổn thương mình bất cứ lúc nào hoặc đối diện và vượt qua, tìm kiếm con đường hạnh phúc đích thực.

Thay cho lời kết, mình gửi đến mọi người một câu nói mình đọc được ở đâu đó:

“Những người yêu thương chính mình trọn vẹn là những người mạnh mẽ nhất”

Với sức mạnh đó, chúng ta có quyền quyết định con đường mình đi của chính mình.

2 Comments

  1. […] từng là “đứa trẻ” thiếu an toàn. Những năm tháng mới lớn, mình thường mang tâm lý bất an, sợ hãi, thường […]

  2. […] sự thiếu thốn tình yêu mà mình luôn mong được nhận từ khi còn là một đứa trẻ. Thay vì cho đi tình yêu, mình chỉ luôn mong được nhận lại. Và vì mình […]

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

error: Content is protected !!