Những năm tuổi 19, mình từng hẹn hò nhưng không phải vì tình yêu, mà bởi sự cô đơn lẫn thiếu thốn bên trong. Như một lẽ tự nhiên, mối quan hệ đó kết thúc chóng vánh và để lại cho mình nhiều bài học. Một trong số đó là học về chính mình, trước khi muốn yêu ai đó.
Sau 3 năm quay vào bên trong để học, mình cũng đã yêu. Tình yêu đó đến nay đã kéo dài hơn 4 năm, không dài, nhưng cả mình và người kia đều hiểu rằng đây là mối quan hệ lâu dài cần cả 2 cùng xây dựng và cố gắng vì nhau. Dù tình yêu đến một cách tự nhiên, nhưng một cách âm thầm, chúng mình đều đã tự học những bài học riêng, trước khi yêu nhau. Đó là lý do mình tin tình yêu sẽ đến, khi chúng ta “sẵn sàng”.
Vậy mình đã học gì trước khi gặp và yêu người ấy?
1. Yêu mình
Sau khi kết thúc mối quan hệ cũ, mình nhận ra hàng tá vấn đề bên trong, từ niềm tin rằng bản thân không đủ tốt, không xứng đáng được yêu thương đến “tâm lý nạn nhân” thường xuyên đổ lỗi cuộc đời bất công. Đó là những vấn đề đã ở bên trong mình quá lâu và được hình thành từ những trải nghiệm tuổi thơ, nhưng chỉ khi có thời gian ngồi xuống để quay vào bên trong, mình mới nhận ra chúng.
Mình bắt đầu hành trình học yêu bản thân, bởi mình hiểu, khi mình chưa thể yêu mình, mình cũng không thể yêu người khác. Và nếu mối quan hệ với chính mình chưa ổn, không một mối quan hệ nào xung quanh mình ổn cả. Suốt một thời gian dài mình chọn đi nhiều nơi một mình để trải nghiệm và khám phá thế giới xung quanh, mình có những sở thích riêng và không còn cố gắng tìm kiếm niềm vui bên ngoài đến lấp vào.
Mình học chấp nhận, tha thứ, chữa lành cho bản thân và nuôi dưỡng niềm tin rằng mình xứng đáng có được tình yêu, xứng đáng gặp được một người tử tế và thật sự yêu thương mình. Để đến khi cảm thấy một mình vẫn ổn, mình tiếp tục học để cho đi nhiều hơn, như một dòng chảy tự nhiên, mình dễ dàng tha thứ và thấu hiểu người khác hơn. Và rồi tình yêu đến, khi mình đã biết yêu thương phiên bản chưa-hoàn-hảo của bản thân.
2. Hiểu nhu cầu của chính mình
Hơn 2 năm trước, mình từng ngồi viết ra từng chi tiết về người mà mình muốn yêu, gồm 2 phần, những gì mình cần và muốn về người đó: Cần bao gồm những điều chắc chắn phải có (chẳng hạn không hút thuốc, tử tế với người già và trẻ em) và muốn là những điều mình mong người đó có, nhưng không có cũng không sao, mình có thể chấp nhận. Sau khi viết xong, mình cất nó đâu đó và không quan tâm nữa, thế mà 6 tháng sau mình gặp một người có những điểm gần giống hệt những gì mình từng viết.
Mình không xem đây là việc vũ trụ “đáp lời”, vì mình không có ý định tìm kiếm người yêu bằng cách viết ra, cũng không vẽ ra một hình mẫu “tiêu chuẩn” nào cả. Mình chỉ viết để hiểu bản thân thật sự cần một người như thế nào để đồng hành. Tất nhiên mọi thứ chỉ là tương đối, vì người ấy còn vô số điểm khác biệt mà mình cần khám phá về sau, nhưng ít nhất, người mà mình chọn có cùng giá trị sống và cùng nhìn về một hướng với mình.
Nếu có thể, bạn cũng thử viết ra nhu cầu của bản thân, càng chi tiết càng tốt. Hãy xem đây là một bài test, để hiểu hơn về mình thôi. Ngoài ra, hãy tìm hiểu ngôn ngữ tình yêu của mình để có thể dễ dàng trao đổi về nhu cầu của bản thân với người khác, cũng như người yêu tương lai của bạn 😉
3. Sẵn sàng đối diện với bóng tối bên trong mình
Đã có một khoảng thời gian trước khi yêu, mình tự tin là mình ổn khi ở một mình, nhưng trong một mối quan hệ thì.. chưa chắc.
Mình luôn ý thức tình yêu có rất nhiều ý nghĩa, tình yêu cho mình nhiều bài học và giúp mình hiểu hơn về bản thân. Nhưng cũng chính vì hiểu điều đó, mình từng sợ phải đối diện với phần tối bên trong mình khi yêu. Với mình, tình yêu như một tấm gương soi, ở đó mình và đối phương phải lột từng lớp vỏ xấu xí và gai góc bên trong mỗi người ra, từ từ đối diện với con người chân thật của mình. Với những ai đã và đang cố gắng để đi sâu vào bên trong chính mình, hẳn mọi người sẽ hiểu cảm giác đó không hề dễ chịu chút nào.
Nhưng rồi một ngày mình hiểu, việc mình sợ chắc chắn sẽ diễn ra, quan trọng là mình có dám đối mặt với chúng hay không mà thôi. Và mình chọn gì mọi người cũng biết rồi đó ^^
Thật ra đối diện với bóng tối bên trong không phải là một trải nghiệm dễ dàng và cần rất nhiều can đảm, nhưng nếu cứ sợ hãi và rồi mặc kệ nó, chúng ta sẽ không thể thật sự thoát ra khỏi những vấn đề của mình. Chỉ khi kiên trì với chính mình, dám chấp nhận mọi sự gàn dở bên trong mình, can đảm để được là mình như mình vốn-là, chúng ta mới có cơ hội học bài học về chính mình và về tình yêu thật sự.
4. Chịu trách nhiệm hoàn toàn cho hạnh phúc của bản thân
Mình từng hỏi bản thân, nếu hạnh phúc của mình phụ thuộc vào người khác, cảm xúc của mình phụ thuộc vào người khác, đến một lúc nào đó, khi họ rời đi, hạnh phúc của mình sẽ ra sao? Đó là lúc mình nhận ra hạnh phúc của mình phải do mình nắm giữ, mình sẽ không có được hạnh phúc khi luôn tìm kiếm nó ở người khác.
Tình yêu rất dễ khiến chúng ta bị phục thuộc về mặt cảm xúc, có họ thì vui, mà không có họ thì buồn. Chúng ta dễ dàng buồn rầu, tức giận nếu họ làm những việc khác mà không có chúng ta bên cạnh. Chúng ta không biết tạo không gian và thời gian riêng cho bản thân, và thường xuyên đổ lỗi những cảm xúc tiêu cực của mình là do người kia. Nhưng tình yêu trưởng thành không bao gồm sự sở hữu, kiểm soát và cái tôi.
Mình học để hiểu rằng mình và người kia là hai cá thể riêng biệt, cả hai đều đủ độc lập để lo cho cuộc sống riêng nhưng vẫn luôn ý thức rằng cuộc sống sẽ đẹp và ý nghĩa hơn nếu được chia sẻ nó với người mình yêu. Bởi tình yêu thật sự vốn không phải là dựa vào nhau, mà là nương tựa vào nhau, ở đó mình đủ mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho người kia và đủ mềm mỏng để tạo sự đồng cảm giữa hai tâm hồn. Và tình yêu giữa 2 cá thể sẽ gắn bó sâu sắc thông qua sự thấu hiểu, lắng nghe, sẻ chia, hỗ trợ nhau khi cần và đồng hành cùng nhau vượt qua những thử thách của mỗi người.
Chúc bạn luôn yêu và được yêu.
be freedom,
Tâm Thương