Những tố chất cần có để thành công trong nghề Copywriter

BLOG, Để viết tốt hơn (Better Writing)

Mục lục

Như đã hứa ở bài viết Hành trình trở thành Copywriter, hôm nay mình quay trở lại để chia sẻ về những tố chất cần có để có thể thành công trong nghề Copywriter. Bài viết này phần lớn là tổng hợp, phần nhỏ là từ trải nghiệm cá nhân. Mình cũng đang trau dồi những tố chất này để có thể đi xa hơn trong nghề, mọi người cùng tham khảo nhé!

Copywriter chỉ cần “văn hay chữ tốt”?

Copywriter không chỉ cần năng lực viết lách và kỹ năng bán hàng. Họ còn phải làm việc dưới áp lực thời gian và làm việc với rất nhiều người với đủ kiểu tính cách: khách hàng, giám đốc marketing, giám đốc sáng tạo, thiết kế đồ họa, biên tập viên và vô số người khác. Copywriter phải sáng tạo theo yêu cầu của từng dự án, với mục đích tạo ra từng vật phẩm truyền thông cụ thể. 

Một copywriter thành công có xu hướng là người có khả năng làm việc dưới áp lực cao, làm việc nhóm cũng như làm việc độc lập, giàu trí tưởng tượng. Họ biết cách biểu đạt cả về phần nhìn và ngôn ngữ, tỉ mỉ, mạnh về kỹ năng tìm kiếm, kiên nhẫn trong quan sát và lắng nghe, có khả năng quản lý thời gian hiệu quả, kỹ năng đọc tốt và hứng thú trong nhiều lĩnh vực.

Và sẽ tốt hơn nữa nếu bạn thành thạo ngoại ngữ, nắm vững kỹ năng viết, đặc biệt là viết nội dung quảng cáo, nhuần nhuyễn cách sử dụng các nhân tố thuộc về nội dung quảng cáo như: tiêu đề, đoạn đệm, từ khóa, nội dung, biết cách tạo điểm nhấn,.. Hiểu biết về sản phẩm/ dịch vụ mà dự án cung cấp, hiểu biết về các kỹ thuật sản xuất truyền thông như thiết kế đồ họa hay các phương thức truyền thông như phát hành, trực tuyến, đa phương tiện,… Cũng như các nguyên tắc quảng cáo, marketing, quan hệ công chúng cơ bản, kiến thức về thị trường và ngành nghề của dự án bạn đang theo đuổi.

Nghe có vẻ rất nhiều. Vậy câu hỏi đặt ra rằng liệu có phải mọi copywriter đều có đủ mọi tố chất đó? Rất may, câu trả lời là rất hiếm. Như mọi ngành nghề khác, mỗi người sẽ có một vài tố chất biểu hiện rất mạnh mẽ, số còn lại thì yếu hơn. Tuy nhiên, càng sở hữu nhiều kỹ năng và được trang bị nhiều kiến thức thông qua trải nghiệm, chắc chắn bạn sẽ gặt hái được nhiều thành công trong nghề.

Nhưng với những người mới bắt đầu, đâu là những kỹ năng, tố chất quan trọng nhất cần tập trung trau dồi để có được nền tảng vững chắc trong nghề?

Những kỹ năng cần có của một copywriter

Copywriter cần không ngừng tìm hiểu thông tin

Một copywriter chuyên nghiệp sẽ không bao giờ dừng chân trên hành trình theo đuổi sự thật. Copywriter sẽ không ngừng tìm hiểu cho đến khi hiểu hoàn toàn về sản phẩm/dịch vụ mà người đó đang viết cũng như thị trường mục tiêu mà người đó cần thuyết phục. Người bán hàng thành công nhất là người hiểu ra sản phẩm, khách hàng và đối thủ của mình đến từng chi tiết nhỏ. Bí quyết để thuyết phục chính là biết yếu điểm của thị trường mục tiêu, và dùng ngôn từ đánh trúng vào đó.

Một copywriter sẽ phải đào sâu tìm tòi những thông tin cơ bản nhất, đọc đủ thứ tài liệu và tìm tòi thêm rất nhiều thông tin, tìm hiểu về đối thủ cạnh tranh, tìm ưu điểm vượt trội của sản phẩm mà đối thủ không có,…

Khả năng viết tốt & hiểu về ngôn ngữ

Kỹ năng này giống như là đương nhiên đối với người theo nghiệp copywriter. Một số ý kiến cho rằng viết không phải là kỹ năng quan trong nhất trong nghề, nhưng không.

Nếu không biết cách điều chỉnh ngôn ngữ của mình thì làm thế nào bạn có thể trở thành một “tắc kè hoa” trong nghệ thuật ngôn từ và điều chỉnh, mở rộng kỹ năng cho phù hợp với các sản phẩm, thị trường và phương thức truyền thông khác nhau? Hậu quả là nội dung của bạn không chỉ cũ kỹ, thiếu sáng tạo mà còn không đủ rõ ràng, mạch lạc.

Là một copywriter, ngôn từ chính là phương tiện, là vũ khí của bạn. Nếu bạn khéo léo đặt chúng cạnh nhau thành các cụm từ, câu, đoạn; chúng sẽ mang sức thuyết phục lớn. Nếu kỹ năng viết của bạn yếu, mọi thứ bạn cố gắng xây dựng bằng phương tiện ngôn từ cũng yếu,bất kể thông điệp đưa ra có hấp dẫn đến thế nào. Nhưng với kỹ năng viết lách nhà nghề, phần quảng cáo của bạn sẽ có cơ hội lớn hơn nhiều.

Nhiều người nghĩ viết là một bản năng, nhưng kỹ năng này đến từ việc rèn luyện nhiều hơn. Viết nhiều, kỹ năng viết sẽ tăng lên. Nếu bạn chưa định hình rõ về viết lách, bạn có thể tham khảo tại đây.

Khả năng quan sát

Thói quen quan sát mọi thứ trong cuộc sống – bao gồm cả những điều chẳng liên quan gì đến bạn hay nghề nghiệp của bạn – là trợ thủ không thể thiếu của copywriter. Việc giỏi quan sát và hay để ý mọi chi tiết dù nhỏ nhặt nhất, sẽ giúp bạn nhận ra nhiều điều, biết được những chỗ mình còn thiếu sót và rút kinh nghiệm, đôi khi là có thêm những ý tưởng mới lạ.

Sáng tạo là không thể thiếu với một Copywriter

Có vô số định nghĩa về sáng tạo khác nhau, nếu hỏi 100 copywriter chuyên nghiệp rằng liệu sáng tạo có cần thiết với nghề này không? Có thể bạn sẽ nhận được đủ mọi câu trả lời từ có, không, thỉnh thoảng, đôi khi… Nhưng nếu cho họ những nội dung khác nhau và hỏi, “Đâu là đoạn nội dung nào sáng tạo nhất?” khả năng cao là bạn sẽ nhận được cùng một câu trả lời giống nhau. Sự sáng tạo khó định nghĩa nhưng lại rất dễ nhận ra.

Để cho ra đời những nội dung quảng cáo vừa độc đáo vừa hiệu quả, copywriter cần có óc sáng tạo – khả năng đưa ra những giải pháp tiên tiến và khó ngờ tới nhất cho những vấn đề tưởng như cũ. Với copywriter, trí thông minh và óc sáng tạo thể hiện rõ rệt trong ngôn ngữ – sử dụng ngôn từ sáng tạo vì một mục đích cụ thể và thực tế.

Hiểu biết nghệ thuật bán hàng (vì đây là mục đích chính của copywriting!)

Viết nội dung quảng cáo cũng là bán hàng, là câu chuyện về sự đồng cảm với khách hàng tiềm năng. Hiểu rõ vấn đề, nhu cầu, sở thích của họ cũng như định vị sản phẩm/ dịch vụ của bạn như một giải pháp cho vấn đề đó. Khuyến khích mọi người thử sản phẩm/dịch vụ của bạn, cho họ lý do để làm việc đó.

Kỹ năng bán hàng quan trọng nhất với một copywriter chính là phải đứng từ địa vị của khách hàng để nhìn nhận và thấu hiểu. Bạn phải chân thành, trung thực, đáng tin và thông tin bạn đưa ra phải có ý nghĩa hay tạo được ấn tượng với khách hàng tiềm năng.

Đam mê với nghề Copywriter

Không riêng nghề copywriter mà tất cả ngành nghề khác, bạn khó lòng nỗ lực thành công ở một công việc chẳng khiến mình hứng thú hay yêu thích. Có đam mê, bạn sẽ luôn không ngừng học hỏi và cầu tiến, vượt qua mọi khó khăn và áp lực mà nghề này mang đến cho bạn. Vậy nên, nếu chưa tìm được niềm yêu thích trong công việc, không có đủ nhiệt huyết và đam mê, hãy thử dừng lại một chút để tự vấn lại hành trình mình đi nhé 😉

be freedom,

Tâm Thương.

– Tâm Thương

Post Tags:

error: Content is protected !!