Tối giản tâm trí

BLOG, Viết để tốt hơn (Reflect & Grow)

Mục lục

Mình không ở đây để định nghĩa lối sống tối giản. Và bài viết này không đúc kết từ việc thực hành sống tối giản mà đến từ trải nghiệm “dọn rác” trong tâm trí mình, để hướng đến sự tự do đích thực.

Với cá nhân mình, tối giản không chỉ đến từ việc chúng ta tối giản đồ đạc, vật chất, không gian sống, phong cách ăn mặc, mối quan hệ,…. mà phải xuất phát từ việc tối giản tâm trí. Mình từng là đứa có một tâm trí toàn “rác” khi quá quan tâm đến những gì người khác nghĩ về mình, cố làm hài lòng mọi người, sống theo cảm xúc của người khác.

Nhưng khi ý thức được những điều đó đang ràng buộc tâm trí mình và khiến mình vô tình ôm về những nỗi đau tự thân, mình biết đã đến lúc cần quay về để chữa lành và “dọn rác” – tối giản tâm trí.

Ngưng làm hài lòng tất cả mọi người

Phần lớn chúng ta không nhận ra mình đang cố làm hài lòng người khác do những thói quen thỏa hiệp từ lúc nhỏ. Chúng ta cố gắng làm hài lòng bố mẹ, người thân, bạn bè, người yêu, đồng nghiệp, hàng xóm và cả những người đang tương tác với ta qua mạng xã hội. Rằng nếu ta làm gì đó không đúng ý người lớn, ta sẽ là đứa trẻ hư; nếu ta nói ra ý kiến của mình một cách thẳng thắng, ta là một kẻ khác biệt ; nếu ta không đồng ý làm điều này, là ta không tôn trọng mối quan hệ đó; khi ta mặc bộ trang phục này, đi đôi giày này, người khác sẽ đánh giá ta như thế nào,…

Chúng ta nỗ lực đáp ứng mọi nhu cầu của người khác, giả vờ đồng ý và luôn “say yes” dù thật sự không muốn, cố gắng khiến mọi người xung quanh cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc để được yêu quý và công nhận.

Những điều đó khiến mình thấy bản thân mất đi rất nhiều năng lượng và lãng phí quá nhiều thời gian. Vì rằng, chẳng có ai quan tâm mình nhiều như mình nghĩ cả. Họ còn đang bận lo lắng về những gì người khác nghĩ về họ cơ mà?

Không ghét và phán xét người khác

Nghe có vẻ “thảo mai” nhưng mà mình thật sự đã không còn ghét ai nữa từ rất lâu rồi. Mình chỉ đơn giản nghĩ, khi tiếp xúc với ai khiến mình cảm thấy không thoải mái, vui vẻ và được là chính mình thì mình không tiếp xúc nữa, bật chế độ không quan tâm, sống tiếp cuộc đời của mình và dành thời gian cho những người xứng đáng hơn.

Và mình hiểu, cách hành xử, giao tiếp của một người đa số đều đến từ những trải nghiệm quá khứ. Một người chưa thể bình an, chưa biết cách hành xử, chưa thật sự tử tế,… rất có thể vì quá khứ của họ có nhiều nỗi đau, vì bố mẹ họ không hạnh phúc, vì tuổi thơ không vui vẻ, vì môi trường sống không đủ tốt,…

Vậy nên, thay vì ghét ai đó, mình học cách thương họ nhiều hơn. Trước khi “dán nhãn” một người với tính cách như thế nào, mình học cách nghĩ về những trải nghiệm quá khứ có thể hình thành nên họ của hiện tại và học cách tìm kiếm những điều tốt đẹp nơi người khác. Để ngưng phán xét và hiểu rằng ai cũng xứng đáng đươc yêu thương như nhau.

Ngưng phán xét và học cách thấu hiểu người khác để tâm trí được tự do

Ngừng lo lắng về những thứ mình đang sở hữu và lấy đó làm thước đo giá trị của mình

Có một sự thật là chúng ta rất hay so sánh mình với người khác. Khi xã hội có quá nhiều tiêu chuẩn được đặt ra, chúng ta dễ dàng lấy thước đo về sự hoàn hảo của người khác làm thước đo cho sự hoàn hảo của chính mình. So sánh bản thân với người khác và thậm chí đố kỵ với họ luôn đến một cách tự nhiên. Theo hướng tích cực, nó sẽ là động lực để chúng ta cố gắng hơn. Nhưng ngược lại, điều đó khiến chúng ta rơi vào cảm xúc tiêu cực khi luôn ám ảnh với khuyết điểm của bản thân, lo lắng về những thứ mình có, những thành tựu đã đạt được, số người yêu mến mình và lấy đó làm thước đo giá trị của bản thân.

Và dĩ nhiên những điều đó làm tâm trí chúng ta mất tự do và không thể tập trung cho những điều thật sự quan trọng.

Thay vì nhìn những thứ mình chưa có, mình sẽ học cách trân trọng những gì mình có. Học biết ơn từ những điều nhỏ và luôn tử tế với bản thân để hiểu được giá trị thật sự của mình ở đâu. Thay vì tập trung vào người khác, mình học tin tưởng vào tiến trình của riêng mình và luôn lắng nghe trái tim để hiểu mình thật sự cần gì. Hơn hết, mình hiểu rõ, mình là người chịu trách nhiệm hoàn toàn cho cuộc sống của mình. Người khác làm gì và có gì cũng không quan trọng, bạn là người duy nhất quan trọng nhất trong cuộc sống của mình. Và người duy nhất bạn cần phải chiến thắng không ai khác ngoài kia, mà là chính bản thân bạn.

Giảm kỳ vọng vào bản thân (áp lực vô hình)

Chúng ta luôn hướng đến sự hoàn hảo, lấy đó làm thước đo để vẽ lên những mục tiêu khác nhau trong đời. Từ nhỏ đến lớn, chúng ta luôn được hướng đến việc trở thành người tài giỏi, thành công, thành “ông này bà nọ”. Vô tình điều đó sinh ra sự kỳ vọng quá lớn vào bản thân mình. Nếu biết cách kỳ vọng đúng năng lực, đúng thời điểm thì đó sẽ là động lực để mỗi người cố gắng nhiều hơn. Hoặc không, sự kỳ vọng quá mức sẽ ép chúng ta vào một khuôn khổ và khi không thể thành công như mong đợi, chúng ta rất dễ thất vọng, bi quan và có xu hướng đổ lỗi cho hoàn cảnh.

Nhưng thật ra, chúng ta đều chỉ là những người bình thương như nhau. Điều cần làm chính là chấp nhận sự bình thường của cuộc sống, của bản thân để lập một kế hoạch phù hợp cho tương lai và nỗ lực hết năng lực của mình, không phải để đáp ứng kỳ vọng của bất kỳ ai, mà để chúng ta tốt hơn chính mình của hôm qua dù chỉ là 0.5%, vậy là đủ.

Chỉ kiểm soát những gì nằm trong khả năng của mình

Con người thường có xu hướng cố sửa chữa và thay đổi những thứ không thể thay đổi, cố gắng kiểm soát những gì đang diễn ra xung quanh mình, kỳ vọng mọi người và mọi việc trong cuộc sống của mình phải diễn ra như thế này hoặc như thế kia.

Chủ nghĩa khắc kỷ đã khái quát hóa thế giới thành 2 nhóm: Những thứ chúng ta có thể kiểm soát và những thứ chúng ta không thể kiểm soát. Ở đó, những thứ chúng ta không kiểm soát được đều VÔ NGHĨA.

Nếu bạn vẫn đang khó chịu, để cảm xúc của mình rơi vào tiêu cực khi trời mưa, trời nắng, tắt đường, khi người yêu trễ hẹn, bạn bè không giúp đỡ, mọi thứ diễn ra không chính xác như kế hoạch đã lập, người khác thiếu tử tế,… đã đến lúc cần thư giãn, chấp nhận rằng mình không thể kiểm soát mọi thứ. Và bỏ qua những thứ mình không thể kiểm soát, để tập trung để kiểm soát tư duy, cách suy nghĩ, những phản ứng và hành động của mình.

Sống thuận tự nhiên

Con người luôn có bản tính tham lam, dễ bị thu hút bởi những gì hào nhoáng và bóng bẩy. Hướng đến sự tốt đẹp chưa bao giờ là sai, nhưng để điều đó làm tiểu chuẩn để đánh giá mọi thứ, sinh ra những mong cầu và bất chấp mọi thứ để làm, là sai.

Cuộc sống sẽ kỳ diệu hơn nếu chúng ta để nó diễn ra một cách tự nhiên.

Hiểu rằng mọi chuyện (dù xấy hay tốt) xảy ra đều có lý do của nó, để học cách đón nhận những gì sẽ đến với một tâm thế tích cực, rằng chúng đến, để dạy cho mình thêm những bài học, để biết hạnh phúc hay khổ đau là do chính mình lựa chọn, giúp mình hiểu và yêu thương bản thân trọn vẹn hơn. Và luôn nhắc nhở bản thân về cuộc sống quý giá mình đang có, ở đây và bây giờ – ngay khoảnh khắc hiện tại này.

Ngục tù thật sự nằm ở chính suy nghĩ và tâm trí của mỗi người, nếu cái đầu nhỏ xíu phải chứa đủ thứ tham sân si, tính toán, mưu toan, giành giật, hận thù, căng thẳng, lo lắng, sợ hãi,… trong đó. Thì bạn mãi mãi không thể tự do.  

“Tất cả mọi người được cho là tự do bởi vì thiên nhiên đã ban cho họ quyền chọn lựa tự do – quyền quyết định cho bản thân mình sẽ làm gì hoặc trở nên như thế nào. Con người tự do – là người chủ của chính mình và không bị khống chế bởi ý chí của người khác.” 

Bạn là người quyết định sự tự do trong tâm trí của chính mình! 

– Tâm Thương

Post Tags:

error: Content is protected !!