Bất kỳ ai sống trên đời đều mưu cầu hạnh phúc. Hạnh phúc là một loại “cảm giác” mà mỗi người đều đang đi trên hành trình riêng để tự tìm định nghĩa cho chính mình. Trong những năm tháng tuổi trẻ với rất nhiều hỗn độn cần giải quyết, không ít lần mình cũng đã tự hỏi bản thân hạnh phúc là gì? Từng có hàng trăm định nghĩa khác nhau về hạnh phúc – Cho đến khi biết đến lối sống khắc kỷ (Stoicism)
Lối sống khắc kỷ – Lối sống hướng tới hạnh phúc lâu dài
Chủ nghĩa (lối sống) khắc kỷ (chủ nghĩa Stoic, tiếng Hy Lạp: Στωικισμός) là một trường phái triết học Hy Lạp cổ đại do Zeno thành Citium sáng lập ra vào đầu thế kỷ thứ III TCN. Theo Internet Encyclopedia of Philosophy, Stoicism hay những Stoics là đều hướng tới (eudaimonia) hạnh phúc lâu dài, đó là một cuộc sống an lạc trong tâm tưởng, bản lĩnh và bình thản mà không bị tác động bởi những ấn tượng bên ngoài như tiền bạc, danh tiếng, vẻ ngoài,…
Vậy, theo lối sống khắc kỷ (stoicism), hạnh phúc lâu dài thật sự là gì?
Vấn đề được tạo ra thông qua cách chúng ta phản ứng
Con người thường cho rằng mình hạnh phúc hoặc không hạnh phúc là do những gì mình có và những gì xảy đến với mình, lấy đó làm lý do để biết ơn hoặc trách móc. Chúng ta nhanh chóng dán nhãn cho những sự việc, con người đó là tốt hoặc xấu thông qua lăng kính của chính mình. Chính sự dán nhãn đó đã âm thầm ngăn cách sự kết nối của bạn với cuộc sống và những người xung quanh, ngăn cách sự kết nối của bạn với chính bạn, tạo thành những phản ứng và phán xét để đánh giá những vui-buồn, hạnh phúc-bất hạnh.
Stoicism cho rằng những cảm xúc tổn thương của chúng ta xuất phát từ sai lầm trong việc phán xét. Chúng ta tự tạo ra các vấn đề thông qua những phản ứng chủ quan của ta về thế giới. Về cơ bản, những việc diễn ra trên đời không mang bản chất tốt hoặc xấu, cách suy nghĩ của bạn mới chính là nguồn gốc của mọi vấn đề. Và hạnh phúc sẽ không thể đến, nếu những vấn đề vẫn còn tồn tại.
Kiểm soát tâm trí và hành động của mình
Stoicism khái quát hóa thế giới thành 2 nhóm: Những thứ chúng ta có thể kiểm soát và những thứ chúng ta không thể kiểm soát. Cũng theo Stoicism, những thứ chúng ta không kiểm soát được đều là vô nghĩa.
Để ý mà xem, có phải cảm giác bất hạnh tồn tại là do bạn đang cố gắng kiểm soát mọi việc? Hay cố sửa chữa và thay đổi những thứ không thể thay đổi?
Sự thật là, chúng ta không thể biết được chuyện gì sẽ xảy ra cũng như cách người khác nhìn nhận và đánh giá chúng ta như thế nào. Liệu người bạn thân bên cạnh mình có bỏ đi nơi khác hay không? Liệu những thứ tốt đẹp chúng ta đang có sẽ mất đi hay không? Liệu người khác sẽ nghĩ gì về ta? Không có gì đảm bảo mọi việc sẽ diễn ra theo mong muốn hoặc cách nghĩ của chúng ta.
Vậy nên, thay vì kiểm soát điều xảy đến với chúng ta, hãy kiểm soát cách ta phản ứng với những điều đó.
Để có một cuộc sống hạnh phúc thật sự, bạn không chỉ bỏ qua những thứ mình không thể kiểm soát (yếu tố ngoại cảnh như thời tiết, cách người khác hành xử, những việc không may xảy đến,…) mà cần tập trung để kiểm soát tư duy, cách suy nghĩ, những phản ứng và hành động của mình. Hãy chấm dứt mọi khổ đau để hướng đến hạnh phúc và tự do, bắt đầu bằng việc chịu trách nhiệm hoàn toàn với tâm trí và hành động của mình.
Chấp nhận mọi thứ như nó vốn là
Bất cứ lúc nào bạn cũng có thể gặp những việc không như ý, những người khiến bạn không thoải mái. Ngoài học cách để bản thân không bị kiểm soát bởi những khát khao thỏa mãn hoặc sợ hãi trước những đớn đau, chúng ta cần học cách chấp nhận.
Chấp nhận chưa bao giờ là việc dễ dàng, nghe như việc chúng ta phải bỏ đi cái tôi và đạp đổ những gì mình đã cố gắng khẳng định. Nhưng thay vì cố gắng thay đổi hoặc mong muốn điều gì đó khác đi, lối sống khắc kỷ hướng tới việc con người cần chấp nhận những gì sẽ đến với mình. Bắt đầu bằng việc ý thức rằng bản chất của mọi thứ đều không xấu cũng chẳng tốt, chúng ta chỉ là những hạt bụi trong cuộc sống này và thế giới cũng chỉ là một chấm nhỏ trong vũ trụ bao la.
Mọi việc xảy ra trong cuộc sống đều có lý do và chắc chắn sẽ cho chúng ta những bài học, thay vì chống lại mọi thứ và khiến mình khổ sở, chấp nhận là bước đi quan trọng để có thể chạm đến hạnh phúc thật sự.
Sống đơn giản và thuận tự nhiên
“Sẽ là bất khả thi để hợp nhất hạnh phúc với sự khao khát về những thứ chúng ta không có. Hạnh phúc tự nó đã có tất cả những gì nó muốn rồi, và giống như được nuôi dưỡng tốt, nó không nên thèm khát gì nữa cả.” – Epictetus (vnstoic dịch)
Rất nhiều người, trong đó có mình, từng chìm đắm trong ảo mộng và cố gắng tìm kiếm những điều “bóng bẩy” bên ngoài để lấp đầy chính mình, không hài lòng với những gì mình may mắn có được và luôn cho rằng phải theo đuổi và có trong tay thứ gì đó mới có thể hạnh phúc.
Nhưng thứ chúng ta có thể nắm giữ trong tay đến cuối cùng là gì? – Không gì cả!
Thực chất, chỉ cần một vài thứ thôi cũng có thể giúp bạn có được một cuộc sống đầy đủ và chân thành rồi. Ngay từ bây giờ, hãy quay về và tự hỏi chính mình, đâu là điều bạn thật sự cần? Tập trung vào những gì quan trọng nhất và không để bản thân dính mắc vào chúng, vì thật ra…chúng cũng không quan trọng như bạn nghĩ đâu. Và, con người không hạnh phúc hơn bởi những gì họ có mà ở những gì họ cho đi.
Luôn nhắc nhở bản thân về cuộc sống quý giá mình đang có, ở đây và bây giờ – ngay khoảnh khắc hiện tại này. Hãy trân trọng những người thân yêu bên cạnh mình, trân trọng những gì mình có và luôn nhớ về sự vô thường của mọi sự.
Bạn luôn có quyền được lựa chọn
Con người có một quyền tự do tuyệt đối – quyền lựa chọn.
Cùng một việc xảy ra nhưng với người này là thảm họa, với người kia lại là cơ hội để hoàn thiện bản thân trở nên tốt hơn. Theo Stoicism, vấn đề không phải ở những sự việc xảy ra bên ngoài mà từ chính lựa chọn bên trong chúng ta. Không ai có thể thay đổi quá khứ với những nỗi đau đã qua, nhưng tất cả đều có thể thay đổi ở hiện tại để tương lai trở nên tốt hơn.
Yếu tố quan trọng nhất quyết định mỗi cá nhân thành công hay thất bại, hạnh phúc hay khổ đau luôn nằm ở sự lựa chọn của họ. Thay vì than vãn, đổ lỗi hay trách móc. Hãy đứng lên để tự quyết định cuộc đời mình.
Như Seneca đã từng nói: “Tôi tìm cái thiện và cái ác ở đâu? Nó không nằm trong cái vĩnh hằng không thể kiểm soát mà nằm trong những sự lựa chọn của chính bản thân tôi.”
Amor Fati – Hãy yêu lấy số mệnh của bạn
Lối sống khắc kỷ hướng đến việc con người cần tập trung vào những gì mình có thể kiểm soát được, nhưng số phận không nằm trong số đó, số phận như cái bóng đi bên cạnh mỗi người và chúng ta thì không thể nào trốn chạy khỏi cái bóng của mình. Vậy nên, đừng mong số phận của mình trở nên khác đi, thay vào đó hãy chấp nhận, đương đầu, làm bạn và yêu lấy nó.
Có phải khi đứng trước những khổ đau và bất hạnh, bạn thường tự hỏi tại sao những chuyện này lại xảy ra? Tại sao cuộc đời lại đối xử bất công với tôi như thế?
Bạn thân mến, ai cũng có cuộc đời riêng của mình, ai cũng mang theo những nỗi đau đớn mà dù có vùng vẫy cũng không thể lay chuyển, họ cũng giống như bạn, vẫn đang nỗ lực từng ngày để đấu tranh và tìm kiếm hạnh phúc.
Dù bạn khỏe mạnh hay ốm đau, dù cơ thể bạn lành lặn hay khiếm khuyết, dù da bạn màu trắng hay màu đen, dù bạn xinh đẹp hay xấu xí, dù bạn giàu hay nghèo. Bất cứ điều gì xảy đến cũng sẽ trở thành sức mạnh của bạn, hãy để khó khăn trở thành động lực biến bạn trở nên tốt hơn. Hãy yêu lấy mọi điều xảy ra trong đời. Không chỉ là chấp nhận. Không chỉ là chịu đựng. Hãy chủ động nắm lấy, đây là vận mệnh của mình, mình sẽ sống cùng và yêu lấy nó.
Bởi, dẫu có khó khăn đến đâu, dẫu có bao nhiêu nỗi đau và nghịch cảnh, thì cuộc sống quý giá này vẫn là của bạn, chỉ duy nhất bạn có thể sống cuộc đời đó thôi – Amor Fati, hãy yêu lấy số mệnh của bạn.
Sau cùng, sẽ chẳng có nơi nào trên thế giới này, chẳng có điều gì hay bất kỳ ai có thể mang lại hạnh phúc cho chúng ta cả. Thứ bình an và hạnh phúc thực sự chúng ta đang khao khát chỉ có thể được tìm thấy bên trong chính chúng ta mà thôi. Đó chính là ý nghĩa thật sự của một cuộc sống an lạc trong tâm tưởng mà Stoics hướng tới.
Bài viết của đạt giải Nhất cuộc thi Triết Học Tuổi Trẻ do Ybox tổ chức. Bạn có thể xem trực tiếp trên website Ybox tại đây.