Search
Close this search box.

37.500 từ trong 1 tháng và 4 bài học khi chấp bút sách 

BLOG, Để viết tốt hơn (Better Writing), Làm việc tự do (Freelance To Freedom)

Mục lục

Mấy tháng trước mình có cơ hội chấp bút sách cho một chuyên gia đào tạo, chủ đề thì mình không thể bật mí (vì đây là nguyên tắc của công việc chấp bút). Một người chị đồng bút đã giới thiệu cho mình dự án này với lý do: Chị nghĩ em phù hợp với dự án này.

Nhận tin nhắn từ chị, mình vừa háo hức vừa lo sợ. Háo hức vì đây là lần đầu tiên mình được đảm nhận vai trò người chấp bút sách. Lo sợ vì không đủ tự tin, sợ mình không làm được và vì thời gian hoàn thành dự án này khá gấp: 35.000 từ trong vòng 6 tuần. Sau nửa ngày đắn đo thì mình quyết định gật đầu, ừ thì cơ hội đến ngại gì không thử? Và điều bất ngờ là mình có thể hoàn thành tốt bản thảo trước cả deadline (37.500 từ trong 1 tháng). 

Bạn có tò mò mình đã học được gì từ dự án chấp bút sách lần này? Cùng tìm hiểu nhé! 

1. Sự phù hợp rất quan trọng 

“Xin lỗi bạn, công ty không tuyển người giỏi nhất, chỉ tuyển người phù hợp”

Bạn thấy câu này quen không? =))) 

Đôi khi điều sếp/ nhà tuyển dụng/ khách hàng cần ở bạn không phải là năng lực vượt trội, mà chỉ là sự phù hợp. Như thế nào là phù hợp? Theo mình, sự phù hợp trong công việc được đánh giá dựa trên ba khía cạnh chính: khả năng, kỹ năng, kiến thức. Bên cạnh đó, sếp /khách hàng/ nhà tuyển dụng còn đánh giá bạn dựa trên tính cách, thái độ nữa.

Mình tin những người chấp bút ngoài kia cũng cần có sự phù hợp với tác giả, hoặc với quan điểm mà tác giả muốn chia sẻ thì mới có thể làm tốt được. Chẳng hạn bạn là người ăn chay trường, trong khi tác giả lại yêu cầu bạn viết chia sẻ về quan điểm ăn thịt tốt cho sức khỏe, bạn có thấy ổn không? 

Lúc giới thiệu dự án chấp bút cho mình, chị đồng bút có nhắn như vầy: “Dự án cần một bạn viết có tư duy hệ thống tốt, lối viết thú vị một chút, và ưu tiên người am hiểu về nền tảng. Mọi dữ liệu khiến chị nghĩ tới em”. Không phải ngẫu nhiên mà mình được chị tin tưởng và giới thiệu, mọi thứ bắt đầu từ sự phù hợp giữa yêu cầu của khách hàng và kỹ năng, kiến thức của mình. 

Sự phù hợp này từ đâu mà có?

Mình nghĩ cơ duyên đưa mình đến với dự án chấp bút này là nhờ thời gian làm việc tại Advertising Vietnam. Trong hơn 1 năm (2021 – 2022), mình đã viết 200+ bài viết học thuật về chủ đề truyền thông – quảng cáo (bao gồm cả nội dung longform và PR), cùng 25+ bài phỏng vấn nhân vật. Bên cạnh đó, mình còn tự xuất bản một cuốn ebook dài hơn 6000 từ về kỹ năng phỏng vấn nhân vật vào năm ngoái. 

Những trải nghiệm này giúp mình học được cách tư duy theo hệ thống, diễn đạt ý tưởng một cách rõ ràng, logic cùng lối viết dễ hiểu, thú vị. Ngoài ra, sau hơn 4 năm làm việc trong lĩnh vực sáng tạo nội dung, mình cũng đã tích lũy được những kỹ năng quan trọng để đáp ứng công việc chấp bút:   

  • Kỹ năng viết và biên tập 
  • Kỹ năng nghiên cứu, phân tích, tổng hợp thông tin 
  • Kỹ năng tìm kiếm, phát triển ý tưởng
  • Kỹ năng lắng nghe, đặt câu hỏi và khai thác câu chuyện từ nhân vật (ở đây là tác giả)
  • Kỹ năng chuyển đổi giọng điệu linh hoạt, sáng tạo

Mình còn luôn giữ một thái độ cởi mở và ham học hỏi, cùng một chút hiểu biết về nền tảng – vừa đủ để nhận được sự tin tưởng từ NXB và tác giả. 

2. Tuân thủ quy trình

Vì là lần đầu tiên chấp bút nên mình không biết phải làm việc theo quy trình nào để đảm bảo bản thảo hoàn thành trước deadline. Những ngày đầu mình cứ vừa tìm kiếm thông tin vừa viết trong hoang mang, nhưng rất nhanh sau đó thấy không hiệu quả nên mình quyết định tạo một quy trình với thời gian biểu như sau: 

  • Tuần 1: Nghiên cứu, phân tích & tổng hợp thông tin + Chọn lọc thông tin phù hợp với nội dung sách 
  • Tuần 2+3: Viết nháp dựa trên outline 
  • Tuần 4+5: Viết ‘thật’ và bổ sung nội dung còn thiếu
  • Tuần 6: Biên tập (n lần) hoàn thiện bản thảo

Mỗi ngày mình dành khoảng 7 tiếng cho dự án chấp bút sách. Ngoài ra trong quá trình chấp bút, mỗi tuần mình sẽ làm việc với NXB một lần để cập nhật tiến độ, hỏi những thông tin còn thiếu hoặc phỏng vấn tác giả (nếu cần). 

Tại sao phải tuân thủ quy trình? 

Vì viết sách đòi hỏi sự tập trung cao độ, nếu vừa viết vừa tìm thông tin hoặc vừa viết vừa biên tập mình sẽ bị phân tâm, đi lệch khỏi ‘flow’ đang có và làm chậm tiến độ. Mình nghĩ không chỉ những người chấp bút, mà ngay cả những tác giả viết sách không có deadline cụ thể cũng nên tuân thủ quy trình và thời gian biểu nhất định. Khi duy trì nhịp viết đều đặn và khiến việc viết sách trở thành một thói quen hàng ngày, bạn sẽ hoàn thành nó sớm hơn dự định (hoặc trước deadline) đấy 😉 

3. Đừng chỉ viết, hãy sống

Mình nghĩ đã là người viết, bất kỳ ai cũng cần học cách sống trọn vẹn để lắng nghe, quan sát và cảm nhận mọi khoảnh khắc trong cuộc sống. Bởi đó là chất liệu quý giá để chúng ta viết ra những nội dung ‘chạm’ đến độc giả hơn. 

Với công việc chấp bút, việc ‘sống’ còn quan trọng hơn nữa. Vì người chấp bút không đơn thuần viết lại những gì tác giả nói, mà phải viết dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về họ, cùng họ phát hiện ra những câu chuyện thú vị, hấp dẫn mà đôi khi chính họ cũng không nhận ra. Thậm chí chúng ta còn phải ‘sống’ trong thế giới của họ, để có thể viết được bằng giọng nói, tinh thần của họ.

Dù nội dung cuốn sách mình chấp bút không nói về đời sống cá nhân hay câu chuyện cuộc đời của tác giả, nhưng mình vẫn dành thời gian để đọc, tìm hiểu mọi thông tin về tác giả, về quá trình phát triển sự nghiệp của họ, những trải nghiệm họ đã trải qua,.. từ đó, đưa vào trang sách những câu chuyện và cảm xúc chân thật nhất. 

Việc tưởng đơn giản nhưng thật ra không hề, nhỉ? Mình thì chỉ biết tự nhắc nhở bản thân mỗi ngày về việc sống trọn vẹn, sống với sự chú tâm mỗi ngày thôi ^^

4. Hãy thử viết sách 1 lần!

Đây cũng không phải bài học gì đâu, chỉ là, mình nghĩ đây là công việc thú vị mà bạn nên thử ít nhất một lần (dĩ nhiên bạn phải là người có chuyên môn viết và biên tập hoặc đã từng viết một cuốn sách/ ebook cho riêng mình). 

Chưa nói đến mức thù lao hấp dẫn, chấp bút giúp mình sản xuất được những nội dung chất lượng trong thời gian ngắn – đó là một thử thách, nhưng vượt qua nó cảm giác vô cùng.. đã. Chấp bút cho phép mình được nghe các câu chuyện, những bài học kinh nghiệm quý giá từ người giỏi và học hỏi những góc nhìn, tư duy của họ.

Mình viết cho người khác nhưng bản thân mình được truyền cảm hứng để viết nên những nội dung giá trị, thậm chí mình còn được sống trong một thế giới mà trước đây mình không hề biết về nó. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy công việc này thú vị rồi phải không?  

Kết

Thật ra con số 37.500 từ trong 1 tháng cũng không phải điều gì ghê gớm, mình chỉ giật tít thôi, vì mình biết ngoài kia có nhiều người viết còn ‘trâu’ hơn thế 😉 Nhưng mình tự hào vì đã vượt qua được giới hạn của bản thân, điều mình nghĩ mình không thể làm, mình đã làm được.

Cảm ơn NXB, tác giả và cả người chị đồng bút đã tin tưởng mình. Cảm ơn bạn đã đọc đến những dòng này, và chúc bạn luôn vui trong công việc.

be freedom,

Tâm Thương.

– Tâm Thương

Mauris fringilla erat ut leo auctor, sed dictum ipsum dictum. Integer vehicula rutrum augue, ac facilisis augue rutrum eu. Mauris posuere est at augue dapibus, ac feugiat velit feugiat. Nulla porta neque vitae vulputate scelerisque. Curabitur sit amet mattis lacus. Etiam elit est, commodo quis sollicitudin eget, lobortis ut erat. Quisque laoreet nulla augue, non eleifend turpis accumsan sed. 

Nullam non magna eget ipsum elementum lacinia at id turpis. Curabitur euismod ex eget quam fringilla, et porttitor augue molestie. Fusce sagittis tempus viverra. Nulla et neque ipsum. Pellentesque non iaculis lorem. Sed mollis mattis nisl, imperdiet ultricies orci mattis eu.

Post Tags:

viết lách, writing

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Giới thiệu về Thương

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis.

error: Content is protected !!