Bài viết được truyền cảm hứng từ series #Bỏ của Vietcetera. Mình tin rằng, để có thể chạm đến sự tự do đích thực, chúng ta phải học cách bỏ (bỏ trong buông bỏ).
Buông bỏ không phải nói về việc đẩy thứ gì đó ra xa, mà là từ bỏ. Phải đối mặt với một thực tế rằng, có một số thứ làm cho chúng ta đau khổ, và chúng ta cũng gây đau khổ cho người khác. Buông bỏ là một cam kết từ bỏ những thứ tạo ra khổ đau. Đó là ý định ngừng làm tổn thương chính chúng ta và những người khác.
#Bỏ tâm lý so sánh
Những năm cấp 1,2,3 mình thường bị mang ra so sánh với bạn bè và “con nhà người ta”. Cấp 1, người bạn thân nhất của mình hơn mình về mọi mặt. Mẹ bạn ấy mỗi lần qua nhà mình đều “khoe” về bạn ấy, điều đó vô tình khiến mình cảm thấy đang bị so sánh, trong vô thức, mình cũng tự so sánh mình với bạn và dĩ nhiên, luôn cảm thấy thua kém.
Cấp 2 và cấp 3, thậm chí đến tận bây giờ, mẹ vẫn hay so sánh mình với hình mẫu “con nhà người ta”. Đây là điểm chung mà mình nghĩ hầu hết ai cũng trải qua. Nhưng không phải ai cũng biết tách mình với hình mẫu đó, để sống là chính mình, thay vì luôn cố gắng làm hài lòng bố mẹ và chịu đựng áp lực.
Sau một thời gian tự so sánh bản thân với người khác, luôn sống trong sự tự ti vì mình chưa đủ giỏi, chưa đủ đẹp, chưa xứng đáng được yêu thương,… thường xuyên tức giận chính bản thân mình, giận mình vì tại sao mình không giỏi bằng người khác, giận vì sự bất lực của bản thân… thỉnh thoảng đố kỵ với thành công của người khác và gồng mình lên chứng tỏ những điều vô nghĩa với thế giới, chỉ để được công nhận. Thì mình cũng may mắn nhận ra, mình là duy nhất, dù không hoàn hảo, nhưng mình biết mình có những giá trị riêng. Để #bỏ tâm lý so sánh mình với người khác, thay vào đó, so sánh bản thân với chính nó của ngày hôm qua.
#Bỏ tâm lý so sánh bằng cách: Tránh lãng phí thời gian để quan tâm về cuộc đời người khác; Luôn nhìn thành công của người khác với thái độ cầu thị, học cách khen ngợi và học hỏi từ họ; Tập trung vào bản thân, học biết ơn và trân trọng những gì mình đang có; Tìm ra giá trị mình muốn theo đuổi và nỗ lực vì nó; Tự vấn chính mình mỗi ngày, nhớ rằng, bạn chỉ cần chiến thắng chính mình của ngày hôm qua.
#Bỏ phán xét
Mình cho rằng phán xét là bản năng của con người, ai trong chúng ta cũng vô tình phán xét người mà không nhận thức rõ điều đó. Vì chúng ta cũng là những người bị phán xét, từ nhỏ đến lớn. Và vì trong quá trình trưởng thành, mỗi người đều có những trải nghiệm riêng, chúng ta luôn nhìn thế giới khác nhau. Mình gọi phán xét là một “căn bệnh”, vì phán xét – với mình, là đưa ra những lời nhận xét, đánh giá tiêu cực về một con người (bao gồm chính bạn), một sự việc, một hiện tượng dựa trên góc nhìn, quan điểm cá nhân mà không xem xét toàn diện gốc rễ vấn đề. Phán xét suýt biến mình thành một người tiêu cực và một kẻ xấu đúng nghĩa, bởi:
- Mình đánh giá mọi việc chỉ ở bên ngoài: Điều đó vô tình ngăn cản mình tìm hiểu gốc rễ của vấn đề. Không quan sát, không đặt câu hỏi, không lắng nghe, không có cái nhìn đủ sâu và rộng => Không cho phép bản thân được “học” và phát triển.
- Mình có nhiều cảm xúc tiêu cực khi phán xét: Giận dữ, chán ghét, khinh thường, phàn nàn.
- Mình nhận ra những điều mình phán xét người khác cũng là vấn đề đang có bên trong chính mình. Nhưng thay vì tập trung để “sửa” mình, mình lại đang mất thời gian và năng lượng để chì chiết người khác?
- Mình không có khả năng chấp nhận, yêu thương, chia sẻ, lắng nghe, thấu cảm khi phán xét người khác. Và vì thế, mình chẳng thể nào yêu thương bản thân và cảm thấy hạnh phúc thật sự.
#Bỏ phán xét, có nghĩa là thôi có những định kiến/ suy nghĩ tiêu cực về ai đó; thay vào đó, góp ý chân thành để cùng cho nhau cơ hội được hoàn thiện hơn và tìm kiếm điểm tốt nơi người đó và dành cho họ một lời khen. Luôn đặt mình vào vị trí của người khác, hiểu rằng tính cách của mỗi người được hình thành thông qua trải nghiệm quá khứ. Mình không thể phán xét ai đó khi chưa nhìn đủ sâu những gì họ đã trải qua. Vậy nên, thay vì phán xét họ, mình chọn chấp nhận và thấu hiểu, thay vì cố tìm kiếm câu trả lời tại sao, mình học cách nhìn mọi thứ như nó đang là. Cuối cùng, chủ động học cách chung sống với những lời phán xét, một cách tích cực, tập trung để hoàn thiện mình thay vì phán xét ngược lại.
#Bỏ quyền kiểm soát
Chủ nghĩa khắc kỷ có một quan điểm rất hay mà mình luôn cố gắng thực hành, đó là, những thứ chúng ta không kiểm soát được đều là vô nghĩa. Để luôn phân định rõ những thứ mình có thể kiểm soát và những thứ mình không thể kiểm soát. Từ đó, #bỏ quyền kiểm soát những thứ không thể kiểm soát.
Mình từng là đứa quan tâm rất nhiều đến cách người khác nhìn mình, thường khó chịu/ tức giận bởi những lời nói, hành động chưa đúng mực, bởi sự thay đổi đột ngột của một vấn đề nào đó bên ngoài, thường mong đợi một điều gì đó từ người khác để khi không có được lại thất vọng,… Nhưng sự thật là, chúng ta không thể biết được chuyện gì sẽ xảy ra cũng như cách người khác nhìn nhận và đánh giá chúng ta như thế nào. Liệu người bạn thân bên cạnh mình có bỏ đi nơi khác hay không? Liệu những thứ tốt đẹp chúng ta đang có sẽ mất đi hay không? Liệu người khác sẽ nghĩ gì về mình? Không có gì đảm bảo mọi việc sẽ diễn ra theo mong muốn hoặc cách nghĩ của chúng ta.
Vậy nên, mình dần #bỏ quyền kiểm soát những điều xảy đến với mình, mình chỉ kiểm soát cách bản thân phản ứng với những điều đó và luôn trong tâm thế đón nhận mọi thứ như một bài học, dù chúng có khổ đau ra sao.
#Bỏ cái tôi
Nếu nói từ bỏ hoàn toàn, không chấp vào cái tôi thì thật sự rất khó, không phải ai cũng làm được. Với mình, #bỏ cái tôi là hiểu rằng, càng bám chấp cái tôi thì càng khổ đau, càng mất tự do, từ đó học bớt bám chấp vào nó và dần dần tiến tới không còn chấp nữa.
Để #bỏ được cái tôi, mình buộc phải học bỏ 3 điều trên trước: #bỏ tâm lý so sánh, #bỏ phán xét, #bỏ quyền kiểm soát. Để thôi so sánh bản thân với người khác và thấy mình kém cỏi; thôi tranh cãi để giành phần thắng; thôi chứng tỏ bản thân trước mặt người khác; thôi chỉ trích và phán xét người khác (cũng như phán xét chính mình); thôi kỳ vọng mọi thứ trở nên hoàn hảo; thôi phản ứng thái quá trước mọi thứ,…
Khi biết #bỏ cái tôi, cũng là lúc mình có được nhiều năng lượng tích cực hơn. Mình dần trở thành người biết lắng nghe, tử tế hơn và được yêu mến hơn; biết đặt mình vào suy nghĩ của người khác để dung hòa, mỗi người nên nhường nhịn nhau một chút để không gây ra mâu thuẫn. #Bỏ cái tôi còn giúp mình có những mối quan hệ sâu sắc và hòa hợp hơn.
Đừng quên, bạn không phải là cái tôi của bạn. #Bỏ cái tôi chưa bao giờ là việc dễ dàng, nó đòi hỏi bạn phải trải nghiệm sự tự ý thức, phải dũng cảm, trung thực và sẵn lòng để thoát ra khỏi những gì bạn không thuộc về. Và để tìm ra sự thật, nơi bạn được khám phá ra bản thân trong trạng thái tự do, bình yên, có lòng trắc ẩn, sự bao dung và tình yêu thương nhiều nhất.
Đó là mình, còn bạn, bạn đã #bỏ những gì rồi?
be freedom,
Tâm Thương.