6 thay đổi trên hành trình chữa lành

BLOG, Viết để tốt hơn (Reflect & Grow)

Mục lục

Trong nhiều bài viết trước đây, mình từng chia sẻ những trải nghiệm cá nhân về hành trình chữa lành của bản thân, bao gồm cả những cách mình đã làm để có thể nhận diện và vượt qua được những chấn thương tâm lý từ nhỏ.

Bài viết này, mình sẽ chia sẻ về chi tiết hơn về những sự thay đổi lớn của bản thân trên hành trình đó. Nếu bạn cũng có những thay đổi tương tự, thì chúc mừng bạn, chúng ta đang đi chung một con đường đến với sự tự do và hạnh phúc. Nếu bạn chưa có, thì không sao cả, đây sẽ là những gợi ý để bạn bắt đầu!

1. Thay đổi các thói quen cũ

Ngày xưa mình có nhiều thói quen xấu, chẳng hạn như thức khuya, ít uống nước, ăn uống vô tội vạ và không đúng giờ, không chịu tập luyện,… Đặc biệt, mình có rất nhiều những suy nghĩ tiêu cực, thường chìm trong nỗi buồn, hay đổ lỗi cho người khác và mang tâm lý nạn nhân. Cả sức khoẻ thể chất và tinh thần khi đó khá tệ. Nhưng đến khi hiểu được những vấn đề bên trong, mình mới bắt đầu thay đổi dần và trở nên tích cực, vui vẻ hơn.

Đến hiện tại mình đã và đang duy trì một lối sống lành mạnh hơn rất nhiều rồi nè. Mình có chia sẻ chi tiết những thay đổi trong cách chăm sóc thân và tâm ở bài viết Bạn có tin “tâm sinh tướng” không?, bạn xem chi tiết ở đấy nghen!

2. Kiểm soát cảm xúc tốt hơn

Trong quá trình quay về với bản thân, mình nhận ra mình không kiểm soát được cảm xúc và rất dễ khó chịu, phản ứng khi nghe ai đó nói lời khó nghe hoặc có hành động không đúng. Những lúc tức giận, mình hay lớn tiếng và thường không làm chủ được lời nói của bản thân. Tất nhiên đến hiện tại những cảm xúc đó vẫn chưa biến mất hoàn toàn, mình vì vẫn đang học mà ^^

Nhưng qua thời gian, mình không còn dễ dàng tức giận, nóng nảy như trước nữa. Khi quay về học cách yêu thương bản thân, mình cũng học được cách thả lỏng tâm trí, tĩnh lặng và yêu người. Thay vì ôm cảm xúc tiêu cực vào người, mình chọn đối diện với nó, không phân định tốt – xấu, đúng – sai mà chỉ tập trung ôm ấp và từ từ giải phóng nó. Mình hiểu được bản thân lúc nào đang tham – sân – si nhờ việc lắng nghe bản thân và bắt đầu thay đổi niềm tin, rằng mình là một người tích cực và tràn đầy năng lượng.

orange and white egg on stainless steel rack

Mình và bạn, chúng ta luôn có quyền lựa chọn, chọn vui vẻ hay tức giận, là do bạn quyết định, người khác không có vai trò, trách nhiệm cho cảm xúc của bạn. Một số cách mình đã áp dụng để kiểm soát cảm xúc tốt hơn là:

  • Giải toả cảm xúc – tìm người để chia sẻ cảm xúc của bản thân, hoặc viết tất cả ra giấy.
  • Dành ít nhất 5-10 phút mỗi ngày để ngồi yên và hít thở sâu.
  • Lắng nghe và mở lòng nhiều hơn trước khi đưa ra nhận định, phán xét.
  • Viết 3 điều bạn biết ơn mỗi ngày.
  • Và điều quan trọng nhất là, hãy đối diện thay vì trốn chạy – không ai hay chất kích thích nào có thể giúp bạn thoát ra khỏi những cảm xúc tiêu cực, ngoài việc chính bạn tự thay đổi nó.

3. Tha thứ cho chính mình

Sau nhiều năm mang tâm lý nạn nhân, thì đến một lúc mình nhận ra, nguyên nhân sâu xa của tâm lý đó xuất phát từ việc mình không thể tha thứ cho mình. Bên trong mình từng có rất nhiều giọng nói “huỷ diệt” – những giọng nói cho rằng mình không đủ tốt, không đủ xinh đẹp, không có gì đặc biệt, vô giá trị và không xứng đáng được yêu thương. Mình thường tự trách bản thân và tìm kiếm những niềm vui ngắn hạn để giải toả nỗi buồn. Nhưng bạn biết đấy, đó chưa bao giờ là cách tốt nhất. Cách duy nhất để có thể tha thứ cho chính mình, là can đảm đối diện và chấp nhận bản thân.

“Tha thứ là khả năng buông bỏ, giải phóng những đau khổ, nỗi buồn, gánh nặng và sự phản bội xảy ra trong quá khứ. Thay vào đó là lựa chọn theo đuổi những điều kì diệu của tình yêu. Biết tha thứ sẽ thay đổi chúng ta từ một cái “tôi” tách biệt sang một cái “tôi” biết thay đổi, biết buông bỏ và sống trong tình yêu thương thực sự”. –  Jack Kornfield

4. Đón nhận sự giúp đỡ

Mình từng là người không biết nhận. Mỗi lần lên tiếng nhờ sự giúp đỡ là một lần mình thấy phiền. Mình đã luôn cho rằng mình tự lập, mình mạnh mẽ. Nếu được ai đó yêu cầu giúp đỡ, mình ngay lập tức từ chối, vì không muốn trở thành gánh nặng của họ. Cho đến lúc nhận ra mình chỉ đang cố tỏ ra mạnh mẽ để che lấp và trốn chạy khỏi những nỗi đau bên trong.

persons hand forming heart

Mình nghĩ việc biết nhận sự giúp đỡ cũng là một loại can đảm – ở đó, chúng ta dám bộc lộ mình như mình vốn-là, chúng ta cho phép người khác thấy mình đang yếu đuối, đang tổn thương và không mạnh mẽ như những gì đang thể hiện. Chúng ta sẵn lòng nhận sự giúp đỡ, sẵn lòng lên tiếng để nhờ sự giúp đỡ. Đó cũng là dấu hiệu của việc chúng ta hiểu mình, hiểu cảm xúc của mình để bước một bước xa hơn – chữa lành cho chính mình, và xa hơn nữa, giúp đỡ và chữa lành cho người khác. Để học được cách tin tưởng vào người khác, vào sự tử tế, vào tình yêu thương và năng lượng của vũ trụ. Từ đó, học được cách yêu thương bản thân và biết cho đi thật sự.

Vì chúng ta sẽ không thể cho, nếu chưa biết cách nhận. Và ngược lại.

5. Xây dựng ranh giới cá nhân

Mình từng có một thời gian bị phụ thuộc vào cảm xúc của người khác, vì không hiểu đâu là ranh giới của bản thân. Mình cho phép người ta làm tổn thương mình như một lẽ tự nhiên và rồi ôm theo cảm giác bản thân vô giá trị, yếu đuối và không đủ tốt suốt nhiều năm.

Cho đến khi hiểu ra và bắt đầu học yêu bản thân, mình mới học cách xây dựng ranh giới cá nhân.

Việc thiết lập cho mình một ranh giới là cách để bảo vệ bản thân trước những cám dỗ và tư tưởng muốn làm hài lòng người khác. Cũng đồng nghĩa với việc ta hiểu được mình là ai, mình cần và muốn gì, mình có giá trị và những nguyên tắc ra sao để không có những mong cầu và xu hướng phụ thuộc vào người khác. Nhờ xây dựng ranh giới cá nhân, mình đã biết cách nói không, đã từ bỏ được những mối quan hệ độc hại và biết dành thời gian chất lượng cho bản thân.

6. Hiểu giá trị của bản thân

Mình từng nghĩ giá trị của mình chính là số người yêu mến mình, từng so sánh bản thân với người khác và cố chạy theo “tiêu chuẩn” của xã hội. Mình biết nhiều người cũng như vậy, có những người còn lấy tài sản, vật chất ra để làm thước đo giá trị của bản thân. Nhưng bạn biết đấy, những thứ đó chưa bao giờ là giá trị thật sự của mình hay của bạn. Đó chỉ là những thứ người khác dựng lên để biến chúng ta thành những con rối, quan trọng không phải bạn sẽ trở thành ai, mà bạn là người như thế nào.

person flipping book

Mình chọn theo đuổi một vẻ đẹp bền vững, không phải đến từ lớp make-up, từ những bộ cánh lộng lẫy hay sự hào nhoáng thoáng qua rồi vụt tắt khi trở về với những góc tối bên trong chính mình. Một vẻ đẹp bền vững (theo cá nhân mình) đến từ sức khỏe, trí tuệ và tính nữ. Khi biết chăm sóc cơ thể khỏe mạnh và tinh thần tích cực, biết nuôi dưỡng trí tuệ từ trải nghiệm và học hỏi, biết gìn giữ và bộc lộ tính nữ– Mình sẽ ý thức được giá trị riêng của chính mình, mà không còn cần bất kỳ ai công nhận.

Mình thiết lập giá trị của bản thân thông quan việc xác định thế giới quan và chọn cho mình những giá trị sống phù hợp, đây là những giá trị mình cho là quý giá, quan trọng và có ý nghĩa. Dù có bất cứ chuyện gì, mình vẫn giữ nguyên những giá trị đó – Giá trị sống soi đường và dẫn lối mình cố gắng và hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Mình hiểu điều đó và không cho phép ai xâm phạm vào giá trị mình xây dựng, nhờ đó mà mình cũng gặp gỡ được những người có cùng hệ giá trị để tránh lãng phí thời gian cho những mối quan hệ vô nghĩa.

Kết

Hy vọng bài viết này sẽ cho bạn thêm một góc nhìn về hành trình chữa lành. Mong là bạn cũng đang đi trên hành trình này, và chúc cho hành trình của bạn thật an lạc. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết!

be freedom,

Tâm Thương.

– Tâm Thương

Post Tags:

change your life, chữa lành, hành trình chữa lành, healing, selflove, yêu bản thân

error: Content is protected !!