Học cách ứng xử với bản thân

BLOG, Viết để tốt hơn (Reflect & Grow)

Mục lục

Ứng xử là một trong những kỹ năng quan trọng chúng ta được học để có thể giao tiếp và có những mối quan hệ, công việc tốt hơn. Thế nhưng, đôi khi chúng ta không biết cách hoặc quên đi cách ứng xử với một người vô cùng quan trọng – chính bản thân mình.

Ngày trước, mình thường không dám nhìn vào gương quá lâu, vì mỗi lần nhìn là một lần mình tự dè bĩu khuôn mặt được bố mẹ ban tặng. Mình chê bai làn da đen xạm và chi chít mụn của mình, mình mạnh tay bóp lấy chiếc mũi mình vì nó to, nên mình ghét. Những lúc vô tình làm sai/ hư hỏng thứ gì đó hoặc thất bại, mình nhanh chóng dành những lời chê bai, mắng chửi chính mình (ngu ngốc thế, tệ hại ghê, có vậy mà cũng sai,…). Mình vẫn thường tự phán xét, chì chiết những khuyết điểm và lỗi lầm của mình. Mình dễ dàng chấp nhận một lời chê bai từ người khác và tin rằng đó chính là mình. Mình không biết nhận sự giúp đỡ và lời khen vì cho rằng mình không xứng đáng được nhận,…

Suốt hơn 20 năm, mình luôn ứng xử với bản thân như thế. Cho đến khi biết quay về với chính mình để chữa lành và yêu thương nó. Mình nhận ra, nếu mình chưa biết cách nói lời tử tế và và chân thành với chính bản thân mình, mình vẫn còn phán xét những khuyết điểm và lỗi lầm của mình,…thì với người khác, mình cũng rất dễ có cách ứng xử tương tự. Nhất là khi mình gặp vấn đề và chưa kịp kiểm soát cảm xúc của mình. Và cách mà mình học ứng xử với người khác trước đến nay chỉ là vỏ bọc bên ngoài, nó đến từ “đứa trẻ” sợ phán xét và làm hài lòng người khác hoặc vì mình được dạy như vậy nên mình làm, mà không hiểu được ý nghĩa thật sự, chứ không xuất phát từ chính bản năng bên trong.

Mình hiểu và tin rằng, để có thể ứng xử tử tế và chân thành với người thân, bạn bè và cả người dưng ngoài đường một cách tự nhiên, như một bản năng, đến từ bên trong mình, kể cả lúc mình thất bại/ sai lầm/ nóng tính/ xấu xí,…nhất. Mình cần phải học ứng xử với chính mình, bắt đầu bằng cách giao tiếp với bản thân (self-talk).

Học ứng xử với chính mình, bắt đầu bằng cách giao tiếp với bản thân (self-talk)

Giao tiếp dựa trên 3 cơ sở quan trọng: Tôn trọng – Lắng nghe – Thấu hiểu. Vì thế, để có thể giao tiếp tốt với bản thân, chúng ta cần học được cách tôn trọng, lắng nghe và thấu hiểu chính mình.

Tôn trọng bản thân

Tôn trọng bản thân có thể hiểu là khi chúng ta biết thương mình, hiểu được những giá trị của mình và có giới hạn riêng.

Chấp nhận bản thân vô điều kiện

Dù chúng ta luôn hiểu rằng, con người không ai hoàn hảo 100% nhưng việc chấp nhận bản thân vẫn chưa bao giờ là dễ dàng.

Chúng ta luôn là những người khắt khe với chính mình hơn ai hết, chúng ta dễ dàng tức giận với chính mình vì đã làm những việc ngu ngốc và sai lầm, chúng ta tự trách móc và phán xét chính mình khi thấy bản thân không hoàn hảo,…

Mình bắt đầu học chấp nhận bản thân bằng cách liệt kê tất cả những điều khiến mình chưa chấp nhận được. Sau đó chia làm 2 cột: Những điều có thể thay đổi được và những điều không thể thay đổi. Nếu thay đổi được, mình sẽ tìm cách để thay đổi từ từ. Còn nếu không, mình học cách chấp nhận, yêu thương chúng và hiểu rằng chúng sẽ khiến mình trở nên đặc biệt.

“I love you. I truly love you. I accept you exactly as you are”

Là câu nói mình thực thành nói với bản thân mỗi ngày (vừa nhìn vào gương vừa mỉm cười và nói thành tiếng). Điều này khiến khả năng chấp nhận bản thân của mình cao hơn.

I sorry. Please forgive me. I love you. Thank you”

Là câu nói mình dành cho bản thân khi vô tình thấy mình đang tự phán xét hoặc trách móc chính mình. Đây là câu nói trong phương pháp Ho’oponopono. Mình tin chúng có sức mạnh chữa lành rất lớn, đã vài lần mình bật khóc khi vừa nói vừa ôm ấp chính mình.

Và đừng quên, chúng ta luôn đủ tốt để xứng đáng được yêu thương.

Chăm sóc bản thân

Chăm sóc bản thân có 2 phần: Thân & Tâm. Thân khỏe mà Tâm chưa khỏe hoặc ngược lại Tâm khỏe mà Thân có vấn đề đều không ổn. Chúng ta luôn cần quan tâm và chăm sóc cả 2 như nhau.

Mình nghĩ ai cũng biết tầm quan trọng của việc chăn sóc bản thân, nhưng chúng ta không nhận ra ý nghĩa đủ lớn để hành động. Và vì những ảnh hưởng từ quá khứ vô tình hình thành nên những thói quen, tính cách, phản ứng, suy nghĩ, hành động làm khổ mình. Thật ra chăm sóc Thân không khó, chỉ cần đủ nghiêm túc với chính mình một chút. Chăm sóc Tâm mới là điều chúng ta cần học mỗi ngày, có thể cả đời cũng chưa xong.

Hiểu được giá trị của mình

Thông thường, chúng ta thiếu tôn trọng chính mình vì chúng ta không hiểu được giá trị của bản thân. Mình từng nghĩ giá trị của mình chính là số người yêu mến mình, mình biết nhiều người cũng như vậy, có những người còn lấy tài sản, vật chất ra để làm thước đo giá trị của bản thân. Nhưng mình luôn không nghĩ vậy, đó chưa bao giờ là giá trị thật sự của bạn.

Mỗi người sẽ có cho mình những giá trị riêng mà chính bạn cần học cách hiểu và trân trọng trước khi mong cầu nơi người khác. Nếu bạn cảm thấy bản thân chưa được tôn trọng, chưa được chấp nhận và yêu thương đúng nghĩa. Tức là bạn cần quay về học làm tất cả đều đó với chính bản thân mình trước tiên.

Mình thiết lập giá trị của bản thân thông quan việc chọn cho mình những giá trị sống phù hợp, đây là những gì chúng ta cho là quý giá, quan trọng và có ý nghĩa. Dù có bất cứ chuyện gì, bạn vẫn giữ nguyên những giá trị đó. Giá trị sống soi đường và dẫn lối cho chúng ta cố gắng và hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Thông thường, mỗi năm mình sẽ chọn cho mình 3 giá trị sống quan trọng nhất để theo đuổi và thực hành.

Thiết lập ranh giới của bản thân

Khi đã hiểu được giá trị của mình, mình bắt đầu thiết lập ranh giới của bản thân bằng cách kết nối lại với chính mình để khám phá những nhu cầu và thấu hiểu cảm xúc của bản thân bằng cách quan sát, ghi chép, tự vấn,…

Nếu bạn vẫn đang dành thời gian quá nhiều cho những việc/ những người không xứng đáng. Đang cố gắng làm hài lòng người khác bằng cách nói CÓ, bằng việc đồng thuận theo ý kiến của số đông. Đang mang nhiều sự tiêu cực từ những mối quan hệ xung quanh. Đang cố tỏ ra tử tế, tốt đẹp để “được tôn trọng”. Đang là người mà NGƯỜI KHÁC MUỐN BẠN LÀ chứ không phải là người BẠN NÊN LÀ. Đang không hiểu rõ nhu cầu cá nhân hoặc cảm xúc bị kiểm soát bởi suy nghĩ, hành động của người khác,…

Bạn cần xác lập ranh giới cá nhân của mình!

Lắng nghe bản thân

Lắng nghe bản thân bao gồm lắng nghe cảm xúc và lý trí, để chọn cho mình những điều đúng và phù hợp. Lắng nghe bản thân cũng là lắng nghe những phản ứng của cơ thể đối với những gì đang diễn ra bên trong và bên ngoài. Và mình vẫn đang học lắng nghe trái tim để trí tuệ và tình yêu bên trong mình được nảy nở.

Trái tim luôn có câu trả lời tốt nhất, hãy lắng nghe chính mình.

Mình lắng nghe bản thân thông qua việc tĩnh lặng, tìm một không gian yên tĩnh để có thể có được sự yên bình cho tâm trí, hít thở sâu và cảm nhận mọi cảm xúc và suy nghĩ của mình, đối diện với những câu hỏi và chân thành lắng nghe câu trả lời của bản thân, không phán xét.

Bạn sẽ dễ dàng nhận ra, lúc lắng nghe chỉ toàn xuất hiện những suy nghĩ bất như ý, vậy nên chúng ta cần thực hành song song việc tôn trọng và lắng nghe bản thân, để cân bằng và nghe rõ tiếng nói bên trong mình hơn. Từ đó, tìm ra cho mình những điều ý nghĩa và quan trọng trong các mối quan hệ, sức khỏe, tài chính, công việc, những đóng góp có ý nghĩa cho cuộc sống,…

Hiểu mình

Mình vẫn quan niệm, sống chính là hành trình chúng ta tìm về chính con người chân thật của mình.

Hiểu mình có thể bắt đầu từ những điều đơn giản như hiểu mình thích gì, không thích gì; hiểu điểm mạnh, điểm yếu của mình là gì; làm trắc nghiệm tính cách để tham khảo xem mình có những đặc điểm tính cách như thế nào,…Và quay về để lắng nghe bản thân để hiểu được những nhu cầu, thế giới quan của mình, cách mình kết nối với những người xung quanh, nhìn nhận những mối quan hệ hiện có, tìm ra giá trị, sứ mệnh của mình.

Hiểu mình chưa bao giờ là việc có thể học trong một khoảng thời gian ngắn, nó cần cả đời. Ở đó, mỗi người phải liên tục tự vấn, quan sát, lắng nghe và trải nghiệm. Để có cho mình một con đường đến với hạnh phúc chân thật.

Tôn trọng – Lắng nghe – Thấu hiểu là một vòng tròn kết nối và tác động qua lại (có tôn trọng mới có lắng nghe, có lắng nghe mới có thấu hiểu, có thấu hiểu mới có yêu thương).

Bên cạnh việc Tôn trọng – Lắng nghe – Thấu hiểu, để có thể giao tiếp (ứng xử) với bản thân một cách tốt nhất. Mình nghĩ chúng mình cần học nhiều hơn thế. Là Biết Ơn; Yêu lấy số mệnh của bạn; Dành thời gian cho bản thân & Xây dựng mối quan hệ với bản thân như một sợi dây liên kết cùng nhau và không thế tách rời. 

Nguyện cho chúng ta luôn bình an trên hành trình yêu thương và thấu hiểu bản thân trọn vẹn. 

– Tâm Thương

Post Tags:

error: Content is protected !!